Sai lầm của sinh viên khi tìm việc
Lượt xem: 12,737Chưa biết cách ứng xử, thiếu tự tin
Bà Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng Nghiệp vụ ứng viên Công ty Tư vấn và Phát triển nguồn nhân lực L&A, đã liệt kê những sai lầm thường gặp trong ứng xử của ứng viên là: trang phục không phù hợp, ngồi đung đưa chân, đảo mắt liên tục khi trả lời người phỏng vấn, đến muộn giờ phỏng vấn, tay vân vê gấu áo khi trả lời câu hỏi, mắt nhìn xuống...
Những lỗi nhỏ đó đủ để người tuyển dụng đánh giá không hay về văn hóa ứng xử cá nhân, tính cách của ứng viên.
Theo bà Lê Thị Kim Thư, quyền Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thiên Hòa, nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng khi ứng tuyển lại hay đòi ở những vị trí cao so với khả năng hoặc đưa ra một mức lương mà công ty khó có thể chấp nhận được. Điều này khiến ứng viên mất khá nhiều điểm.
Bộ hồ sơ không ấn tượng
Về phần mình, nhiều ứng viên tự nhận thấy sai lầm của họ là chưa quan tâm đúng mức đến bộ hồ sơ. Bạn Nguyễn Thu Hồng, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh - xuất nhập khẩu, tâm sự: “Qua thông tin trên báo chí, thấy nhu cầu tuyển dụng của công ty nào phù hợp thì em chuẩn bị đúng những thứ mà họ yêu cầu rồi nộp vào, hoàn toàn không biết cách làm sao để có được một bộ hồ sơ ấn tượng và hoàn chỉnh”.
Ngay cả việc nộp ảnh cho doanh nghiệp, nhiều bạn lại cho rằng nên nộp những bức ảnh chân dung ấn tượng nhằm gây chú ý ở nhà tuyển dụng. Điều này tất nhiên là sai lầm, vì bạn có thể tạo ấn tượng qua đơn xin việc, lý lịch hay ngay trong buổi phỏng vấn chứ không thể tạo ấn tượng qua tấm ảnh thẻ.
Nguyễn Thị Thanh Ngọc, sinh viên năm cuối ngành quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Trong thời gian thực tập, đôi lúc em rất cần lưu hồ sơ công việc nhưng không biết cách lưu cho khoa học. Chỉ có thế thôi, em đã thấy mình thiếu tự tin khi đi phỏng vấn tìm việc”.
Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng
Ông N.T.D, giám đốc nhân sự một công ty nước ngoài chuyên về dược phẩm, nhận định: “Lao động trẻ thiếu và yếu về ngoại ngữ cũng như sự tự tin trong giao tiếp. Quan trọng hơn là họ chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đại đa số có tư tưởng xin việc vì quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết và sống chết vì nó…”
Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng phát triển, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, làm sao có thể bảo đảm yếu tố gắn bó ở người lao động. Các doanh nghiệp sẽ không tuyển bạn nếu không nhìn thấy ở bạn niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp.
Không biết cách nói về mình
Khi được hỏi câu: “Tell me about yourself” (Hãy nói về bản thân bạn), rất nhiều bạn trẻ đã trả lời thật thà về tên, tuổi, quê quán,… mà không nghĩ rằng thực chất nhà tuyển dụng đang muốn nghe về những sở trường của bạn, những hoạt động mà bạn đã từng kinh qua,…
Một lợi thế của sinh viên là họ ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến và lĩnh hội nhanh công việc được giao. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng là những yếu tố mà doanh nghiệp hiện nay đang rất cần trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.
Ngoài ra, yếu tố sức khỏe, chấp nhận đi xa cũng như dễ hòa nhập đã trở thành điểm mạnh nổi trội ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, sinh viên nên tận dụng và phát huy tối đa những thế mạnh của mình để nâng cao vị thế cạnh tranh trong tìm việc. Họ cần tham gia các lớp kỹ năng tìm việc, các hoạt động xã hội, buổi nói chuyện chuyên đề để có thể giao tiếp tự tin và làm hồ sơ chuyên nghiệp hơn.
Khi phỏng vấn cho một công việc mới, bạn phải có sự chuẩn bị lại từ đầu. Vì sao? Không có công việc nào giống công việc nào. Và văn hóa các công ty cũng không giống nhau.
Điều cần lưu ý là bạn phải tìm hiểu hướng phát triển nghề nghiệp của công việc và văn hóa, giá trị của công ty mà mình dự phỏng vấn cũng như cơ cấu tổ chức và hoạt động của nó. Nên có minh chứng cho những câu hỏi giải quyết tình huống và tập cách trả lời tập trung, ngắn gọn, súc tích.
Tuy nhiên, để có được việc làm như ý, lao động trẻ còn phải học hỏi và bổ sung thật nhiều những kiến thức, kỹ năng và các tố chất cần thiết khác...