Tạo ấn tượng ngay lần thử việc
Lượt xem: 14,901Trừ khi ông chủ mới muốn ký hợp đồng với bạn như một nhân viên chính thức ngay lập tức thì đa số chúng ta đều luôn phải đối mặt với giai đoạn thử việc đầy cam go. Làm thế nào để ngay từ đầu bạn tạo được ấn tượng tốt với sếp?
Giai đoạn thử việc là thời gian đánh giá năng lực của bạn nên có thể sếp sẽ đưa ra nhiều yêu cầu “tai quái” mà không cần lý do. Lúc này bạn ít có được phúc lợi, thậm chí quyền lợi và công việc hầu như không được bảo hộ trong suốt thời gian thử việc. Thời gian thử việc dài hay ngắn tùy thuộc vào từng lĩnh vực và môi trường làm việc. Nếu bạn làm ở cơ quan nhà nước, thời gian thử việc có thể kéo dài tới 1 năm trong khi hầu hết các công ty thường từ 1 đến 6 tháng.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời gian thử việc, bạn cũng không nên để mất các quyền lợi với những quy định của họ. Nếu ông chủ mới của bạn không tôn trọng các chính sách quyền lợi cho nhân viên, phá vỡ những yêu cầu và thời hạn thanh toán thì bạn có quyền sử dụng quyền bảo hộ người lao động mà pháp luật quy định. Nhưng trước hết bạn cần làm gì trong thời gian thử việc này?
1. Làm việc như một nhân viên chính thức
Những ông chủ luôn thích nhìn thấy một sự chắc chắn từ nhân viên của họ và đương nhiên họ không muốn nhìn thấy cảnh mới chỉ là một nhân viên thử việc mà bạn luôn có những thay đổi đáng báo động như hiệu suất công việc, thái độ, tâm trạng hay những ngày nghỉ ốm liên tục thì khi là nhân viên chính thức bạn còn “bê tha” như thế nào. Do vậy, hãy thể hiện là một nhân viên gương mẫu tích cực giống như bạn đang sở hữu công việc lâu dài đó rồi, đây cũng là một trong những chìa khoá thành công cho bạn đấy.
2. Hài hoà công việc
Không ai thích kẻ lười biếng nhưng nếu bạn cứ “cắm đầu” vào làm “quá chăm chỉ” thì chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ không thể khảm nổi và thấy công việc quá sức gây đến chán nản, sợ hãi mà hiệu quả công việc cũng không thấy đâu.
Điều mà sếp cần là kết quả tốt ấy phải được xuyên suốt cả cuộc đời làm việc của bạn ở công ty chứ không phải chỉ “huy hoàng” trong thời gian thử việc ngắn ngủi. Đừng đặt ra quá nhiều áp lực để thành công, hãy công bằng cho chính bản thân mình bằng cách thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nhưng chỉ hứa hẹn làm nếu bạn có thể hoàn thành chúng.
Nếu bạn có khả năng làm tốt thì hãy tự tin nhưng không phải là tự phụ, sếp sẽ thấy bạn là một người có năng lực nhưng không kiêu ngạo. Một nhân viên như thế sẽ biết học hỏi hơn nữa và những đồng nghiệp sẽ luôn tôn trọng, hài lòng với bạn.
3. Làm chủ những yêu cầu công việc.
Những gì bạn thể hiện trong công việc sẽ là yếu tố quyết định xem bạn có vượt qua được thời kỳ thử việc hay không. Có thể bạn được nhận vào làm một phần do ngoại hình duyên dáng hoặc hồ sơ lý lịch đầy ấn tượng với những bằng cấp và điểm số khá giỏi nhưng nếu bạn không cố gắng nắm bắt những điều cơ bản nhất của công việc thì tất cả chỉ là vô ích. Nó phụ thuộc vào việc bạn tìm hiểu những gì sếp mong muốn và đưa ra cho họ những yếu tố của một nhân viên mà công ty cần.
Nếu chưa nắm rõ yêu cầu của công việc hãy hỏi sếp của bạn, mô tả cho bạn một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm hoặc không đạt được hiệu quả như sếp muốn. Bạn cũng nên có một cái nhìn độc đáo hơn về các công việc đã được giao. Chắc chắn rằng để thành thạo bất kỳ kỹ năng nào cũng luôn cần sự chau chuốt và sẵn sàng làm thêm giờ để có thêm thời gian thực hành.
Khi đã quen với những kỹ năng cần thiết cho vị trí này, hãy tạo một ấn tượng tốt bằng cách tạo sự tin cậy của riêng bạn trong một nhóm. Hầu hết các công việc đòi hỏi kỹ năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm. Vì thế nếu bạn có thể làm chủ cả hai kỹ năng làm việc này, nó sẽ thể hiện cho sếp biết rằng bạn là một người linh hoạt trong mọi trường hợp và luôn sẵn sàng hoàn thành tốt công việc.
Một nhân viên tập sự mà có được sự linh hoạt trong cách làm việc và đạt được những kỹ năng cần thiết sẽ luôn là nhân viên sáng giá của công ty và việc được tuyển chỉ còn là vấn đề thủ tục mà thôi.
