Sống cùng “hào quang” của sự thành công
Lượt xem: 12,880Giả sử rằng sự nghiệp của bạn đang “xuôi chèo mát mái”, mọi người đang tin tưởng và đánh giá cao bạn. Bạn đang gia nhập đội ngũ những nhà lãnh đạo, có danh có phận. Nói chung là cuộc đời đang tươi đẹp.
Xin chúc mừng. Bây giờ thì bạn hãy sẵn sàng đối phó với một trong những mối hiểm hoạ lớn nhất cho thương hiệu cá nhân của bạn: sự thành công.
Nếu bạn không tin rằng thành công cũng là cạm bẫy thì hãy lật tờ tạp chí People ra và sẽ thấy điều này có cơ sở. Hình như trong bất cứ số nào của tờ tạp chí về những người danh tiếng này cũng có một ai đó đang huỷ hoại sự nghiệp cao chót vót của họ: ngôi sao màn bạc thì lỡ tay lấy đồ ở của hiệu thời trang, tổng giám đốc điều hành thì gian lận sổ sách kế toán, nhà văn thì đạo văn…Những người thành công nhất đôi lúc làm những việc ngu xuẩn nhất để huỷ hoại sự nghiệp của họ.
Dù là bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào thì bạn vẫn nhận được những đặc quyền mà người khác không có. Bạn sẽ được “vuốt ve” thường xuyên. Những hành động như thế vô tình đẩy bạn tách khỏi những thực tế khắc nghiệt hơn trong cuộc sống và dần làm thay đổi nhãn quan của bạn mà bạn không dễ gì nhận thấy được.
Thật không dễ thoát hẳn khỏi thực tế này nhưng phải cố gắng đừng để chúng “nuốt chửng” lấy bạn. Bạn có thể tự cứu mình và tổ chức mình đang làm việc khỏi nhiều rắc rối nếu bạn có thể buộc mình nhớ rõ rằng dù bạn đang ở một địa vị đáng được tán dương nhưng bạn vẫn phải tuân theo những nguyên tắc xã hội và những “luật bất thành văn” khác.
Đa số các giám đốc nghĩ rằng để giữ cho đôi chân của họ còn trên mặt đất thì họ cần phải uống cà phê với 20 nhân viên chủ chốt mỗi tháng một lần hay “vi hành” đến các văn phòng ở xa để hiểu tình hình thực tế. Đáng tiếc là phần lớn thời gian “chạm chân xuống đất” này lại liên quan đến những người không muốn làm gì khác hơn là làm vừa lòng bạn hay đó chỉ là những kế hoạch được dàn dựng trước.
Tác giả David F.D’Alessandro trong quyển Career Warfare đã dẫn ra một số biện pháp nhằm giúp những người thành công đủ tỉnh táo trước những hào quang của sự thành công:
Hãy hoài nghi về tài năng của chính bạn
Nếu bạn có quyền lực, những lời khen ngợi có thể làm bạn trở nên ngông nghênh và ngu xuẩn. Sự hoài nghi có thể giúp bạn. “Người ta không thể lúc nào cũng đúng. Tôi không bao giờ tin những người luôn luôn bảo rằng mình đúng”.
Hãy sử dụng những người cũng biết hoài nghi.
Thay vì thêu những kẻ chỉ biết xu nịnh, những người cho rằng “sếp là ngoại lệ”, hãy thuê những người biết hoài nghi, biết kiểm tra hai lần những điều mà bạn làm. Nếu bạn thông minh, bạn sẽ có bên mình những người biết kiểm tra cẩn thận những báo cáo tài chính trước khi bạn ký chúng. Những người “giữ cổng” của bạn phải đáng tin và sẵn sàng cho bạn biết khi phát hiện ra sai sót nào đó trong phán xét của bạn.
Giữ bên mình những người bạn có thể nhắc nhở rằng bạn là một con người.
Nếu thành công, bạn rất dễ bước vào một thế giới toàn là những nhân vật điều hành và phu nhân của họ, nơi mà không có chuyện gì tệ hại xảy ra và có thì được tỉa kỹ như trong một sân golf. Sống quá lâu trong vùng đất này, bạn có thể quên mất cuộc sống đời thường. Điều này có thể đưa bạn lạc lối và làm vấy bẩn thanh danh của mình. Câu chuyện của “câu lạc bộ các nhân vật điều hành” này thường xoay quanh những chuyện đại loại như “Thị trường lúc này đang xuống”. Dường như không ai nói rằng “Mẹ của tôi đang bệnh”. Họ sẽ đánh giá bạn qua thu nhập và cách cầm nĩa của bạn hơn là quan tâm đến chuyện bạn làm cha như thế nào. Bạn cần những người bạn có thể nói với bạn những chuyện đời thường, nhắc bạn là dù bạn có quan trọng đến mức nào đi nữa thì bạn cũng không thoát khỏi những vấn đề muôn thở của đời người.
Chút cảm thương dành cho những nạn nhân của bạn.
Tất cả những nhân vật điều hành đôi khi buộc phải làm những điều mà mình không muốn. Có lúc phải “cắt tỉa ngân sách”. Có lúc phải từ chối tăng lương. Khi thì phải đưổi người. Nghiều lúc chúng ta còn cần sự chọn lựa nào khác nhưng đừng quên lắng nghe cảm xúc của mình. Một trong những vấn đề mà các nhân vật cấp cao thường vướng phải là “bị tê liệt cảm xúc”. Những người mà họ tiếp xúc chỉ biết nghe những con số. Và để đạt được sự cân bằng giữa thế giới nhân văn và thế giới những con số là điều không dễ. Nhưng không phải là không thể làm được.
“Bồi dưỡng” những sở thích nào đó ngoài khả năng đáng golf
Trồng cà, trồng bí hay làm đèn cầy. Ngày Chủ nhật thì xem những bộ phim tài liệu lịch sử chẳng hạn. Làm những việc “hơi khác thường” một chút vào những lúc rảnh rỗi để tự nhắc mình rằng thế giới này to hơn nhiều so với “vương quốc công ty “ của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn không trở thành một tên “xuẩn ngốc”.
Hãy nhớ là ai đang nuôi sống gia đình bạn
Dù công ty của bạn đang bán sản phẩm gì và ai đang giữ cổ phần của công ty, nhưng một khi bạn “mất liên lạc” với những người đang trả tiền mua sản phẩm của bạn thì bạn không còn nhìn thấy điều gì là quan trọng nữa. Bạn sẽ đánh mất bản năng cho sản phẩm và công tác tiếp thị. Bạn quên đặt những câu hỏi đúng. Bạn thiếu nhãn quan để nhận ra rằng công ty của bạn đang đi về đâu. Bạn “xử lý kém” cả thương hiệu của mình và thương hiệu của công ty.
Người ta cho rằng con người không bao giờ được quên cội nguồn của mình, nhưng có một điều mà bạn cũng buộc phải nhớ là “ai đang nuôi sống gia đình bạn”. Chắc chắn không phải chỉ có một mình bạn. Dù bạn có đúng ở tột đỉnh trong văn phòng của mình thì vẫn chịu trách nhiệm trước một đám đông ngoài kia - những người đang sở hữu sản phẩm của bạn và cổ phần của bạn.