Sửa điện thoại di động: Nghề theo nhu cầu xã hội
Lượt xem: 22,670Phát triển mạnh
Chưa có thống kê chính xác hiện có bao nhiêu người làm trong lĩnh vực này, nhưng theo chị Lê Trần Thuỷ Tiên, phụ trách trung tâm bảo hành của "Thế giới di động", nhu cầu về ngành nghề này đang có chiều hướng gia tăng theo tỉ lệ số máy xuất hiện trên thị trường.
Hệ thống bảo hành lớn nhất hiện nay thuộc về FPT Mobile với 14 trung tâm bảo hành nằm tại các thành phố lớn như: TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... với số nhân viên lên đến 170 người.
Dù chỉ là nhà phân phối lẻ ĐTDĐ nhưng "Thế giới di động" cũng thành lập trung tâm bảo hành với số lượng nhân viên là 20 người. Cty Toàn Châu, Five Star, An Ba... được chỉ định thực hiện chế độ bảo hành độc lập cho các thương hiệu lớn như Nokia, Sony Ericsson nên đều quan tâm đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên lành nghề. Viễn thông A, Vũ Huy Hoàng... cũng có những trung tâm bảo hành riêng của mình.
Sống khỏe
Hiện nay, nguồn nhân lực kỹ thuật đều do các Cty tự đào tạo. Trình độ đầu vào thấp nhất là trung cấp điện tử viễn thông. Cũng có những trung tâm bảo hành lớn như FPT Mobile, Thế giới di động, An Ba... tuyển thêm nhiều nhân viên trình độ đại học.
Trong khi các Cty bảo hành lớn tập trung đào tạo đội ngũ có tay nghề thì tại các cửa hàng bảo hành điện thoại, thợ sửa chữa hầu hết là những người có thời gian "vọc" máy nhiều. Họ là những người làm nghề tự do, không chỉ sửa mà còn buôn bán máy, hiểu được về máy. Cũng có người đầu quân về các Cty lớn nhưng phần đông thích làm tự do, không bị ràng buộc về giờ giấc và công việc...
Tại "Thế giới di động", nhân viên kỹ thuật được phân ra 3 cấp. Cấp 1 làm nhiệm vụ tháo máy, sửa chữa những linh kiện rời như sửa chuông, thay màn hình... Cấp 2 yêu cầu công việc cao hơn, có thể can thiệp vào những chi tiết trên mainboard. Còn cấp 3 có thể kiểm tra để phát hiện lỗi trên main, sau đó thay thế linh kiện. Mức lương tại trung tâm bảo hành này thấp nhất là 2,5 triệu đồng, mỗi cấp chênh lệch 1 triệu đồng.
Cũng phân chia cấp nhưng tại trung tâm bảo hành của FPT Mobile lại phân thành 5 cấp, trong đó cấp 0 và cấp 1 chỉ làm những việc mang tính đơn giản như vệ sinh máy, lắp ráp..., những cấp còn lại thực hiện những lỗi phức tạp hơn. Không công bố mức lương cụ thể nhưng chênh lệch lương ở đây khá cao: Khởi điểm - 2 triệu đồng, còn chuyên viên kỹ thuật cao cấp có mức lương lên đến 12 triệu đồng.
Nhiều nơi đào tạo
Nắm được nhu cầu nên một số Cty kinh doanh ĐTDĐ đã "tấn công" sang đào tạo nhân lực. Cty Hoài Anh 3C - 189 Nơ Trang Long, P.12, Q.Bình Thạnh, TPHCM công bố sẽ mở 9 lớp, từ lớp cơ bản, phần cứng, phần mềm, kinh doanh... với thời hạn một tuần (học phí 500.000đ) cho đến 6 tháng (học phí 10 triệu đồng). Cty điện tử viễn thông CPS (339 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TPHCM), Trung tâm đào tạo ứng dụng CNTT (346 - 348 Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM)... cũng mở lớp tuyển sinh kỹ thuật viên sữa chữa ĐTDĐ...
Ngoài ra, không ít kỹ sư, kỹ thuật viên đang hành nghề sửa chữa ĐTDĐ đứng ra mở lớp đào tạo. Điển hình như kỹ sư T, đào tạo về phần cứng lẫn phần mềm tương thích với tất cả các đời máy của các hãng đang có mặt tại thị trường Việt Nam như Nokia, Samsung, Sony Ericsson, Motorola, Siemens...; kỹ thuật chuyển băng tần những máy khác hệ có Imei 010... từ nước ngoài mang về; giới thiệu và hướng dẫn sử dụng phần mềm, các thiết bị box chuyên dùng và cable để mở mạng, nạp flash (TV)...