Sinh viên ngoại làm thêm
Lượt xem: 15,047Nghĩ đến sinh viên ngoại đang học tập tại Việt Nam, ai cũng hình dung đến những người bạn ăn mặc bụi, cõng balô to, tai đeo headphone tí xíu và rủng rỉnh tiền. Ít ai biết khi rời giảng đường, những sinh viên này cũng xắn tay làm thêm để giải quyết bài toán chi tiêu, để trưởng thành và san sẻ yêu thương.
Song Hee (20 tuổi, Hàn Quốc), đang học tiếng Việt tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM, nhẩm tính: “Mỗi tháng bố mẹ gửi 400 USD. Tôi ở một mình, chỉ riêng tiền thuê phòng - điện - nước mỗi tháng tốn 230 USD. Số tiền còn lại không đủ cho sách vở, ăn uống, đi lại, gặp gỡ bạn bè”.
Sẵn vốn tiếng Anh khá “xịn”, qua bạn bè làm mối, Song Hee trở thành gia sư cho một cô bé người Hàn Quốc cùng gia đình đang sống tại TPHCM. Tuần hai lần, cô gái Hàn nhỏ nhắn này lại ôm sách, vẫy taxi đi “gõ đầu trẻ”. “Gia đình học trò rất mến tôi vì cùng là người Hàn Quốc. Dạy xong, tôi thường đón xe buýt về vì không phải lo trễ giờ như khi đi, lại còn tiết kiệm nữa”, Song Hee giải thích bằng tiếng Anh với giọng rất dễ thương.
Đối với Song Hee, không chỉ hỗ trợ ăn học mà đây còn là những kinh nghiệm thu nhặt được trong giảng dạy, những kiến thức tiếng Anh tự tìm hiểu thêm để dạy học trò.
Sing Phet (sinh viên năm 4 ĐH Luật TPHCM) hiện là “dịch giả” có tiếng ở ký túc xá sinh viên Lào, tài liệu nhận dịch từ tiếng Việt sang tiếng Lào thường là các catalogue, bài thuyết trình về sản phẩm, bài giới thiệu du lịch... với thù lao 100.000 đồng/trang. Dịch giả sinh viên này than: “Tiếng Việt phong phú quá. Khi dịch lại hay gặp các từ chuyên môn nên cũng có lúc tôi lúng túng”.
Bạn đồng hành của Sing Phet là hai cuốn từ điển Việt - Lào, Việt - Anh. Từ nào không có trong từ điển Việt - Lào, Sing Phet ghé mắt qua từ điển Việt - Anh để hiểu nghĩa rồi quay ngược lại tìm từ trong tiếng Lào. Không hiếm lần Phet thức trắng để kịp hạn giao bài. “Công việc này ngoài giúp thêm tiền ăn học, tôi còn học được thêm tiếng Việt và nhất là tác phong làm việc nghiêm túc, đúng giờ”, Phet tâm sự.
Đọc, nói tiếng Anh lưu loát như tiếng mẹ đẻ, Sam Orn (25 tuổi, người Campuchia, sinh viên khoa Quản lý nhân sự ĐH Kinh tế TPHCM) cũng đang là cộng tác viên cho một công ty dịch thuật qua giới thiệu của một người bạn. “Cao thủ” hơn cả Sing Phet, Sam Orn nhận dịch các tài liệu về kỹ thuật, du lịch, kinh tế... từ tiếng Anh, tiếng Việt sang tiếng Campuchia khi học năm 3.
Orn nhẩm tính: “Mỗi tháng trung bình tôi dịch hai bài, tất cả gần 10 trang từ tiếng Việt thì thù lao 60.000 đồng/trang, dịch từ tiếng Anh thì 350 đồng/từ, mỗi tháng được khoảng 500.000 đồng. Cũng như Sing Phet, có những đêm Sam Orn thức cùng từ điển, màn hình vi tính để đúng hạn giao bài ngày mai.
Chăm chỉ làm thêm, các sinh viên ngoại này cũng chăm học không kém. Song Hee khẳng định: “Làm thì làm nhưng quan trọng nhất vẫn là việc học tiếng Việt, vì đó mới là mục đích chính khi tôi sang Việt Nam”. Song Hee đang học khoa tiếng Việt ở ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc.
Những lúc “vướng” khi dịch bài, Sing Phet lại nhờ chị Xuân Hoàn (Phó giám đốc Ký túc xá SV Lào) chỉ bảo. Không chỉ giải thích ý nghĩa từ ngữ, tư vấn cho Sing Phet những sách cần tìm đọc để hỗ trợ việc dịch, chị Xuân Hoàn còn nhắc nhở “dịch giả” không được lơ là việc học. Sam Orn cũng từ chối những đơn đặt hàng dịch bài khi việc học căng thẳng.
Có tiền làm thêm, Sing Phet hay mua quà bánh gửi tặng bố mẹ ở Lào và tự thưởng cho mình những món ăn ngon. Bố mẹ biết Sing Phet làm thêm nên hơi lo sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Nhưng chính Phet cũng vui vui khi bảo: “Bố mẹ đã khoe với người thân khi biết mình vừa học vừa làm thêm”.
Còn nếu ai hỏi: “Tiền công dịch bài dùng làm gì?”, Sam Orn sẽ trả lời ngay: “Gửi về bố mẹ ở Campuchia để phụ bố mẹ nuôi hai em”. Bố mẹ Sam Orn làm ruộng, đều đã trên 50 tuổi. Mỗi lần nhận tiền Sam Orn gửi, hai ông bà lại lo con trai thiếu thốn. Số tiền nhiều nhất Sam Orn từng gửi bố mẹ là 50 USD.