Sau đại dịch, con đường sự nghiệp của bạn sẽ ra sao?
Lượt xem: 20,518Câu hỏi được rất nhiều ứng viên cùng nhà tuyển dụng tự đặt ra là sau đại dịch COVID-19, những khái niệm về tìm kiếm việc làm, cách thức làm việc, nghề nghiệp nói chung liệu sẽ có gì thay đổi? Mọi thứ chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại nhưng cụ thể đó là những gì, hãy cùng CareerViet.vn tham khảo một số dự đoán từ các chuyên gia đối với con đường sự nghiệp của phần lớn các ứng viên sau đại dịch như thế nào nhé!
HÌNH THỨC LÀM VIỆC LINH HOẠT (WORK FROM HOME) SẼ ĐƯỢC ƯA CHUỘNG HƠN
Từ trước đến này, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng nhân viên cần đến công ty, họ cần đầu tư vào văn phòng và chỗ ngồi cho nhân viên để đảm bảo hiệu quả công việc và điều này chiếm không ít chi phí trong việc đầu tư và cải thiện không gian làm việc hàng năm. Ngoài ra, còn có những chi phí khác như điện, nước, thiết bị văn phòng, v.v. Thế nhưng, COVID-19 với yêu cầu giãn cách xã hội của rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới để giảm bớt lây nhiễm cộng đồng đã phần nào làm thay đổi suy nghĩ này. Từ cấp quản lý đến nhân viên, mọi người đều phải làm quen, thực hành và áp dụng nhiều phương thức để giữ cho các hoạt động công sở thường ngày suôn sẻ trên nền tảng trực tuyến và giờ đây hình thức làm việc từ xa không chỉ còn là độc quyền đối với người lựa chọn nghề nghiệp freelancer mà nó được xem là cần thiết và ưa chuộng trong những tình huống khách quan khó kiểm soát như dịch bệnh, thiên tai hay khi đang có những biến động xã hội tạm thời.
Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng hình thức làm việc này không thể hoàn toàn thay thế các phương thức truyền thống thông thường và nó sẽ phù hợp hơn với những công việc như lập trình, thiết kế, viết nội dung, chăm sóc khách hàng qua email hay tổng đài, hỗ trợ bán hàng ở khâu tiếp thị trước (pre-sales) và chăm sóc sau đó (post-sales), sáng tạo nghệ thuật, tài chính - kế toán, tuyển dụng trực tuyến, tư vấn, luật và phân tích dữ liệu. Với tính chất không nhất thiết phải có các tương tác vật lý trực tiếp, ứng viên sẽ có xu hướng cân nhắc nhiều hơn những ngành nghề này bởi tâm lý vẫn chưa hoàn toàn ổn định sau những lo lắng về sức khoẻ trong thời gian dịch bệnh. Ngược lại, các công ty cũng trở nên linh động hơn bởi khi cho phép nhân viên làm việc từ xa, họ cũng có thể tiết kiệm một số chi phí đáng kể và sử dụng những phần cắt giảm để đầu tư và nâng cấp những thiết bị khác tốt hơn cho công việc chung.
Dù vậy, vẫn có những công việc không thể áp dụng hình thức làm việc từ xa như bảo mật dữ liệu, sản xuất, sửa chữa, bảo trì máy móc, xây dựng, điều khiển các phương tiện giao thông công cộng, chăm sóc bệnh nhân, lưu trữ hàng hoá hay nhân viên phòng nghiên cứu. Đây đều là những công việc đòi hỏi có sự giao tiếp vật lý hoặc cần có công cụ hỗ trợ đặc biệt nên hầu như không có sự thay đổi nào trong mọi tình huống. Tuy nhiên, những người làm trong các lĩnh vực này có thể trông đợi vào việc được trang bị tốt hơn về thiết bị bảo hộ hoặc được quan tâm và nâng cấp về chế độ chăm sóc sức khoẻ so với trước đây nhằm bù đắp cho những rủi ro có thể xảy đến do tính chất nghề nghiệp. Vì vậy, ứng viên những ngành nghề này cần lưu ý đến cả những phúc lợi bổ trợ bên cạnh vấn đề lương thưởng trong thời gian tới.
NHỮNG THAY ĐỔI NGHỀ NGHIỆP SẼ DIỄN RA
Nếu công ty bạn đang cắt giảm nhân sự nhưng bạn vẫn may mắn được giữ lại, bạn sẽ cần đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn để lấp khoảng trống thiếu hụt người tạm thời. Ngoài ra, nếu khách hàng, các nhà cung cấp và ngay cả quản lý của bạn vẫn còn tâm lý e ngại và duy trì những khuyến cáo về giãn cách xã hội ở một mức độ nào đó, cách thức bạn giao tiếp và làm việc với họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng và cần có thay đổi phù hợp. Giả sử bạn là trưởng nhóm bán hàng, có thể bạn sẽ cần nhận việc chăm sóc nhiều khách hàng hơn để thay cho các nhân viên ra đi của mình, điều này không thể không ảnh hưởng đến khả năng làm việc, thời gian và kết quả sau cùng của bạn. Do đó hãy tham khảo những cách tăng hiệu suất làm việc một cách hợp lý. Còn nếu khách hàng của bạn trở nên ngại gặp mặt trực tiếp, bạn sẽ bớt việc di chuyển đến văn phòng của họ lại và cần trở nên thành thục hơn trong các cuộc thảo luận trực tuyến hoặc qua điện thoại.
