Sếp của bạn thuộc “típ” nào?
Lượt xem: 13,072Bạn muốn làm lấy lòng sếp? Dĩ nhiên! Nhưng trước tiên, hãy tìm hiểu xem sếp của bạn thuộc kiểu người nào để có phương hướng “hành động” cho phù hợp nhé!
Sếp “ồn ào”
Sếp rất thích thể hiện chất giọng “khỏe mạnh” của mình vì nghĩ âm lượng càng cao thì càng bộc lộ được uy thế. Và hơn cả là sếp muốn có cảm giác “được lắng nghe và thấu hiểu”. Nếu thích “chiều lòng” vị sếp “ồn ào” này, hãy chịu khó ngồi ngoan ngoãn nghe, đừng cố cãi câu nào.
Sếp "thông minh" và “nguy hiểm”
Sếp kiểu này cực kỳ thông minh và “nguy hiểm”. Sếp rất tập trung, tận tụy, khéo léo và luôn có một kế hoạch bí mật. Nếu thế giới là một kim tự tháp khổng lồ thì sếp chính là đỉnh của nó. Làm việc với sếp này, hãy cẩn thận. Đừng tin tưởng sếp quá mà thành thật “khai” ra tuốt tuồn tuột điểm yếu của mình.
Sếp “tàng hình”
Sếp kiểu này luôn vắng mặt, chỉ thi thoảng mới đảo qua công ty. Bởi vậy, phải tận dụng triệt để những phút hiếm hoi sếp có mặt ở công ty. Đừng tưởng sếp vắng mặt là “vô hại”. Rất có thể sếp đã có cách khác để quản lý và kiểm tra nhân viên. Đừng nghĩ rằng chỉ cần đến trước sếp 5 phút là ổn.
Sếp là “người bạn thân”
Sếp luôn muốn làm bạn với các nhân viên. Sếp muốn bạn yêu quý ông ấy bởi vì bạn bè thì luôn bảo vệ nhau. Hãy dành chút thời gian với sếp, đó là một sự đầu tư khôn ngoan đó. Chân thành và cởi mở là cách mà sếp thích. Tuy nhiên, xin báo trước: nếu cứ lang thang với sếp trong giờ làm việc thì bạn hãy chuẩn bị tâm lý “cày” đêm, nếu không muốn bị thua kém đồng nghiệp. Bí quyết ở đây là sự cân bằng.
Sếp “bất tài”
Sếp là người đặt nền móng cho công ty, cụ thể hơn là làm ra cái ghế mà bạn đang ngồi. Vì vậy, bạn, một nhân viên “quèn”, cần phải nghe những lời vàng ngọc của sếp để hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản nhất.
Trên thực tế, sự giúp đỡ của sếp thường mang tới rắc rối. Hãy thử hỏi sếp xem tại sao một người tài năng và hiểu biết như ông ấy lại phải phục vụ cho cái công ty nhỏ bé này (!).
Sếp “ngốc nghếch”
Sếp thiếu năng lực chuyên môn và chậm hiểu, như thể sếp mới chỉ nhận chức hôm qua vậy. Phải nịnh một gã ngốc quả là “đau xót”. Nhưng hãy làm thân với sếp bằng cách làm hộ sếp những gì ông ấy không thể hoàn thành. Chẳng mấy chốc bạn sẽ trở thành cánh tay phải đắc lực của sếp, là người sếp đề bạt thay ông ấy nếu ông ấy có cơ hội lên cao hơn.
Sếp “cầu toàn”
Sếp khắt khe trong từng việc làm của bạn, chỉ một lỗi nhỏ cũng khiến sếp không hài lòng. Những gì bạn làm không bao giờ là đủ tốt với sếp. Làm sao đây? Trong chừng mực có thể, hãy hạn chế tối đa những lỗi vớ vẩn.
Cố gắng kiểm duyệt bản báo cáo thật kỹ trước khi nộp, chọn những trang phục thật lịch sự và kín đáo, luôn dọn góc làm việc sạch sẽ,… Đó là những việc đơn giản mà bạn có thể làm để làm sếp hài lòng hơn.
Sếp “tuyệt vời”
A, một vị sếp tuyệt vời - một nguồn động lực khuyến khích to lớn đối với nhân viên! Sếp luôn đối xử với mọi người một cách công bằng nhất. Sếp truyền đạt và duy trì một chính sách “thoáng”. Sếp tạo ra một không khí làm việc tích cực. Nhân viên của sếp sau khi rời công ty vẫn còn nhắc mãi đến người lãnh đạo tuyệt vời của mình. Thế này thì bạn chỉ cần sống tốt và làm việc tốt là đủ để gây ấn tượng với sếp thôi.