Sếp trẻ chật vật với cơ nghiệp riêng

Lượt xem: 13,211

Với chút kinh nghiệp và vốn liếng sau mấy năm đi làm, cộng thêm tiền mượn gia đình, không ít 8X đã lập được công ty. Tuy nhiên, điều hành để tồn tại và mang về lợi nhuận lại là một vấn đề cam go của các "sếp" trẻ

Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM ngành Công nghệ thông tin, Tuấn Anh đã được một tập đoàn sản xuất phần mềm của Nhật Bản có văn phòng đại diện tại TP HCM tuyển dụng vào vị trí Project Manager (quản lý dự án). Thời điểm mới ra trường là năm 2004, nhưng mức lương khởi điểm của Tuấn Anh đã hơn 2.000 USD một tháng.

Sau 2 tháng thử việc, với năng lực chuyên mônkhả năng quản lý nhóm tốt, cộng lợi thế thông thạo cả 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật, Tuấn Anh được trả lương gấp rưỡi và điều sang Nhật làm việc cho công ty mẹ.

4 năm sau, với kinh nghiệm ở vị trí đứng mũi chịu sào phụ trách những dự án khó khăn nhất, Tuấn Anh tự tin kêu gọi gia đình, bạn bè "góp vốn" và dốc toàn lực để mở công ty riêng, cũng kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm.

Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như mong đợi. "Đi làm thuê mình chỉ cần tập trung vào chuyên môn và quản lý nhóm. Không phải bận tâm đến những việc khác như chọn địa điểm đặt văn phòng, thuê nhân viên vì những việc đó đã có những bộ phận khác lo. Còn khi mở công ty riêng, ở cương vị là người chủ, mình phải bao quát hết mọi thứ. Những điều đó thì mình chưa được học trong mấy năm đi làm thuê", Tuấn Anh tâm sự.

Ở công ty phần mềm của Nhật, Tuấn Anh cũng chỉ chuyên về kỹ thuật lập trình và quản lý nhân viên ở phương diện này chứ không hề đụng đến chuyện thương thảo, ký kết hợp đồng với đối tác, quan hệ khách hàng. Vì thế, khi bắt tay vào điều hành công ty riêng, mặc dù sản phẩm cạnh tranh nhưng Tuấn Anh không thành công khi tìm và thuyết phục khách hàng ký hợp đồng. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho công ty hoạt động chưa đầy một năm đã phải tạm ngưng vì thua lỗ.

Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP HCM, Nguyễn Hữu Thanh (quê Nha Trang, Khánh Hòa) quyết định ở lại thành phố lập nghiệp. Kế hoạch cho sự nghiệp được Thanh vạch ra khá rõ ràng: Sau khi ra trường sẽ dành ra 3 năm cố gắng "cày thuê" kiếm đủ số tiền mở một công ty kinh doanh điện thoại di động, dịch vụ cài đặt máy vi tính. Công việc Thanh chọn làm cũng là để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh sau này: nhân viên kinh doanh cho một công ty bưu chính viễn thông.

Nhưng sau khi bắt tay vào làm chủ Thanh mới thấm thía hết những khó khăn. Nhiều lô hàng nhập về bán không chạy và cũng không liên kết được với cửa hàng khác để chia bớt hàng. Trong khi mẫu mới lại liên tục ra đời theo thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều mẫu vừa nhập hàng về tháng trước nay phải bán giảm 20-25% so với giá gốc. Công việc kinh doanh lỗ nặng, phải sang lại cửa hàng. Số tiền gần một tỷ đồng theo đó cũng "bay hơi" hơn 2/3 so với lúc đầu.

Còn Lê Thị Thu Thảo, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế TP HCM sau khi tốt nghiệp đã chọn lĩnh vực kinh doanh mực in, giấy in, thiết bị văn phòng phẩm để đầu tư. Tuy nhiên, thất bại đã đến không lâu sau đó vì không nhân viên nào có thể trụ lại được quá một tháng dưới sự điều hành của bà chủ trẻ.

Thậm chí những người bạn ra trường cùng đợt được Thảo "chiêu mộ" cũng không thể tiếp tục hợp tác được. Kiểu tính toán chi li nhỏ nhặt, như việc thay chiếc bóng đèn, thanh toán tiền taxi, mời khách đi ăn, uống đều bị Thảo xét nét nghi ngờ. Từ đó, nhân viên cũng rất ngại và hạn chế tối đa việc chăm sóc khách hàng đã làm cho công ty mất nhiều mối quan hệ khách hàng lớn.

Không ít sinh viên từ năm thứ 3, 4 đã quyết mở bằng được một cơ sở kinh doanh riêng để tự mình quản lý. Với số tiền 50 triệu đồng vay mượn từ gia đình, 2 sinh viên Thúy Ngọc và Minh Huy (sinh viên năm 3 trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) đã kêu gọi thêm 2 người bạn học cùng khoa hùn hạp mở một tiệm cafe trong khu Ký túc xá Trần Hưng Đạo B, quận 1.

