Ra đi trong vinh dự
Lượt xem: 14,436
Bất kỳ ai khi đi làm cũng có lúc thôi việc, vì môi trường không phù hợp. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ được hình ảnh đẹp với nơi làm cũ trước lúc ra đi là điều mà rất ít lao động chú ý đến.
Hãy để lại ấn tượng tốt. Nhiều nhân viên sau khi nghỉ việc có tâm lý không muốn đưa những dữ liệu, những khách hàng mà mình từng khai thác cho người khác. Chính vì thế, việc xóa sạch dữ liệu trên máy cùng với việc phá hoại máy hoặc một số vật dụng trong phòng làm việc là điều không nên. Những hành vi trên càng khiến cho sếp và đồng nghiệp của bạn có cái nhìn không tốt về bạn.
Tránh cãi vã. Đừng nghĩ khi quyết định ra đi là bạn sẽ không bao giờ trở lại công ty hay gặp lại những đồng nghiệp cũ. Đó là suy nghĩ sai lầm. Trong công việc, sẽ có lúc bạn cần đến những đồng nghiệp từng công tác với mình. Chính vì thế, trước khi ra đi, dù có thích hay không thích bất kỳ một nhân viên hay người quản lý nào, bạn cũng không nên gây gổ với họ. Sự cãi vã chẳng đem lại kết quả tốt đẹp mà còn làm xấu đi mối quan hệ với đồng nghiệp sau này.
Nói xấu sếp trong buổi phỏng vấn. Thường trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng bao giờ cũng hỏi lý do bạn rời bỏ công ty cũ. Đây cũng là lúc nhiều ứng viên trút bỏ tâm sự của mình bằng cách nói người quản lý cũ thế này, thế khác. Với cách trả lời thế, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn là người không biết tạo ra môi trường làm việc lành mạnh trong công sở.
Nói xấu đồng nghiệp cũ ở nơi làm mới. Biết rằng khi rời khỏi công ty, bạn sẽ có vô số lý do để chê trách người này, phê phán người kia. Tuy nhiên, bạn đừng đem điều chê trách ấy tâm sự với đồng nghiệp mới. Vì như thế, những đồng nghiệp của bạn sẽ cho rằng bạn là người chuyên nói xấu sau lưng. Ngoài ra, việc nói xấu đồng nghiệp cũ càng khiến những người đang làm việc xung quanh bạn luôn dè chừng vì họ nghĩ rằng biết đâu sau này họ cũng sẽ là người bị bạn chê bai.