Shop bình dân, "fastfood" sinh viên
Lượt xem: 14,492Cũng mời gọi cổ đông, cũng cạnh tranh lành mạnh và tích lũy vốn, nhiều sinh viên (SV) đã và đang trổ tài kinh doanh, làm giàu bằng việc mở các shop phục vụ các khách hàng cũng là SV. Một luồng gió mới tươi tắn đang thổi vào đời sống SV Việt
Giá rẻ, nhiều khách
"Em rất thích đi shopping nhưng chẳng có ai chở đi hết. Bạn trai em là thủy thủ, xa nhà suốt nên em phải đi xe buýt mà em lại ghét đi xe buýt lắm nên từ đó nảy ý định mở shop ngay tại làng đại học cho mọi người và... cho cả mình nữa" - Nguyễn Ngọc Linh, cô chủ xinh xắn của gian hàng tự chọn Sell nói về lý do kinh doanh của mình. Linh đang là SV năm II Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM. Được sự tham mưu của những "cổ đông" có kinh nghiệm và "máu" làm giàu, Linh đã mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng vào thị trường hơn 6.000 SV này. "SV ở đây sống quá thiếu thốn nên đó cũng là một lý do để em mở shop phục vụ các bạn. Shop luôn cố gắng tìm nguồn hàng giá thấp bán cho SV, phương châm kinh doanh của em là "Giá rẻ nhiều khách còn hơn giá đắt ít người". Mới mở được 2 tháng thôi, nhưng việc buôn bán đang diễn ra khá suôn sẻ. Em ước tính khoảng gần 10 tháng là có thể thu hồi vốn" - Linh tự tin nói. Linh và bạn trai Đào Trung Dũng còn nuôi cả ý tưởng khuếch trương cửa hàng của mình thành một siêu thị mini thật sự ở Làng đại học để có thể tạo việc làm cho nhiều SV và thổi một sức sống mới cho "mảnh đất buồn" Linh Trung, Thủ Đức.
"Fastfood" ở làng SV
Từ khi Linh Trung xuất hiện 2 shop quà lưu niệm đầu tiên là "5+" và "OHT", các quầy hàng tự chọn, quần áo, băng đĩa nhạc của SV cứ thế mọc lên như nấm sau mưa. Một trong số đó là cửa hàng băng đĩa Thiện Thảo của cô chủ Nguyễn Thu Hoài, SV năm II ngành Thư viện thông tin ĐH KHXH&NV. Khi thấy bố mẹ già không còn đủ sức "bao cấp" cho hai anh em học hành, Hoài đã bàn bạc với anh trai mình gom góp số tiền dành dụm được trong mấy năm đi làm thêm rồi nhờ bạn bè giúp thêm vốn kinh doanh để có thể "tự cung tự cấp" cho hai anh em những năm đèn sách. "Hai anh em tích góp lắm mới đầu tư được hơn chục triệu đồng vào đây, mỗi tháng trừ hết chi phí cũng chỉ dư được năm, sáu trăm ngàn. Ở đây có nhiều cửa hàng băng đĩa do SV mở nên cũng khó khăn lắm, tụi em đang dần dần xây dựng thương hiệu của mình để thu hút khách hàng, như vậy mới mong trụ được" - Hoài tâm sự. Vì phải còn học tập nên giống như nhiều cô chủ khác, Hoài cũng phải nhờ vả bạn bè chia nhau đứng shop. Anh trai Hoài còn là Chủ nhiệm CLB Thư pháp của Trường KHXH&NV nên cứ có "độ" là hai anh em lại lên đường "phóng bút" kiếm tiền.
Cách đây nửa tháng, quầy thức ăn nhanh đầu tiên của làng SV đã "cất tiếng khóc chào đời" trong sự hân hoan của hàng ngàn "thần dân" nơi đây. Đó chính là quán "OHT-Fastfood" của một nữ SV Trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn. "OHT chính là "cổ đông" của người bạn thân đang làm chủ shop quà lưu niệm OHT. Em một nửa và bạn em một nửa đầu tư vào đây khoảng 70 triệu đồng" - Nguyễn Thị Ngọc Vân, giám đốc 22 tuổi của OHT-Fastfood giới thiệu về thương hiệu của mình. Trước khi mở loại hình kinh doanh mới mẻ này, Vân đã bỏ nhiều công sức để đi khảo sát thị trường, chú ý từ lọ đựng tăm đến chiếc ly, khăn giấy và "đề-co" cửa hàng sao cho thật ấn tượng và mang phong cách phục vụ thật sự chuyên nghiệp. "Trước ngày khai trương cửa hàng, đêm nào em cũng phải thức đến 2h sáng để đi mua hàng nên cực lắm anh ạ, rồi còn bị bọn cướp giật đồ, mất hết giấy tờ và một ít tiền. Nhiều lúc nản lắm nhưng phải ráng thôi" - Vân tâm sự. Vân còn nuôi ý định mở rộng thêm hình thức giải trí cho SV ngay tại nơi đây nhưng trong tương lai, cô bé miền Trung này lại thích "chu du thiên hạ" trong vai trò hướng dẫn viên du lịch.