Sống sót nơi công sở: Đối phó kẻ xấu chơi
Lượt xem: 25,939Đấu đá nội bộ trong văn phòng vốn dĩ đã mệt mỏi, và càng tệ hơn nếu bạn trở thành mục tiêu. Tuy vậy, CareerViet có thể chia sẻ vài phương pháp giúp bạn đứng vững. Để đối phó với bạn đồng nghiệp xấu chơi, bạn vẫn có thể tìm cách đứng ngoài ngay từ đầu, hoặc đối phó mà vẫn bảo toàn danh dự. Thậm chí, biến nguy thành cơ để vượt lên.
1. Bình tĩnh trước khi phản ứng
Cảm thấy khó chịu và phòng thủ là việc bình thường nếu bạn cảm thấy có ai đó đang đe dọa công việc của mình. Tuy nhiên, quan trọng là bạn vẫn phản ứng bình tĩnh và chuyên nghiệp. Việc bạn cần làm ngay: hít thở sâu và hình dung bản thân đang phản ứng một cách bình tĩnh.
Ví dụ: giả sử bạn được gọi vào văn phòng của sếp và phát hiện ra rằng vừa bị đồng nghiệp đổ lỗi. Đừng bực bội và tuôn ra tất cả những sai sót của đồng nghiệp. Thay vào đó, hãy hít thở sâu và đếm đến 10. Sau đó, bình tĩnh nói với sếp rằng bạn không làm việc trong dự án đó nhưng rất sẵn lòng giúp đỡ. Ví dụ: “Tôi không biết là dự án này bị chậm, bởi vì tôi không được giao nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, nếu được thì tôi sẵn sàng tiếp quản”.
2. Cố gắng nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn của đồng nghiệp
Có khả năng đồng nghiệp của bạn không nhận ra là hành động của họ có vấn đề. Có khi họ nghĩ chính bạn mới là người đang “chơi trò chính trị”. Hãy xem vấn đề tồn tại giữa hai người từ góc nhìn của họ - liệu họ có lý gì khi hành động như vậy không? Sau đó, xem bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình.
Ví dụ: đồng nghiệp liên tục phàn nàn rằng bạn nên chia sẻ thông tin của dự án chung. Có thể thực tế là vì bạn không cập nhật thông tin liên tục, mà đợi vài ngày mới thu thập thông tin và gửi đi một lần. Rõ ràng, sự tiện lợi của bạn có thể là khó khăn cho đồng nghiệp, và bạn có thể đàm phán với họ cách nào để tốt cho cả hai.
3. Giữ lấy giá trị cá nhân của bạn
Khi phải đối mặt với chính trị nơi công sở, sẽ có lúc bạn nghĩ: hay là mình “đi đường tắt” để đối phó? Tuy nhiên, điều này có thể khiến bạn thấy tệ hơn và khó giúp bạn tiến xa. Thay vì vậy, nhắc nhở bản thân về các giá trị cá nhân và đưa ra những quyết định đúng cho bản thân.
Ví dụ: đồng nghiệp xấu chơi được thăng chức sau khi vơ lấy công lao của người khác. Bạn cũng bị cám dỗ về việc “cầm nhầm thành tích”, nhưng có lẽ thành thật trong công việc sẽ giúp bạn vững chân và giảm bớt nguy cơ bị người khác công kích.
4. Xây dựng cho mình một mạng lưới hỗ trợ tại nơi làm việc
Đôi khi công việc áp lực cao, và không gì tuyệt hơn là có những bạn đồng nghiệp có thể chung lưng đấu cật với bạn. Hãy tìm hiểu và xây dựng tình đồng nghiệp, hãy cố gắng có ít nhất 2-3 người mà bạn có thể tin tưởng.
Tuy vậy, dù thân thiết, hãy nhớ luôn cư xử chuyên nghiệp với họ. Nếu “lộn xộn” giữa cuộc sống cá nhân và công sở, không loại trừ sẽ có lúc chính trị công sở phát sinh từ đây.
5. “Xả” với bạn bè hoặc họ hàng, không phải với đồng nghiệp
Bị chơi xấu, đương nhiên là bạn sẽ bức xúc và muốn trút bầu tâm sự gấp, nhất là với bạn đồng nghiệp thân thiết - người đã chứng kiến hoặc biết hầu hết mọi chuyện.
Tuy nhiên, kể với đồng nghiệp những bức xúc trong công việc cũng không khác gì cấp cho họ đạn để chống lại bạn. Thay vì thế, tâm sự với bạn thân hoặc người thân không liên quan đến công việc để phòng tránh mọi nguy cơ. Tốt nhất hãy tạo điều kiện để bạn đồng nghiệp luôn là bạn tốt.
6. Kiểm soát căng thẳng để không bị quá tải về cảm xúc
Căng thẳng trong công việc là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng đừng để nó khiến bạn quá sức. Vì khi căng thẳng, bạn dễ sai lầm trong công việc, và để lộ điểm yếu để người khác tấn công. Hãy coi việc quản lý căng thẳng như một thói quen của bạn. Thử xem các hoạt động nào có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng rồi đưa vào cuộc sống hàng ngày:
Ngồi thiền trong 10 phút
Đi dạo, hòa mình vào thiên nhiên
Chơi với thú cưng
Tô màu trong sách tranh dành cho người lớn
Trị liệu bằng tinh dầu
Ngâm mình trong bồn tắm nước nóng
Đọc sách…