Sống chung với “bệnh” ngồi lê đôi mách nơi công sở
Lượt xem: 19,421Ngồi lê đôi mách là vấn đề khá phổ biến của đời sống công sở hiện nay, nó không chỉ xuất hiện trong câu chuyện của các nhân viên nữ mà còn lan sang các đồng nghiệp nam. Những câu chuyện vô thưởng vô phạt này có thể giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng trong chốc lát nhưng đôi khi lại gây ra những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, bạn cũng không thể tránh hay loại trừ chúng khỏi nơi công sở trừ phi bạn muốn làm việc một mình. Vậy thì, cách duy nhất lúc này là hãy học cách sống chung với nó mà thôi.
Làm thế nào để sống chung
Công ty bạn tổ chức một buổi tiệc cho toàn nhân viên, và vì một lý do nào đó bạn không thể tham dự được. Chuyện gì sẽ xảy ra lúc này? Mọi người sẽ thắc mắc (tất nhiên) và không ngừng hỏi tại sao? Sau đó là hàng loạt các nghi vấn được đặt ra, rằng: tại sao bạn không đi? Bạn đang gặp một vấn đề rắc rối nào đó trong cuộc sống?… Vậy là tự nhiên, bạn vô tình trở thành đề tài “nóng” trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách của họ.
Bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Nhất là khi câu chuyện đang có chiều hướng ngày càng bất lợi cho bạn theo kiểu “tam sao thất bản”, và thái độ của những người tham gia vào câu chuyện này ngày càng trở nên quá quắt? Hãy bình tĩnh. Không được bối rối hay thậm chí là nổi nóng hoặc đi giải thích vấn đề của mình với mọi người – mà dù có muốn bạn cũng không thể gặp để giải bày với tất cả bọn họ. Điều đó chỉ càng làm cho những người nhiều chuyện kia có cớ để thêu dệt nhiều hơn mà thôi. Hãy cố gắng phớt lờ mọi chuyện, chú tâm làm việc của mình thật tốt, nếu cần, bạn có thể nhờ sếp hỗ trợ, … dẹp tan những nghi ngờ kia bằng kết quả công việc thật tốt của bạn, không cần phải tốn thời gian thanh minh làm gì. Suy cho cùng, ngồi lê đôi mách cũng là một phần của sống công sở. Nó sẽ “tan” nhanh chóng một khi đối tượng mà họ đang nhắm đến tỏ ra không quan tâm.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Tất cả những hành động hoặc lời nói của bạn trong trường hợp này đều có thể gây ra những hậu quả không tốt. Vậy nên, hãy mỉm cười và nhanh chóng quay trở lại với công việc của mình. Không nên tỏ ra buồn bã, u sầu và cũng không cần phải đi chất vấn những người này rằng: Tại sao lại nói bạn như vậy v.v….
Có thể bạn sẽ không chịu nổi trước những tin đồn - thường là không đúng về mình như thế này – Nhưng, cho đến khi bước ra khỏi văn phòng của mình, bạn không nên có bất kỳ một thái độ không hay nào. Hãy tự tin với những gì mình đang làm, đang có. Và, cũng có thể nhẹ nhàng nhắc nhở một trong số những người thích đồn thổi kia: hãy cẩn thận, có thể nhân vật chính sắp tới trong những câu chuyện tầm phào này sẽ là anh (chị) đó…
Thật ra, một vài câu chuyện vô thưởng vô phạt nơi công sở mà không gây tổn hại cho bất kỳ ai cũng là cách để mọi người vui vẻ cùng nhau sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, làm thế nào để cho câu chuyện không đi quá xa, làm ảnh hưởng đến uy tín của người khác thì còn tùy thuộc vào ý thức và bản lĩnh của mỗi người. Nếu bạn đã từng là nạn nhân hoặc… chủ nhân của một trong các câu chuyện kia, nên dừng lại đúng lúc và nhớ: hãy đặt mình vào vị trí của người khác để có những suy nghĩ và hành động đúng mực, tránh gây tổn thương cho nhau.