Số tiền gần 100 triệu đồng của 4 "cổ đông" hùn lại đủ cho nhóm sang lại mặt bằng, mua vật dụng, nguyên liệu pha chế, bàn ghế, trang trí lại quán và thuê nhân viên. Thời gian đầu quán khá nhộn nhịp nhờ kiểu bài trí dễ thương và không khí thoải mái của quán. Bạn bè người này rỉ tai người kia kéo đến ủng hộ.

Tuy nhiên, đó chỉ là không khí của những ngày đầu, càng về sau, tình hình kinh doanh của quán càng đi xuống. Nguyên nhân thất bại trước tiên bắt nguồn từ việc các ông bà chủ sinh viên không quản lý nổi nhân viên mình thuê về với vỏn vẹn chỉ 3 người: một pha chế và 2 nhân viên phục vụ. Số tiền thu - chi dù được kết toán mỗi ngày nhưng không tránh khỏi thất thoát, thậm chí còn có ngày bội chi.

Chưa hết, chất lượng nước uống và cả thái độ phục vụ của các nhân viên cũng không làm hài lòng khách. Ngay cả những bạn bè cùng lớp hết lòng ủng hộ nhưng nhiều người không thể không phật ý khi phải uống những ly cafe ngày càng tệ, nước uống thì pha chế không giống ai. "Một, hai lần còn thông cảm được nhưng cứ thường xuyên như vậy thì không thể chấp nhận", một khách hàng là bạn cùng lớp tỏ ra khó chịu.

Chỉ chưa đầy nửa năm, trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, hợp đồng thuê nhà sắp sửa hết hạn, trong khi vốn liếng cũng đã cạn kiệt, nhóm quyết định sang lại quán. "So với vốn bỏ ra lúc đầu, mỗi người lỗ gần 20 triệu đồng. Làm chủ quả thật không dễ chút nào", Thúy Ngọc đau xót cho biết. Còn Minh Huy thì cho rằng, như vậy cũng còn may vì đó là tiền mượn của gia đình, có thể từ từ làm trả nợ chứ nếu vay mượn bên ngoài, chắc chắn hậu quả sẽ không dừng lại ở mức đáng tiếc.

Một doanh nhân thành đạt kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng vài năm kinh nghiệm sau khi ra trường mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để một người trẻ quyết định "ra riêng". Để điều hành một guồng máy, dù cơ cấu có đơn giản đến mức nào cũng không thể thiếu một trong hai kiến thức cơ bản là thực tế và lý thuyết.

"Nếu chỉ dựa vào những điều mắt thấy tai nghe rồi máy móc áp dụng thì chắc chắn sẽ đi đến thất bại. Trước khi bắt tay vào việc kinh doanh tự lập, người đứng đầu phải được trang bị đầy đủ kiến thức, chiến lược kinh doanh. Phải nắm được những nguyên tắc điều hành cơ bản, từ đó áp dụng vào việc thực tế quản lý", vị doanh nhân khẳng định.

Không ít bậc tiền bối trên thương trường cho rằng, tuổi tác cũng rất quan trọng. Theo họ, độ tuổi đủ chín chắn để lãnh đạo ít nhất cũng phải 32-35. Đặc biệt, những lĩnh vực kinh doanh giá trị hợp đồng tương đối lớn, khi biết người đứng đầu có tuổi đời quá trẻ, đối tác cũng tỏ ra đắn đo, không dám mạo hiểm để bắt tay làm ăn. Ngoài yếu tố năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý thì năng khiếu, tố chất lãnh đạo cũng không thể thiếu đối với một người chủ doanh nghiệp.

Bài viết khác

Mẫu CV xin việc đơn giản, đẹp, chuẩn giúp cho ứng viên chinh phục nhà tuyển dụng nhanh chóng. Tải/ Download ngay mẫu CV xin việc miễn phí, chuyên nghiệp nào!

Xem thêm

Hồ sơ xin việc là những giấy tờ liên quan đến ứng viên như CV, bằng cấp, chứng chỉ,... cần cung cấp cho nhà tuyển dụng. Tìm hiểu ngay những quy định về hồ sơ xin việc nhé!

Xem thêm

Nhấn xem ngay bài viết để hiểu rõ marketing là gì, những công việc bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp và những điều cần biết khi bước chân vào ngành nhé!

Xem thêm

Hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch xin việc việc chi tiết, đơn giản, giúp chinh phục được nhà tuyển dụng. Cùng đọc hết bài viết này để nắm được các yêu cầu bạn nhé!

Xem thêm

Hướng dẫn viết thư xin việc chuẩn giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Những bí quyết trong bài viết này chắc chắn sẽ giúp bạn kiếm được công việc tốt!

Xem thêm

Bạn đang tìm kiếm mẫu đơn xin việc ấn tượng để thu hút nhà tuyển dụng? Bài viết này sẽ cung cấp top mẫu đơn xin việc hiệu quả nhất. Nhấn xem ngay thôi nào

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay