Sếp ngán nhân tài nhảy việc
Lượt xem: 16,593
Cầm tập hồ sơ của ứng viên sáng giá cho chức phó giám đốc marketting, sếp Nam không nén được tiếng thở dài. Bảng thành tích ghi nhận tới 10 lần nhảy việc trong vòng 3 năm đủ khiến ông lo cậu thanh niên sinh năm 1977 này không đủ độ tin cậy để giao trọng trách.
Quả nhiên, trong lần tiếp xúc đầu tiên, ông Nam đã không có cảm tình vì cậu thanh niên này nói nhiều hơn làm. Chàng ta khoe một loạt các thành tích trong công việc như làm phụ trách kinh doanh của một khách sạn lớn tại Hà Nội, rồi trưởng phòng marketting của một hãng viễn thông... Thế nhưng khi ông Nam hỏi về chuyên môn thì anh ta lái vấn đề sang những lĩnh vực khác một cách rất hời hợt.
"Chính vì thế mà chỉ cần tiếp xúc một lần tôi đã quyết định loại hồ sơ của người này ra khỏi danh sách", ông nói.
Ông quan niệm những người thay đổi việc liên tục thường có tư tưởng thiếu ổn định, kinh nghiệm tích lũy không hoàn chỉnh và kiến thức thì chắp vá. Kiểu người này không bao giờ tự hài lòng với những gì mình có và luôn trong tư thế "đứng núi này, trông núi nọ".
Trong khi những người có năng lực thực sự họ lại làm nhiều hơn nói và điều căn bản, những người này luôn xác định ở vị trí nào, công việc nào họ cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và họ mong được cống hiến cái gì đó cho sự phát triển công ty hay ngành, lĩnh vực mình đã học. "Tôi luôn trân trọng những cá nhân như vậy", ông Nam nói thêm.
Từng đảm đương vai trò lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không nhiều năm, ông Nam khá dày dặn trong tuyển dụng. Ông không ngần ngại dò tìm khắp nơi để kiếm cho được người đủ tài để đảm đương vị trí phó giám đốc phụ trách kinh doanh hay trưởng văn phòng đại diện ở các vùng miền. Những người đang đảm nhận vị trí cao trong công ty của ông đều có chuyên môn trong lĩnh vực hàng không và có nguyện vọng cống hiến cho doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nam rút ra kết luận: "Tuyển dụng những người làm việc qua nhiều nơi cũng thích vì các họ bắt nhịp công việc rất nhanh. Nhưng doanh nghiệp luôn phải trong tư thế đề phòng vì không biết họ có gắn bó lâu dài với mình hay họ lại chạy sang nơi ưu đãi hậu hĩnh hơn".
Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) - Lê Đắc Sơn cũng không đánh giá cao những người kinh qua quá nhiều công việc ở quá nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ông không có ý định bổ nhiệm họ vào vị trí lãnh đạo trong công ty. "Tuyển dụng những người như vậy bạn khó mà hy vọng sự gắn bó và cống hiến của họ cho sự phát triển của công ty. Một doanh nghiệp mà tiếp nhận quá nhiều cá nhân như vậy thì khó mà mong có sự ổn định", ông Sơn nói.
Theo ông, những người thích nhảy việc ít khi hài lòng với những gì mình đang có và họ luôn xu hướng kiếm tìm những công việc có thu nhập cao hơn, và điều kiện tốt hơn. Quan niệm như vậy nên đứng trước 2 ứng cử viên có trình độ học vấn tương đương nhau, ông Sơn thường chọn người trẻ, có hoài bão. Điều căn bản là người này phải tạo cho ông Sơn độ tin cậy và cảm giác rằng họ gắn bó và sẵn sàng chung tay cùng công ty phát triển.
Trong nhiều năm qua, VP Bank thường tuyển dụng nhân lực trực tiếp tại các trường đại học như Kinh tế Quốc Dân, Học Viện Ngân hàng, Ngoại Thương... Đối tượng được tuyển chọn là những sinh viên học lực khá giỏi, hoài bão và có nguyện vọng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo ông Sơn, sinh viên mới ra trường có hạn chế là chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đổi lại họ trẻ tuổi, dễ tiếp thu kiến thức, dễ đào tạo. Những người mới chưa có kinh nghiệm nhảy việc thường có xu hướng cống hiến cho công việc nhiều hơn. Họ chấp nhận đánh đổi vài ba năm để có kinh nghiệm thực tế. Vai trò của các nhà tuyển dụng lúc này là phải theo dõi sát công việc của họ để cân nhắc họ lên vị trí cao hơn và có thu nhập tốt hơn.
Các cụ xưa có câu: "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Thế nhưng, cùng với sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp, cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn, thì giới trẻ không còn tư tưởng ổn định. Họ có xu hướng thích nhảy việc và nơi nào có điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn thì họ lựa chọn.
Giám đốc Công ty Máy tính Bảo An - Phan Đình Sơn cho rằng nhiều bạn trẻ hiện nay nhảy việc không chỉ vì công việc, mà vì cái tôi ham chiến thắng, vì những mâu thuẫn cỏn con với đồng nghiệp. Thậm chí có người bị suy nghĩ "người ta cần mình chứ mình chẳng cần ai" ám ảnh, hoặc vì căn bệnh ngôi sao mãn tính. Đến một ngày nào đó khi họ thật sự muốn tìm một sự ổn định thì có lẽ đã muộn.
Theo ông, rất ít nhà tuyển dụng đánh giá cao những người kiêm nhiệm quá nhiều lĩnh vực và có quá nhiều lần nhảy việc. Họ không tin rằng một người có thể giỏi đến nỗi anh ta có thể đảm đương tốt công việc của hết công ty này đến tổ chức khác. "Họ chỉ nghĩ rằng bạn nhảy việc là vì bạn chẳng làm được gì cho ra hồn", anh Sơn nói.