"Rớt đài" từ những điều sơ đẳng...
Lượt xem: 14,780Nhiều người lao động không hiểu tại sao mình bị "rớt đài" sau các vòng thi tuyển, dù rằng mình cũng có bằng cấp, chuyên môn "đầy mình". Thực tế, những nguyên nhân tưởng chừng rất nhỏ song cũng đủ khiến nhà tuyển dụng thẳng tay loại bạn ra khỏi danh sách ứng viên, nhất là các công ty lớn và công ty đa quốc gia.
Đi dự tuyển hay... đi chợ?
Chị Trịnh Thanh Trang - phụ trách phòng Nhân sự Công ty Dịch thuật ngôn ngữ Best (Mỹ) nhận xét, nhiều người đến phỏng vấn trong bộ dạng không khác gì "đi chợ". Họ đến phỏng vấn khi đã quá trễ giờ hoặc chờ đến lượt mình phỏng vấn thì đột ngột gọi điện lại xin hẹn giờ khác...
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sáng - Trưởng phòng Cung ứng lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành Đoàn TP.HCM) cho biết, các nhân viên tuyển dụng lao động ở đây không thể nào không "ấn tượng" với một số bạn trẻ vào đăng ký việc làm mà khẩu trang vẫn bịt kín trên mặt; bao tay cũng không "thèm" tháo ra cho lịch sự...
Theo anh Sáng, nhiều nhà tuyển dụng từng lên tiếng phàn nàn rằng họ thấy "mệt mỏi" trước những người lao động không chịu chuẩn bị những vấn đề cơ bản trước khi bước vào dự tuyển. Hồ sơ xin việc thì hết sức sơ sài, cẩu thả hoặc quá dài dòng; hiểu "lơ tơ mơ" về công việc, công ty mà mình định "đầu quân" vào. Thậm chí, có người đã copy đơn xin việc (bằng tiếng Anh) của một người bạn (vì thấy hay quá (!). Đến khi nhà tuyển dụng đọc đơn xin việc mới "tá hỏa": "Tôi biết Coca Cola là một đơn vị nổi tiếng về sản xuất bột giặt trên thế giới!”. Chìa khóa thành công: Thái độ là quan trọng
Được một công ty dược Hàn Quốc tuyển dụng vào làm vài tuần, anh Nguyễn Huy Vượng (ngụ 22A/16 Hồ Bá Kiệm, P.6, Q.10, TP. HCM) chia sẻ kinh nghiệm chỉ bằng cụm từ ngắn gọn: "Hãy tự tin!". Nhớ lại những lần thất bại "chua cay" trước đây, anh thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do trạng thái không tự tin, đi dự tuyển việc làm mà như đi cầu cạnh, xin xỏ người ta.
Tuy nhiên, sự tự tin thái quá, phô trương những kiến thức bằng cách "vung tay vung chân", thao thao bất tuyệt về những điều không ăn nhập với vị trí dự tuyển... cũng đủ khiến người lao động bị "nốc-ao" ngay trên "sàn" tuyển dụng. Chị Nguyễn Vân Thủy - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty LG (liên doanh Hàn Quốc - Việt Nam) tại TP.HCM nhận xét: "Nhiều người đưa ra nhiều bằng cấp, kiến thức giỏi nhưng lại không chứng tỏ được khả năng thực tế trong lĩnh vực nào cả”.
"Tưởng phỏng vấn gì, té ra là mấy câu bâng quơ về gia đình, bạn bè..."; "không ngờ công ty lớn như vậy mà gọi mình tới chỉ hỏi về ba loại đặc sản, sở thích và cả... khuyết điểm của mình!", sau một số cuộc phỏng vấn, không ít người lao động bày tỏ sự "ngỡ ngàng" như vậy. Tuy nhiên, với những nhà tuyển dụng, đó là những câu hỏi hoàn toàn không là "bâng quơ", "chơi chơi" chút nào. Đó chính là sự kiểm tra phản ứng linh hoạt và kiến thức về cuộc sống của người lao động.
Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực NetViet, ông Dương Xuân Giao khẳng định, 3 yếu tố quan trọng quyết định sự thành hay bại của các ứng viên lao động, theo thứ tự như sau: 1- Thái độ; 2- Kinh nghiệm làm việc; 3- Kiến thức, chuyên môn.
Ông Giao nói: "Cái người lao động thiếu khi đi phỏng vấn chính là thái độ (attitude), thể hiện sự nhiệt tâm và trung thực của họ đối với công việc mà họ đang dự tuyển. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp chấp nhận tái đào tạo những người chưa hoàn thiện lắm về kiến thức, kinh nghiệm, miễn sao họ có thái độ chân thành, đúng đắn và bản lĩnh...". Vì thế, ông luôn dặn dò các ứng cử viên: "Hãy thi bằng tất cả tâm hồn của mình!"...
Chuẩn bị từ... xa
Sau một năm lặn lội đi tìm việc, bạn Nguyễn Thị Điệp - cựu sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vừa bị... rớt trong cuộc thi tuyển vào Công ty Tin học Lạc Việt. Lý do chính: thiếu kinh nghiệm viết các phần mềm.
Cô đã tự rút ra kinh nghiệm “xương máu” là: "Hồi còn trên ghế giảng đường, hầu như chỉ biết có kiến thức từ bên trong giảng đường, tức thầy dạy bao nhiêu thì "hưởng" bấy nhiêu. Lẽ ra, học 1 phải biết 5, 6, thậm chí phải biết 10 - phải tranh thủ trang bị thêm kiến thức và tiếp xúc thực tế càng nhiều càng tốt".
Hiện nay, Điệp vừa làm các công việc văn phòng tạm thời để kiếm sống, vừa đeo đuổi các lớp học về lập trình, thiết kế đồ họa và cả phương pháp làm việc theo nhóm... để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn mới với niềm tin "đánh chắc, thắng chắc".