Sam Wilton: 10 nguyên tắc xây dựng doanh nghiệp thành công
Lượt xem: 14,920
Sam Walton 1918 - 1992
Sam Walton, người sáng lập ra Wal-Mart sinh trưởng ở làng quê nghèo Missouri. Chính sự nghèo đói đã dạy ông giá trị của đồng tiền và làm thế nào để sử dụng nó hiệu quả nhất.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Missouri, Walton làm việc tại J.C Penny. Tại đây, ông đã bắt đầu làm quen với khái niệm bán lẻ. Sau khi tham gia quân đội vào Thế chiến II, ông trở thành chủ cửa hàng bán lẻ của Ben Franklin theo phương pháp nhượng quyền. Năm 1962, ông muốn mở rộng qui mô các cửa hàng của mình theo hướng: giữ nguyên giá cả nhưng thực hiện khuyến mãi và giảm giá mạnh. Chủ thương hiệu Ben Franklin không đồng ý. Không nản chí, Walton từ bỏ Ben Franklin và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Ông đã thành lập Wal-Mart và câu chuyện về hệ thống bán lẻ bắt đầu.
Khi Walton mất vào năm 1992, tổng thu nhập ròng của gia đình ông lên đến 25 tỉ đôla. Ngày nay, Wal-Mart là thương hiệu bán lẻ số 1 với hơn 4.150 cửa hàng, bao gồm các cửa hàng với chính sách giảm giá mạnh, hoặc mô hình kết hợp giữa cửa hàng giảm giá với cửa hàng rau củ quả.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những nguyên tắc vàng dẫn đến thành công của Walton:
Nguyên tắc 1: Thực hiện cam kết với doanh nghiệp của mình
Hãy tin vào chính mình chứ không phải một ai khác. Tôi nghĩ rằng tôi đã vượt qua những thiếu sót của bản thân bằng chính niềm đam mê của mình. Tôi đam mê công việc đang ấp ủ. Tôi không biết chắc bạn có học hỏi được gì khi bạn có đam mê nhưng tôi nghĩ chắc chắn bạn sẽ cần nó. Nếu bạn yêu công việc của mình, bạn sẽ cố gắng từng ngày để hoàn thiện nó. Thành công sẽ đến khi khách hàng của bạn cảm nhận được niềm đam mê trong bạn. Họ sẽ ủng hộ bạn.
Nguyên tắc 2: Chia sẻ lợi nhuận với những người cộng tác với bạn
Hãy đối xử với nhân viên của bạn như những người thực sự góp vốn cùng công ty. Bạn sẽ được họ đối xử tương tự như vậy. Bạn và họ sẽ cùng làm việc tốt nhất để phát triển công ty và đừng quên chia sẽ lợi nhuận kiếm được cho họ. Họ xứng đáng được nhận vì đã cống hiến tốt cho công ty. Tuy nhiên, hãy duy trì một quyền lực nhất định đủ để mọi người biết rằng, bạn mới chính là người có phần hùn lớn nhất.
Nguyên tắc 3: Tiếp lửa cho nhân viên
Hãy nghĩ ra điều gì đó thú vị để thử thách và thúc đẩy nhân viên. Hãy đặt ra mục tiêu cao, chia nhân viên thành nhiều nhóm. Đặt ra phần thưởng để khuyến khích mỗi đội cố gắng dành được số điểm thi đua cao nhất. Nhưng đừng tiết lộ sớm những dự định của bạn. Hãy thôi thúc sự tò mò của nhân viên để đem lại bất ngờ cho họ.
Nguyên tắc 4: Hệ thống thông tin tốt
Biết nhiều sẽ hiểu nhiều. Hiểu nhiều sẽ quan tâm nhiều. Chính sự quan tâm sẽ dẫn đến một hành động tự giác mà không đợi bạn nhắc nhở. Hãy thiết lập hệ thống thông tin nhất quán từ cấp trên đến cấp dưới. Đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều nắm bắt được những thông tin cơ bản nhất. Hãy để nhân viên tự nhận thấy họ nên làm gì chứ không nên áp đặt một khi những ngờ vực về những gì họ đang làm còn tồn tại.
Nguyên tắc 5: Đánh giá cao những đóng góp cho công ty
Tiền thưởng hay bằng khen là một cách để bạn tôn vinh những đóng góp của nhân viên vào sự phát triển của công ty. Nên nhớ, hiện vật chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời cho nhân viên. Chính những lời khen ngợi trước toàn thể công ty sẽ khiến họ thêm sung sức và cống hiến nhiều hơn cho công ty.
Nguyên tắc 6: Ăn mừng chiến thắng
Cho dù năm vừa rồi công ty bạn không đạt được mục tiêu về doanh thu đã đề ra, nhưng đừng quá nghiêm trọng hóa vấn đề. Tuyệt đối không nên tạo áp lực cho nhân viên. Thay vào đó, hãy truyền cho họ niềm tin và sự lạc quan. Hãy hô vang một khẩu hiệu để cố gắng hơn nữa trong năm tới hoặc cùng nhau hát một bài hát để khích lệ tinh thần chung.
Nguyên tắc 7: Lắng nghe và đánh giá
Hãy lắng nghe nhân viên của mình trong mọi tình huống. Công việc quan trọng sau đó là đánh giá độ tin cậy của những thông tin ấy. Nhân viên chính là những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Vì thế hãy giải mã hết những thắc mắc của họ và đem đến cho họ sự thỏa mãn tốt nhất. Những góp ý của nhân viên cũng nên được xem xét cẩn thận trước khi bạn – nhà quản lý bỏ nó ra ngoài bộ nhớ.
Nguyên tắc 8: Thỏa mãn những nhu cầu của khách hàng
Nếu ai đó thích sản phẩm của bạn. Hãy biến sở thích đó thành nhu cầu. Nhưng tôi có đòi hỏi cao hơn là, hãy biến sở thích đó thành sự ham muốn. Đặt vào tay khách hàng thứ mà họ muốn, họ sẽ hài lòng. Nhưng hài lòng vẫn chưa đủ, họ phải cảm thấy vui sướng vì có được sản phẩm đó. Khẩu hiệu của Wal-Mart là: “Satisfaction Guaranteed”, tạm dịch: “Bảo lãnh sự hài lòng”. Điều này tạo nên sự khác biệt cho Wal-Mart.
Nguyên tắc 9: Kiểm soát chi phí
Suốt 25 năm hoạt động, Wal-Mart nổi tiếng là hệ thống bán lẻ lớn nhất, trong đó chi phí bán hàng được đánh giá là thấp nhất so với các hệ thống khác cùng ngành. Bạn có thể phạm nhiều sai lầm và vẫn vực dậy được nếu doanh nghiệp của bạn được điều hành hiệu quả. Quản lý tốt chi phí cũng giống như việc củng cố nội lực mạnh.
Nguyên tắc 10: Bơi ngược dòng
Hãy đi con đường khác. Hãy từ bỏ những thông lệ cũ. Điều đó đem đến sự khác biệt độc đáo cho công ty của bạn. Nhưng trước khi thực hiện, hãy chuẩn bị thật kỹ đế không phải lựa chọn sai lầm. Khi còn bé, tôi đã nghe rất nhiều từ gia đình và hàng xóm của mình rằng: Với gần 50.000 dân số nhưng từ bấy lâu nay, thị trấn Missouri vẫn không thể hỗ trợ một cửa hàng giảm giá. Và tôi đã hành động.