Tại sao lại chọn công việc này?
Lượt xem: 73,124Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Trong xu thế hiện nay, nhảy việc, chuyển công tác đang dần trở thành điều bình thuờng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng cho những nhân viên có kinh nghiệm trong các cuộc phỏng vấn tại cơ quan mới. Nhất là khi công việc bạn nhắm tới được so sánh với những kinh nghiệm làm việc mà bạn đã thể hiện trong hồ sơ.
Hàng lọat câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ tự đặt ra trong đầu khi tiếp nhận một vị trí có nhiều kinh nghiệm từ một công ty khác. Tại sao bạn lại bỏ đi? Do năng lực, do quan hệ không tốt với đồng nghiệp hay đơn giản chỉ vì bạn muốn tìm kiếm một cơ hội làm ra thu nhập dễ dàng hơn...?
Thanh Sơn, Hồng Thụy và Đinh Cường cùng ứng tuyển vào vị trí quản lý trung cấp tại một công ty kinh doanh cỡ vừa. Cả ba đều có bản CV quá tốt với kinh nghiệm làm việc dày dạn, các kỹ năng vượt quá yêu cầu của nhà tuyển dụng. Thậm chí những công việc đã qua còn tốt hơn vị trí mà họ muốn làm. Cuối cùng nhà tuyển dụng đã hỏi một câu chung cho cả ba người trước khi đi tới quyết định cuối cùng: "Bạn có nhiều kinh nghiệm như vậy, tại sao lại chọn công việc này?".
Cả ba người đều đưa ra câu trả lời thành thật với tất cả sự tự tin qua nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến trước đó. Anh Thanh Sơn nói: "Ở cơ quan cũ tôi đã kịch trần và cơ hội phát triển không còn. Tôi nhận thấy vị trí của công ty có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ để có được sự nghiệp thuận lợi và thể hiện khả năng của mình".
Còn chị Hồng Thụy cũng rất thẳng thắn: "Vì một số lý do cá nhân nên tôi muốn lựa chọn một công việc ít phải đi lại và bớt căng thẳng hơn công việc quản lý hiện tại tôi đang làm".
Anh Đinh Cường cũng gần giống chị Thụy. Anh đang gặp một số vấn đề trục trặc giữa thời gian cho gia đình và công việc. Anh cho biết: "Tôi muốn bỏ bớt một số trách nhiệm để có thể cân bằng hơn công việc và gia đình để tất cả cùng phát triển tốt nhất".
Kết quả: anh Cường là người được chọn.
Chia sẻ lý do của sự lựa chọn này, nhà tuyển dụng cho biết, cách trả lời quá khát khao của anh Sơn tạo một cảm giác lo lắng. Nhà tuyển dụng không tin là anh Sơn sẽ chấp nhận làm việc ở đó mà không mong muốn điều gì hơn nữa.
Còn với chị Thụy, nhà tuyển dụng thực sự lo ngại khi liên tưởng việc chị từ chức quản lý tại công ty cũ chứng tỏ bạn đã kiệt sức, hoặc gặp khó khăn trong quan hệ với đồng nghiệp, hoặc chỉ muốn kiếm tiền một cách đơn giản.
Còn với anh Cường, vấn đề giữa công việc và gia đình luôn là vấn đề mà bất cứ người đi làm nào cũng gặp phải. Và việc làm thêm giờ hoặc các trách nhiệm gây ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc ngược lại. Nhưng anh Cường đã thể hiện được mình có đủ kỹ năng và khả năng làm việc theo giờ mà họ yêu cầu một cách tốt nhất mà không bị tác động bởi những vấn đề cá nhân.