Sếp mới có vẻ không thích tôi!
Lượt xem: 13,138Nếu chợt nhận ra rằng mình đang gặp phải một người quản lý trực tiếp luôn “có vẻ” ghét bỏ và thường gây cản trở thì nghĩa là công việc của bạn đang rơi vào tình trạng báo động. Điều này thường xảy ra khi bạn vừa bước chân vào môi trường mới hoặc là bộ phận của bạn được bổ nhiệm một trưởng phòng mới.
Có thể là do sếp chưa có đủ thời gian để hiểu bạn, hoặc cũng có thể do phong cách của sếp và quan điểm làm việc của đôi bên quá khác nhau. Bất kể lý do là gì, tình huống này cần sớm được giải quyết. Bởi dù cho chúng ta diễn tả cách nào đi nữa, sếp vẫn là người tạo ra ảnh hưởng và giữ quyền kiểm soát đáng kể đến công việc của bạn: sự ghi nhận thành tựu, mức độ an toàn, khả năng tham gia các dự án phát triển chuyên môn, cơ hội thăng tiến… Một người sếp không thích bạn có thể kìm hãm sự nghiệp lâu dài của bạn theo nhiều cách, đơn giản nhất là khiến mọi hoạt động hằng ngày tại văn phòng của bạn trở nên ngột ngạt.
Rất khó để thay đổi sự thiếu thiện cảm này chỉ trong một đêm, nhưng đây là 5 cách bạn có thể thử để giành lại quyền kiểm soát tình hình và nỗ lực xoay chuyển tình thế. Cùng tham khảo với CareerViet.vn nhé!
1. Đề nghị sếp mới phản hồi cho bạn cách thực hiện công việc tốt hơn
Đưa ra lời gợi mở để một người không thích bạn có thêm cơ hội phàn nàn và chỉ trích hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy “ngược đời”, nhưng nếu qua đó mà sếp có thể chia sẻ với bạn về những mối quan tâm cụ thể thì chắc rằng bạn sẽ muốn lắng nghe họ thật kỹ lưỡng. Thêm vào đó, biết đâu người quản lý trực tiếp đang có những nhận xét và phê bình chính đáng dành cho bạn. Vì thế, hãy lắng nghe với tâm trí thực sự cởi mở và cân nhắc tất cả các gợi ý trong những phản hồi của sếp để có hướng hành động nhé! Kể cả khi sếp cố tình làm khó bạn với một số câu hỏi hắc búa, bạn vẫn luôn có thể tham khảo cách xử trí tương ứng.
2. Trực tiếp giải quyết sự thiếu thiện cảm
Trong lúc tiếp nhận những phản hồi để giải quyết một phần vấn đề, bạn sẽ có cơ hội trực tiếp tháo gỡ khúc mắc hoặc bất đồng qua việc thẳng thắn đặt câu hỏi về cách sếp đối xử với bạn, nhớ phải thật bình tĩnh và chuyên nghiệp. Khi làm điều này, giọng điệu của bạn rất quan trọng. Đừng tỏ vẻ buồn rầu khổ sở, buộc tội sếp như thể bạn là nạn nhân bị ngược đãi. Hãy thể hiện sự quan tâm và tinh thần hợp tác! Duy trì được cùng một ngữ điệu trong suốt quá trình trao đổi sẽ giúp bạn giải quyết đáng kể vướng mắc mà không đẩy câu chuyện trở thành vấn đề cá nhân.
Hãy thử nói điều gì đó chẳng hạn như, “Sếp ơi, tôi cảm thấy anh chưa hài lòng với kết quả công việc của tôi. Có vẻ như gần đây sếp vài lần tỏ thái độ khó chịu, và tôi còn không được tham gia một số cuộc họp với các thành viên khác trong nhóm. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có mối quan hệ mạnh mẽ trong công việc. Nếu có những điều sếp muốn tôi làm khác đi, hãy chia sẻ và tôi rất cảm kích khi được lắng nghe chúng!”
3. Phát triển mối quan hệ mạnh mẽ và vững chắc với đồng nghiệp
Trong tình huống hiện tại, mối quan hệ của bạn với các đồng nghiệp khác ở văn phòng là quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy làm việc thật tốt và củng cố các kết nối với đồng nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực gây ra do sếp không thích bạn. Những người thích bạn hoặc hiểu năng lực làm việc cũng như sự chuyên nghiệp của bạn sẽ không dễ dàng bị lung lay bởi bất kỳ sự bác bỏ hay trù dập nào đến từ sếp. Họ đôi khi còn trở thành người bảo chứng hoặc đề cử mạnh mẽ cho bạn trong quá trình tìm kiếm công việc tiếp theo sau này. Và bạn biết đấy, đôi khi trong công việc bạn luôn có thể chủ động lựa chọn để tiếp tục ở lại với công ty giữa hai yếu tố sếp và đồng nghiệp.
4. Nói điều tử tế về sếp khi bạn biết chuyện này sẽ đến tai sếp
Không thể phủ nhận hành động này có chút “tính toán” nhưng nó cần thiết cho tình huống, và hơn hết là bạn chẳng thể gây ra tội lỗi gì khi nói vài điều tốt đẹp về ai đó. Trên thực tế, mọi người có xu hướng sẽ thích những ai thích họ – phát hiện ra rằng người mình không thích lại thường đề cao, ngợi khen mình có thể tạo ra chút thay đổi trong quan điểm. Hãy tận dụng điều này làm lợi thế!
Chỉ cần đảm bảo rằng bạn thực hiện kỹ thuật này một cách khéo léo, chừng mực và có cơ sở. Phải nhớ rằng bất kể sếp tốt hay sếp xấu thì họ vẫn là người hiểu bản thân nhất. Chắc chắn sếp sẽ nhận ra những lời khen vô căn cứ, tâng bốc thô thiển hay nịnh bợ lố lăng. Và tất nhiên, đồng nghiệp xung quanh bạn cũng biết. Chắc chắn bạn không bao giờ muốn “được” nâng cấp từ tình trạng nhân-viên-bị-sếp-ghét lên thành kẻ-xảo-quyệt-ai-cũng-ghét.
5. Bắt đầu đánh bóng lại CV
Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực, nếu sếp vẫn bị sếp ghét mà bạn lại không còn biết phải làm gì để thay đổi nữa thì việc cân nhắc “sa thải” sếp để chuyển sang một công việc khác có thể là phương án nên xem xét để giúp bạn thoát khỏi “nghịch cảnh”. Bạn sẽ làm việc tốt nhất với một người muốn hoàn thiện và hỗ trợ mình phát triển, thay vì một vị sếp chỉ chuyên tâm làm khó hoặc cản trở con đường sự nghiệp của mình.
Nguồn hình: Freepik