Với một số lĩnh vực như mua sắm, bán lẻ, khi người mua ưa chuộng hình thức lựa chọn hàng hoá trên nền tảng trực tuyến hơn, những vị trí cần trực tiếp đến cửa hàng có thể sẽ phải giảm bớt để thay thế bằng những nhân sự chuyên về đóng gói và giao hàng. Thậm chí, những nhân viên thanh toán tại quầy có thể bị thay thế bởi các máy thanh toán tự động trong tương lai để giảm bớt các tiếp xúc giữa nhiều người với nhau.
XÉT DUYỆT LƯƠNG THƯỞNG CÓ THỂ CHỊU ẢNH HƯỞNG NGAY LẬP TỨC
Trong tình hình kinh doanh khó khăn, vấn đề của các công ty là duy trì được nguồn vốn cần thiết để tiếp tục sản xuất và hồi phục; còn với người đi làm là giữ được công việc hiện tại của mình. Vì thế, việc xét duyệt và đàm phán lương thưởng giữa đôi bên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ thực tế này. Người đi làm cần chuẩn bị tinh thần có thể bị giảm lương tạm thời, may mắn hơn là giữ nguyên mức lương nhưng không nhận được khoảng tăng nào trong thời gian tới và các khoản chi trả lương có thể bị chia nhỏ hơn bởi các công ty cần xoay vòng dòng tiền để đảm bảo các khoản chi là hợp lý. Với những ngành nghề đang gặp khó khăn lớn như du lịch, hàng không do nỗi sợ bị lây nhiễm khi di chuyển công cộng, nhân viên thậm chí sẽ phải chấp nhận tình trạng thiệt hại kéo dài hơn. Tuy nhiên, với những công ty có tiềm lực lớn, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn và nhân viên có thể trông chờ vào sự cải thiện trong thời gian ngắn.
NHỮNG GÌ CẦN LÀM ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG NGHỀ NGHIỆP?
1. Chuẩn bị các phương án nghề nghiệp khác
Dù không mong muốn, đôi khi đây là thực tế bạn phải chấp nhận để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động. Bạn cần chủ động tìm kiếm những cơ hội mới, cân nhắc về uy tín của nhà tuyển dụng cũng như tính bền vững trong các hoạt động kinh doanh lâu dài của ngành nghề sẽ lựa chọn.
2. Linh hoạt hơn trong suy nghĩ về lương thưởng
Thay vì chỉ chăm chăm vào mức lương, bạn nên nghĩ về những phúc lợi bổ trợ khác hoặc nếu bạn là nhân viên kinh doanh, hãy nghĩ làm sao để nâng cao hiệu quả làm việc nhằm có được nhiều hợp đồng hơn, nhận được các khoản hoa hồng tốt hơn để bù đắp cho phần lương cố định bị giảm sút.
3. Chấp nhận làm thêm việc
Nếu công ty không đòi hỏi bạn phải gánh vác thêm nhiều nhiệm vụ khác, hãy vẫn cứ trong tâm thế vui vẻ và chủ động để hỗ trợ bất cứ lúc nào bởi đây là cách nhanh nhất để giúp công ty vượt qua khó khăn, cũng như giúp chính bản thân bạn sớm ổn định trở lại về thu nhập.
4. Tìm kiếm thêm nguồn thu nhập khác
Hãy xem xét những loại công việc mà bạn có thể song song nhận làm thêm và phù hợp với kỹ năng của bạn. Tuy nhiên, khi có nhiều hơn một công việc, bạn cần đặc biệt lưu ý các điều khoản trong hợp đồng lao động để tránh vi phạm quy ước từ đầu với công ty hiện tại, đồng thời không làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất làm việc đối với công việc chính thức.
5. Nâng cấp kỹ năng và tư duy bản thân
Bạn có thể không thích những công nghệ mới vì chúng có vẻ rắc rối để học và làm quen? Nhưng bạn sẽ cần phải thay đổi suy nghĩ này vì công nghệ sẽ giúp ích nhiều cho sự nghiệp của bạn trong thời gian tới. Bạn lười cập nhật CV và ngó nghiêng thị trường việc làm? Đừng lười nữa, hãy chủ động để luôn có một hồ sơ chuyên nghiệp và tham khảo thêm cách săn việc thành công trong giai đoạn khủng hoảng. Khi luôn trong tâm thế sẵn sàng cho mọi sự thay đổi và có được những chuẩn bị tốt nhất, bạn sẽ ít bỡ ngỡ hơn nếu phải đối diện với thực tế và đủ nghị lực để vượt qua bất kỳ thử thách nào.
Nguồn hình: Freepik