4. Sự hiểu biết về công ty
Mặc dù trước khi nộp đơn xin việc bạn đã phải tìm hiểu nhiều về công ty, đó là yêu cầu cơ bản để xin việc nhưng cũng sẽ không biết được tường tận như khi chính bạn được tham gia làm việc ở trong đó. Nhiều nhân viên tập sự lựa chọn phương án từ bỏ trước khi giai đoạn thử việc kết thúc nếu họ thấy công việc không phù hợp với mình. Qua nghiên cứu về công ty, bạn có thể đánh giá xem công ty có phải là lựa chọn tốt nhất đối với bạn hay không.
Sử dụng giai đoạn thử việc như là một thời gian để học hỏi về công ty. Họ sản xuất cái gì? Họ cung cấp những dịch vụ nào? Lợi nhuận của họ? Xem xét công việc nội bộ và khả năng thăng tiến. Trong suốt quá trình tìm hiểu, hãy đặt ra những câu hỏi mỗi khi có thể bởi vì nó cho thấy sự quan tâm của bạn. Tránh những câu hỏi cá nhân và thật thà quá. Tìm hiểu nhưng cũng nên thận trọng nếu không chiến lược này sẽ mang kết quả ngược lại.
Đây cũng là một ý tưởng thông minh để biết được các chính sách của công ty có ảnh hưởng đến bạn hay không. Bao gồm các lĩnh vực như hành vi, ăn mặc, lịch nghỉ, và bất kỳ quy tắc quan trọng khác của cuộc sống văn phòng.
Hiểu biết công ty sẽ giúp bạn xác định vị trí của bạn. Hơn nữa, sự nhiệt tình, quan tâm và nắm rõ mọi nguyên tắc sẽ để lại cho mọi người ấn tượng tốt.
5. “Hoà thuận” với sếp
Sếp sẽ là người quan trọng nhất có thể đem đến cho bạn một công việc tốt hoặc có thể sa thải bạn bất cứ lúc nào. Nghĩa là người sẽ quyết định tương lai nghề nghiệp của bạn. Giữ được tính cách thật thà, biết tôn trọng sếp và với mối quan hệ tốt đẹp bạn sẽ không gặp phải thất bại.
Nếu bạn không chắc chắn là mình đã tạo được ấn tượng tốt với sếp hay chưa thì có thể tiếp cận bằng cách
hỏi sếp để “cập nhật” về sự tiến bộ của mình và cách để cải thiện bản thân hơn nữa. Điều này cho thấy bạn biết giá trị của bạn và biết mình phải phấn đấu học tập như thế nào. Cuối cùng, nếu bạn có “chạm mặt” sếp ở bên ngoài thời gian của công ty, đừng ngại khi nói về những đề tài không phải là công việc. Nó sẽ giúp ông chủ của bạn hiểu bạn là người như thế nào.
6. Liên minh với đồng nghiệp
Có thể bạn có đủ thông minh, sáng tạo và kỹ năng khá tốt để làm việc nhưng nếu bạn không có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng là một “cái bẫy” có nguy cơ cao để bạn bị sa thải ngay từ lúc thử việc đấy. Ngược lại, nếu bạn là một người đáng mến trong mắt đồng nghiệp và quan hệ tốt với mọi người xung quanh, chắc chắn sẽ tăng khả năng “bám trụ” với công việc.
Liên kết với các đồng nghiệp bắt đầu bằng việc trở nên thân thiện, nhiệt tình giúp đồng nghiệp khi cần và tiếp nhận chân thành những lời khuyên của họ Dù thể hiện sự thân mật nhưng vẫn lịch sự trong lời chào và hội thoại với đồng nghiệp.
Trong trường hợp bạn mắc lỗi mà bị đồng nghiệp “sói mói”, nhân cơ hội để phê phán bạn hoặc nếu bạn cảm thấy rằng những đồng nghiệp đó ghen ghét cản trở tiến bộ của mình thì cũng nên tỏ thái độ dứt khoát hơn là cố nhường nhịn để bị lấn át. Tuy nhiên cách cử xử cũng phải khéo léo nếu không bạn dễ bị đồng nghiệp chơi xấu sau lưng. Tốt nhất bạn nên tập trung thời gian và mối quan tâm của mình vào những đồng nghiệp tốt, có thể hỗ trợ lẫn nhau.
7. Không cho họ một lý do để sa thải bạn
Đối với các nhân viên tập sự thì không cần một nguyên nhân chính thức cũng có thể bị sa thải. Vì vậy, nếu bạn đang trong quá trình thử thách, đừng làm mất cơ hội của mình khi đưa ra cho công ty một lý do để sa thải bạn.
Lý do mà sếp sa thải bạn thì nhiều vô kể, có thể là không thích cách làm việc của bạn, không “hợp gu”, bị đồng nghiệp chơi xấu v.v.. Tốt nhất là tự bảo vệ mình bằng cách sống tích cực, chuyên nghiệp và lành mạnh.
Một điều quan trọng nữa là luôn giữ sức khoẻ tốt trong thời gian thử việc, những ngày nghỉ ốm sẽ làm ảnh hưởng tới con đường học tập và làm việc của bạn. Nếu thể hiện là một người tích cực và chuyên nghiệp nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn là người đáng giữ chứ không phải là nên sa thải.
8. Tiềm năng của thời kì thử việc
Đừng quá lo lắng và sợ hãi, bạn nên tự tin và thấy mình may mắn vì có cơ hội thử việc nghĩa là có cơ hội để bạn toả sáng tài năng của mình. Đồng thời đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Vượt qua được thử thách này sẽ càng khẳng định vị trí của bạn, cho nhà tuyển dụng biết họ đã đúng khi lựa chọn bạn - một con người tự tin năng động.