Sếp và đồng nghiệp, anh chọn ai?
Lượt xem: 23,373Để sở hữu được một công việc mơ ước, khi tiếp cận với nhà tuyển dụng, người đi làm thường đặt ra rất nhiều tiêu chí về thu nhập, phúc lợi, thời gian, địa điểm... Thế nhưng bên cạnh những điều kiện có thể xác định rõ ràng trong quá trình thương lượng thì yếu tố con người và môi trường lại rất khó để xác định theo kiểu "một phát ăn ngay". Sếp có tốt không, đồng nghiệp có tốt không chỉ có thể kết luận sau quá trình làm việc thực tế. Vậy nếu sau một thời gian gia nhập tổ chức, bạn nhận ra rằng sếp và đồng nghiệp mình chỉ có thể có được một, đối tượng còn lại đúng là “cơn ác mộng” thì phải làm thế nào? Sếp tốt hay đồng nghiệp tốt là ổn với bạn?
Trường hợp 1: Sếp rất tốt còn đồng nghiệp thì không
Bạn là người làm việc độc lập, cần được nhìn nhận năng lực và kết quả. Bạn không có nhu cầu phải giao du, cà phê ngồi lê đôi mách nhiều nên chỉ cần sếp hiểu và đánh giá đúng về bạn là đủ. Thế nhưng, công việc không phải lúc nào cũng trôi chảy khi chỉ có một mình gồng gánh. Đôi khi bạn rất cần sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và muốn được giải toả tâm sự khi có những rắc rối trong công việc. Nên tất nhiên một môi trường mà đồng nghiệp luôn là những người bạn tốt vẫn vô cùng giá trị.
Không may thay, hiện tại bạn đang gặp phải những đồng nghiệp chẳng những không có tinh thần hỗ trợ mà còn rất bè phái, hay soi mói và tị nạnh. Khả năng là sếp bạn đã biết nhưng cũng không điều chỉnh được, vậy có nên tiếp tục làm việc tại nơi này không?
Nếu rơi vào trường hợp này, hãy thử tham khảo một vài “chiêu” xử lý hiệu quả với những đồng nghiệp xấu tính để có thể vượt qua tình huống chẳng mấy dễ chịu này.
Trường hợp 2: Sếp “khó chiều khó chịu” nhưng đồng nghiệp cực tốt
Cũng vẫn là bạn như trường hợp trên, nhưng đổi lại tình huống là các đồng nghiệp cực kỳ thân thiện, vui vẻ và biết giúp đỡ nhau kịp thời trong khi sếp dù giỏi lại vô cùng ngẫu hứng, chủ quan và độc tài. Bạn nỗ lực hết mình trong công việc, tương tác với đồng nghiệp rất suôn sẻ nhưng hầu như chưa khi nào sếp hài lòng về bạn, đưa ra nhiều nhận xét phiến diện và không cho cơ hội để trình bày.
Cuối cùng sếp vẫn là người đánh giá năng lực của bạn. Thế nên, dù cho cố gắng thế nào mà nếu bạn không "hợp cạ" với sếp thì có thể dự đoán muôn vàn chông gai đã bày sẵn trước mắt. Lúc ấy bạn sẽ quyết định thế nào, có còn muốn gắn bó với công ty nữa hay không?
Khi phải đưa ra những cân nhắc về yếu tố con người, rất khó để nói như thế nào là quyết định đúng đắn, bởi không bao giờ có lựa chọn tuyệt đối hoàn hảo. Thế nên bài viết sẽ không đưa ra câu trả lời cụ thể bởi mỗi tình huống thực tế sẽ rất khác nhau mà chỉ chia sẻ những hướng cân nhắc.
Đầu tiên, hãy hiểu rằng bất kỳ ai rồi cũng sẽ có những ngày nắng ngày mưa, dù là sếp hay đồng nghiệp. Do quan điểm và tính cách, một hành động có thể không dễ chịu với người này nhưng lại hoàn toàn ổn với người kia. Bạn nên quan sát và lựa chọn cách cư xử đúng với từng đối tượng khác nhau, thay vì đúng với sở thích của mình.
Thứ hai, bạn phải có đủ khả năng phân biệt xem những nhận định của mình là cảm xúc yêu ghét cá nhân hay đó là kết quả thực tế về văn hoá doanh nghiệp. Trước khi xác định bạn thích ai đó hay không hoặc quy kết rằng họ tốt hay xấu, hãy xem xét lại những điều họ làm có phù hợp với công việc không. Nếu họ không làm sai, nghĩa là bạn cần học cách tôn trọng sự khác biệt. Cá tính bạn có thể giữ, nhưng cách làm việc với sếp và đồng nghiệp cần cải thiện. Còn nếu đối phương thường xuyên có những hành động tiêu cực và quyết định vô lý, bạn nên chuẩn bị những phương án nghề nghiệp khác để có thể “dứt áo ra đi”. Vì xét về lâu dài, nếu liên tục phải ở trong tâm thế đối phó về phương diện con người thì bạn khó thể nào tìm được khoảng thời gian ý nghĩa trong tổ chức và xây dựng sự nghiệp lâu dài vững chắc cho riêng mình.
Điều cuối cùng đặc biệt quan trọng, công việc vẫn chỉ là công việc. Dẫu rằng hầu hết chúng ta đều dành đến nửa quỹ thời gian trong một ngày cho công việc nhưng sau hết bạn vẫn còn một cuộc sống riêng tư. Là người đi làm, bạn đôi khi cần phải biết chấp nhận và thoả hiệp để có thể tồn tại cũng như sống được cùng tập thể. Đừng để những cảm giác khó chịu mệt mỏi đeo bám tâm tư và mang nó về tận cửa nhà. Nên giữ thái độ trung lập trong môi trường công sở để duy trì trạng thái tâm lý thoải mái và vui vẻ nhất. Bạn đến công ty là để thực hiện nhiệm vụ cho công ty, mục tiêu của tập thể nên được đặt cao hơn tất cả những cảm xúc quá riêng tư hay vui chơi và tận hưởng của bất kỳ cá nhân nào, kể cả bạn.
Chúc bạn có những quyết định sáng suốt để luôn hạnh phúc trong công việc và tìm kiếm được một môi trường làm việc với những tiêu chí và chính sách phúc lợi ưng ý nhất.
(Nguồn hình: Internet)
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :