Sếp - Gọi “anh” hay “chú”?
Lượt xem: 22,820Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Tôi có một người bạn 25 tuổi, làm trợ lý giám đốc gần 50 tuổi. Nhưng khi nói về ông ta, bao giờ cô cũng một điều anh, hai điều anh.
Dạo đầu, thấy tôi ngạc nhiên và thắc mắc. Cô ấy cười tôi bảo: “Mày lạc hậu quá! Mày đi làm việc chứ có phải ở nhà đâu mà chú chú, cháu cháu, khó làm việc!”. Đến bây giờ, sau vài cuộc giao tiếp không thành công do lễ phép giữ kiểu xưng hô “chú - cháu”, tôi đã dần hiểu ra sự việc.
Trong giao tiếp xã hội bình thường, từ “chú” dùng để gọi những người đàn ông lớn tuổi có vai vế như bậc cha chú của mình với ý tôn trọng và yêu mến. Hoặc để người đàn ông tự xưng một cách thân mật với người được xem như hàng cháu của mình. Còn từ “anh” dùng để chỉ những người đàn ông còn trẻ, hơn hoặc cùng tuổi. Thế nhưng hiện nay trong giao tiếp, đối thoại công cộng, ngoại trừ quan hệ họ hàng thân thuộc, đa số mọi người đều thích được gọi là “anh”, mặc dù tuổi tác đáng ra phải gọi là “chú”.
“Anh” thay “chú”, vì sao?
Khi tình cờ thấy một cô nhân viên trẻ gọi vị giám đốc “không còn trẻ” của mình bằng anh, bạn đừng vội cho cô ấy rằng thiếu đứng đắn, bất lịch sự. Như một quy luật, càng nhiều tuổi người ta càng sợ mình già.
Rất đơn giản, vì khi nghe đến từ “già”, bạn sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh một người kém về thể chất lẫn tinh thần và cả hiệu suất làm việc. Nhất là những người thành đạt muộn. Sau bao năm phấn đấu, họ mới bắt đầu có địa vị trong xã hội, khả năng thăng tiến và nguồn tài chính dồi dào. Thế nhưng, “già” là một rào cản tham vọng của họ. Và thực tế trong xã hội không phải là không hiếm hiện tượng nhiều người giấu tuổi để tránh ngưỡng… về hưu. Chính vì vậy, những người đàn ông “đứng tuổi” đang cố gắng trẻ hóa mình, trước tiên thông qua cách xưng hô bằng “anh”.
Thiên Hòa, 55 tuổi, giám đốc một công ty tư nhân có lần tâm sự rằng: “Cứ hôm nào có người gọi tôi bằng chú, thì y như rằng ngày hôm đó tôi cảm thấy bực bội mệt mỏi, cảm giác không may cứ bám lấy tôi. Còn được gọi bằng anh, tự dưng thấy mình khỏe khoắn, tinh thần hăng hái hơn hẳn”. Thế đấy, chỉ một câu nói lại có tác dụng không nhỏ. Do đó, các cô gái trẻ đặc biệt là các bạn mới làm cũng không nên tiếc gì câu nói “ cho vừa lòng nhau này”.
Không chỉ các sếp mới thích được gọi bằng anh, mà đa số các khách hàng của công ty, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh doanh liên quan các nhà hàng hay các nhà cung cấp dịch vụ, gọi bằng “anh” sẽ giúp cho khách hàng của họ cảm thấy thoải mái, làm việc nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, điều này còn có lợi cho việc kinh doanh của công ty.
Gọi như thế nào?
Tuy nhiên, việc gọi anh thay chú cũng không tránh được những nhận xét chê trách, cho rằng đó là sự lố lăng của giới trẻ. Nhưng, ông bà ta đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đây chỉ là một hiện tượng xuất phát từ nhu cầu có thật của xã hội.
Thật ra, việc đó cũng chẳng có gì là xấu nếu người ta không sử dụng nó trong những trường hợp thiếu đứng đắn hay trong những hành vi trái đạo đức…
Suy cho cùng, cách xưng hô mang ý nghĩa xấu hay đẹp còn phụ thuộc vào môi trường và ý thức của người sử dụng. Vì thế, bạn cần có thái độ đúng đắn khi dùng nó.