Sức hút của sếp
Lượt xem: 14,360
Phần lớn nhân viên luôn tuân thủ và ngưỡng mộ tuyệt đối những sếp có đặc điểm, uy tín và nhân cách nổi trội, đó chính là sức hút đặc biệt cá nhân không hề được xây dụng từ quyền lực hay bất kỳ một lợi thế nào do công ty đem lại.
Sức hút đặc biệt đó, được tạo dựng chỉ từ những đặc điểm tưởng chừng không có gì đặc biệt nhưng khi chúng được nối kết trong một cá nhân vốn có khả năng lãnh đạo tuyệt vời, thì chắc chắn, sẽ tác động mạnh mẽ đến cả những nhân viên ít trung thành nhất.
Sự quan tâm chân thành
Mọi nhân viên mới chưa quen với môi trường làm việc, những hoang mang nối tiếp khi công việc không hoàn tất làm anh ta nhụt chí và có thể thất bại sau hai tháng thử việc dù thể chất và khả năng hoàn toàn thích ứng với vị trí được tuyển dụng. Nhưng anh ta gặp một sếp lớn có khả năng dành sự quan tâm chú ý nhiều đến những nhân viên mới. Một công việc hết sức bất ngờ, nhân viên tập sự kia hoàn thành xuất sắc, nhanh chóng lấy lại tự tin. Sâu thẳm trong lòng, sự biết ơn và ngưỡng mộ đã biến anh ta trở thành một nhân viên hết sức trung thành.
Khi công việc và guồng quay đến chóng mặt của nhịp sống đô thị làm cho khoảng cách giữa các nhân viên và sếp càng lớn, thì sự quan tâm chân thành của sếp đến những cá nhân hay nhóm nhân viên dưới quyền, càng có giá trị đặc biệt, tạo sức hút từ sếp.
Hãy tưởng tượng, cứ mỗi khi trò chuyện với sếp, bạn lại trở thành người đang được sếp quan tâm thật sự và chân thành. Sếp nhắc bạn có thể về sớm để đón con, tiện đưa luôn món quà nhỏ cho bé vì hôm nay là 1/6, không bao giờ nhầm lẫn tên con bạn với tên con nhân viên khác, liệu bạn có nỡ rời bỏ công ty vì một vị trí khác với mức lương hấp dẫn hơn chút?
Kèm theo sự quan tâm chân thành, các sếp dạng này còn có khả năng nhạy cảm với môi trường, nhạy cảm với những nhu cầu của nhân viên, nên họ có thể phát hiện rất nhanh trạng thái tâm lý bất thường mà các nhân viên của mình đang gặp phải, chính vì vậy, có những quan tâm kịp thời và có giá trị nhất.
Sử dụng ngôn ngữ hiệu quả
Khả năng này thường được hiểu một cách nôm na và đơn giản là "lợi khẩu", nhưng thực chất, có một phần rất lớn là khả năng sử dụng các loại ngôn ngữ phi ngôn từ. Đó chính là phong thái tự tin, khoáng đạt hay chỉn chu, nhưng hết sức riêng biệt mà không bao giờ đi chệch. Sự tự tin của sếp, gây dựng niềm tự tin cho nhân viên từ những ấn tượng rõ rệt họ thấy hàng ngày. Và niềm tin ấy, được khắc sâu vào tư duy của các nhân viên.
Cũng không thể phủ nhận khả năng thuyết phục hiệu quả bằng ngôn từ của các sếp có thêm kỹ năng kể chuyện, sử dụng tốt các phương pháp hình tượng hóa, ẩn dụ hóa, so sánh. Ở bên họ, các nhân viên luôn thấy bị cuốn hút một cách thật tự nhiên vào tương lai sán lạn của công ty và các dự án, vì nó được mô tả thật hấp dẫn và thuyết phục.
Khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt sẽ giúp cho sếp có khả năng thuyết phục để đạt được các đồng thuận chung chứ không phải ra lệnh hay yêu cầu nhân viên chấp hành đơn thuần. Mặc dù, làm việc theo yêu cầu, nhu cầu và mục tiêu của sếp, nhưng các nhân viên vẫn hết sức thoải mái vì có được tiếng nói chung!
Và một chút lãng mạn
Không phải lãng mạn viển vông, mà là lãng mạn có cơ sở trên nền móng vững chắc của sự phát triển mà công ty đang từng bước đạt tới. Chút lãng mạn, sẽ không biến sếp thành cỗ máy vận hành chỉ biết tiến về phía trước, mà sẽ tạo nên một phong cách hết sức cuốn hút, với tất cả các nhân viên không đặt mục đích đi làm chỉ để kiếm tiền. "Tôi là người lãng mạn hợp lý", điều đó gần như đồng nghĩa với: "Tôi có tầm tìn xa và chi tiết, tôi biết được tương lai của tôi là gì, ở đâu". Như vậy, sự lãng mạn này sẽ được gắn kết với sự tự tin vừa đủ, không thái quá, để biến sếp trở thành người có sức hút chứ không phải một kẻ quá khoác lác và ba hoa!