Rủ nhau đi học làm sếp
Lượt xem: 14,537Học để làm mới mình
Ông Phan Anh Tuấn, 54 tuổi, quản lý nhân sự Công ty Roussel VN, thường đến với các khóa giảng về kỹ năng lãnh đạo do Trung tâm Thông tin Tư vấn kinh tế thuộc Thành đoàn TPHCM tổ chức. Ông cho hay trước đây làm ở công ty Nhà nước, nên khi vào công ty nước ngoài, mới thấy môi trường làm việc, cách quản lý, điều hành hoàn toàn khác. Do vậy, ông phải đi học để nắm bắt cái mới.
Ông Lê Văn Hữu, Việt kiều Pháp, Giám đốc doanh nghiệp (DN) tư vấn kế toán tài chính B.C, cho biết về nước mở doanh nghiệp được gần một năm. Do chưa quen với môi trường kinh doanh, hạn chế kiến thức, hiểu biết luật pháp trong nước, nên ông đăng ký học các khóa huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, pháp luật tại trung tâm trên. “Tôi thu thập ít nhiều kiến thức mới, có thể vận dụng hiệu quả cho công việc quản lý của mình” - ông tâm sự.
Chị Trần Thị Thảo, 25 tuổi, chủ một cơ sở gia công may mặc tại quận Tân Phú, nói: “Tôi học hết trung cấp kế toán, chỉ dựa vào chút ít kinh nghiệm để làm ăn thì không đủ, nên phải đi học. Trong thời buổi hội nhập, cạnh tranh khốc liệt, nếu không làm mới mình, không chịu khó cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới thì sẽ bị tụt hậu mất”.
Đó cũng là lý do mà dù bận rộn với hàng đống công việc hằng ngày, nhưng cứ mỗi buổi tối là chị ôm tập đi học để cập nhật kiến thức về xuất nhập khẩu, quản trị kinh doanh, đầu tư tài chính... do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức.
Càng thăng chức, càng phải đi học
Chưa khi nào phong trào đi học làm sếp rầm rộ như hiện nay: Cán bộ quản lý sắp được đề bạt lên vị trí cao hơn: đi học; chủ DN dự định mở rộng sản xuất kinh doanh: đi học; sinh viên mới ra trường, muốn bổ sung kiến thức, làm giàu bằng cấp cũng đi học cho “bằng chị bằng anh”...
Theo anh Lê Trần Bảo Phương, người vừa được đề bạt vào vị trí trưởng bộ phận đối ngoại Ngân hàng Nam Á, không chủ động học, sẽ khó cáng đáng công việc mới nhiều áp lực, khó khăn. Nghĩ thế và anh quyết định thu xếp thời gian, đăng ký khóa học nâng cao về phiên dịch ngoại ngữ. Làm giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm chuyển sang giữ chức phó giám đốc phụ trách kinh doanh cho một công ty kinh doanh hóa chất, anh Trần Hữu Nghĩa luôn bị... hụt hơi trước công việc mới. “Tôi không thể làm được công việc này nếu kiến thức, chuyên môn rỗng tuếch. Hai khóa học về giám đốc tài chính (CFO) và giám đốc điều hành (CEO) tại Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển – Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã giúp rất nhiều cho công việc của tôi” - anh Nghĩa cho biết.
Càng thăng chức, càng phải đi học và việc chọn học nâng cao kỹ năng làm việc, quản lý... trở thành yêu cầu bắt buộc. Ngay việc học này cũng có sự phân biệt “đẳng cấp” rất rõ. Chẳng hạn, các khóa học thời thượng như CEO, CFO, CPO (giám đốc nhân sự)... hiện nay, thường thu hút chủ yếu doanh nhân, lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt của DN tham gia. Còn những khóa huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án, đàm phán thương lượng, kỹ năng giao tiếp, bán hàng, dịch vụ khách hàng hiệu quả, kỹ năng thu hồi nợ... người học đông là nhân viên, cán bộ quản lý cấp trung của DN, sinh viên.
Không nên chạy theo phong trào
Hiện nay, tại TPHCM nói riêng, dịch vụ đào tạo, huấn luyện kỹ năng làm sếp đang hoạt động rất sôi động. Tại Viện Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam, bình quân mỗi tháng tiếp nhận 600 lượt học viên đăng ký với 15 chuyên ngành học quản lý... Dù mới thành lập vào năm 2006 nhưng Công ty Tư vấn & Đào tạo Innma (quận 3 - TPHCM) cũng đã đào tạo gần 1.000 lượt học viên từ trung cấp đến cao cấp các chuyên ngành như giám đốc kinh doanh, quản lý dự án...
Trong 3 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển tổ chức gần 40 khóa đào tạo giám đốc kinh doanh và tiếp thị (SMD), giám đốc nhãn hiệu (BM), CFO, CEO, thu hút gần 5.000 doanh nhân, lãnh đạo, cán bộ quản lý DN tham gia. Chỉ riêng chương trình đào tạo CEO, mỗi khóa thu hút hơn 100 người theo học. Hiện có khoảng 60% trong số 2.000 người học CEO đã tốt nghiệp, trở về nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các DN.
Khi có cung ắt có cầu và thực tế, dịch vụ đào tạo này đang “ăn nên làm ra” trước nhu cầu học làm sếp tăng mạnh. Vấn đề là sự lựa chọn nơi học và áp dụng việc học vào công việc thực tiễn. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Phát triển khách hàng Công ty Tư vấn & Đào tạo Innma, cơ sở đào tạo ngày càng nhiều, nhưng chất lượng đào tạo không hẳn đều tốt cả. Người học tự chọn nơi học phù hợp và quan trọng hơn, học để áp dụng vào công việc, chứ không nên chạy theo phong trào.