SV thường mắc phải sai lầm gì khi xin việc?
Lượt xem: 15,092
Bạn có học lực và năng lực tốt. Bạn mới ra trường hoặc đã có kinh nghiệm rồi nhưng những bộ hồ sơ, những buổi phỏng vấn vẫn không có hồi âm. Có thể, bạn đã mắc vào một trong số những sai lầm đáng tiếc sau đây.
Xin một công việc bạn không ưa thích
Bạn vừa tốt nghiệp hay đang thất nghiệp và khát khao được đi làm, bạn thấy một thông báo tuyển dụng và ngay lập tức nộp hồ sơ ứng tuyển. Chỉ cần đọc qua bản lý lịch và vài phút trao đổi với bạn, nhà tuyển dụng đã biết bạn không hợp với vị trí này. Cho dù bạn có năng lực cao đến đâu nhưng khi làm một công việc bạn không ưa thích thì cũng không thể đem lại hiệu suất cao được.
Đặt toàn bộ hi vọng vào một lựa chọn
Thay vì chỉ tập trung và hi vọng vào một lựa chọn, bạn hãy tìm cho mình nhiều lựa chọn khác nhau. Trong trường hợp bạn không may mắn nhận được công việc này thì cũng vẫn còn những cơ hội khác.
Bộ hồ sơ xin việc sơ sài, không ấn tượng
Một bộ hồ sơ không được chuẩn bị kỹ lưỡng và thiếu “gia vị” là cách nhanh nhất để bạn tự loại mình ra khỏi cuộc đua với các ứng viên khác. Hồ sơ xin việc chính là nơi để bạn "tiếp thị" bản thân mình. Nếu bạn làm sơ sài, người đọc sẽ nghĩ bạn cũng sơ sài như vậy thôi.
Ngay cả việc nộp ảnh cho doanh nghiệp, nhiều bạn lại cho rằng nên nộp những bức ảnh chân dung ấn tượng nhằm gây chú ý ở nhà tuyển dụng. Điều này tất nhiên là sai lầm, vì bạn có thể tạo ấn tượng qua đơn xin việc, lý lịch hay ngay trong buổi phỏng vấn chứ không thể tạo ấn tượng qua tấm ảnh thẻ.
Không làm theo yêu cầu của công ty tuyển dụng
Bạn không chịu đọc kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bạn gửi đến một lá đơn đánh máy thay vì một đơn xin việc viết tay như yêu cầu. Những nhà tuyển dụng khó tính sẽ không buồn đọc nội dung, loại ngay những bộ hồ sơ sai quy cách khỏi bộ nhớ.
Không đầu tư tìm hiểu
Tìm việc trong tình trạng “tranh thủ” sẽ không giúp bạn có được một công việc như ý. Tìm việc đòi hỏi bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào việc tìm hiểu công việc mà bạn xin làm, và công ty đó từ các sản phẩm, dịch vụ đến, lịch sử, thành tích và văn hóa… của họ.
Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng
Đại đa số sinh viên (SV) ra trường có tư tưởng xin việc vì lương bổng và quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết và sống chết vì nó…Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng phát triển, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, làm sao có thể bảo đảm yếu tố gắn bó ở người lao động. Các doanh nghiệp sẽ không tuyển bạn nếu không nhìn thấy ở bạn niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp.
Không tạo được sự khác biệt
Trong một ngày, nhà tuyển dụng nhận và đọc rất nhiều bộ hồ sơ khác nhau. Nếu bạn không tạo được sự khác biệt với những người khác nhằm gây ấn tượng tốt đẹp thì nguy cơ bạn sẽ bị lẫn trong đám đông và bị quên lãng sẽ lên rất cao.
Không biết “tiếp thị” bản thân
Khi được đề nghị: “Hãy nói về bản thân bạn”, rất nhiều bạn trẻ đã trả lời thật thà về tên, tuổi, quê quán… mà không nghĩ rằng thực chất nhà tuyển dụng đang muốn nghe về những sở trường của bạn, những hoạt động mà bạn đã từng kinh qua…
Tai sao bạn không nói về những lợi thế của SV mới ra trường như bạn: ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến và lĩnh hội nhanh công việc được giao; sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; yếu tố sức khỏe, chấp nhận đi xa cũng như dễ hòa nhập… khi họ hỏi ban câu này nhỉ?
“Châu chấn đá xe”
Đặt ra mục tiêu cao là rất tốt nhưng đừng vì thế mà quên mất thực lực của mình. Bạn cầm một bằng khá trung cấp, hay bằng tốt cử nhân nhưng không kinh nghiệm để xin vào vị trí giám đốc điều hành - bạn đang làm một việc không tưởng đấy.
Thiếu những kỹ năng khi đi phỏng vấn
Phỏng vấn là một phần vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng. Nếu bạn không chịu học hỏi, chuẩn bị kỹ, bạn sẽ gây thất vọng cho người phỏng vấn.
Giấu kín nhược điểm
Không có ai hoàn hảo đến mức không có nhược điểm nào. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn “Điểm yếu của anh/chị là gì?” và bạn quyết tâm không tiết lộ ra. Bạn nói mình chẳng có điểm yếu gì, nhà tuyển dụng nghe và thấy bực mình: Làm gì có ai không có điểm yếu?
Nóng vội
Tìm việc luôn là một chặng đường dài, đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự bền bỉ. Vừa gửi đi một bộ hồ sơ và thất bại, bạn đã thấy nản lòng, thế thì bạn còn thất nghiệp lâu đấy. Thời buổi nhiều lao động ít việc này, không bền bỉ cố gắng sẽ không bao giờ thành công.
Quá dễ dãi hoặc quá đề cao chuyện lương bổng
Tiền bạc là một vấn đề rất nhạy cảm. Nếu bạn dễ dàng chấp nhận một mức lương quá thấp, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn chẳng có năng lực gì và rất thiếu tự tin. Nếu bạn đòi hỏi quá cao, khăng khăng đòi bằng được mức lương mình đưa ra, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng cáu tiết và tuyên bố: Chúng tôi không thiếu những nhân viên giỏi và nhiệt tình hơn bạn!”
Quên cảm ơn
Một bức thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn là rất quan trọng. Qua phép xã giao này, nhà tuyển dụng sẽ nhớ đến bạn hơn, đánh giá cao bạn so với các ứng viên khác. Tỏ lòng biết ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn là một cách để thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của bạn với công việc.
Không tiếp tục theo dõi sau khi đã gửi đơn xin việc
Một số ứng viên cho rằng sau khi đã gửi đơn xin việc thì họ chỉ còn một việc là ngồi đợi để được gọi phỏng vấn. Họ không biết rằng việc tiếp tục gửi thư hay gọi điện tỏ ra quan tâm đến công việc sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ. Nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng về bạn là một người rất quan tâm đến công việc đó.
Không biết sử dụng các mối quan hệ
Các mối quan hệ như người thân, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp cũ có thể tỏ rất hiệu quả khi bạn đi xin việc. hãy nói rằng bạn đang tìm việc làm, biết đâu họ có ai bạn bè, anh em nào đó có thể giới thiệu cho bạn những công việc rất phù hợp với bạn. Không biết tận dụng những mối quan hệ này quả là một sai lầm lớn.