Tạo dựng lòng trung thành
Lượt xem: 13,291Và đây là một câu chuyện thật
Hoàng, nhân viên kinh doanh xuất sắc của một công ty mỹ phẩm xin nghỉ việc sau rất nhiều năm gắn bó với công ty. Anh cho biết: “Mình là thằng suốt ngày đánh bóng mặt đường, mặt dày lân la tới từng đại lý, từng hộ bán lẻ để chào hàng và thuyết phục họ nhận bán hàng của công ty. Sau đó đến khâu thanh toán tiền hàng mới là khó khăn. Có lần chiều 30 tết mà mình vẫn phải ngồi đợi và năn nỉ một chủ đại lý trả tiền. May mà thu được. Vậy mà không nhận được một sự đánh giá tích cực nào của sếp lại còn bị sếp quạt “sao giờ này mới về”. ức lắm, nhục lắm”.
Điều tất yếu đã xảy ra: “sếp ở lại mát mẻ, em đi”. Vậy là sau bao nhiêu nỗ lực, nhân viên giỏi vẫn không thể khiến cho người quản lý đánh giá cao công việc của họ dù đồng nghiệp và nhiều người khác có nhận xét tốt và bản thân họ đạt được mức lương đáng nể. Cuối cùng, sau khi đưa đơn xin nghỉ việc, sếp lại tha thiết đề nghị anh ở lại, đề nghị tăng lương đồng thời chấp nhận bất cứ yêu cầu nào của họ. Gương vỡ khó lành, sếp đành nhìn nhân viên giỏi một đi không trở lại. Hối hận thì đã muộn.
Xử lý thế nào đây?
Ngày nay, xu hướng người lao động chuyển công ty liên tục đã trở thành phổ biến, nhất là đối với giới trẻ. Do vậy, tuyển dụng được nhân viên giỏi vốn đã không dễ nhưng để giữ họ luôn gắn bó và trung thành trước những lời mời chào của của các công ty lớn khác mới thực sự là khó khăn. Dưới đây là một số chú ý giúp bạn xây dựng được lòng trung thành và gắn bó của nhân viên.
1. Trả lương và có các chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Phần lớn nhân viên xin nghỉ việc là do cách họ bị sếp đối xử chứ không phải vì lý do tiền lương. Tuy nhiên, nền móng cơ bản để nhân viên trung thành và cống hiến hết mình cho công ty là họ phải có được một mức lương đủ sống, tương ứng với những gì họ bỏ ra và được hưởng phúc lợi giúp họ yên tâm công tác.
2. Biết đánh giá và coi trọng khi nhân viên hoàn thành tốt công việc. Ở rất nhiều công ty, người ta thường chỉ chú ý tới sai lầm của nhân viên hay việc họ không hoàn thành công việc được giao. Những nhân viên giỏi muốn nghe lời khen ngợi từ sếp khi họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tạo cơ hội vui vẻ. Các nhân viên có thể luôn tạo ra không khí vui vẻ tại nơi làm việc và vẫn hoàn thành tốt công việc thậm chí với hứng thú, nhiệt huyết và sức sáng tạo cao hơn. Nhiều công ty đã nhận thấy lợi ích khi đưa tính hài hước, hóm hỉnh trở thành một phần trong văn hóa của công ty.
Tại công ty sản xuất bao bì mỹ phẩm AGI Inc., bang Illinois, những cuộc gặp hàng tháng giữa các nhân viên trong công ty trở thành cơ hội để “thách đố CEO”. Người có câu hỏi “khoai” nhất sẽ giành giải. Tất cả đều tỏ ra hứng thú vì ở đó, việc CEO sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi khó và trả lời cởi mở trước tất cả các nhân viên lại xây dựng được sự tự tin trong công ty, đồng thời thể hiện được sự vô tư, tạo sự hào hứng trong nhân viên.
3. Tạo cơ hội học hỏi cho nhân viên. Là người sử dụng lao động, chắc chắn bạn luôn muốn nhân viên của mình ham học hỏi, để từ đó nâng cao năng lực và kỹ năng của mình trong cả công việc và cuộc sống. Họ có thể tự học, hoặc tiếp tục học hỏi và dấn thân ở một chân trời mới, hoặc bạn cũng có thể cử họ đi học nâng cao nghiệp vụ, nhờ đó xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên với công ty. Đối với những nhân viên giỏi, việc học hỏi thông qua cá nhân hay công việc đều quan trọng như nhau.
Học một ngoại ngữ mới, nâng cao kỹ năng bán hàng, học cách nhận biết tâm lý khách hàng hay quản lý dự án hiệu quả hơn - tất cả đều giúp nâng cao năng lực của nhân viên và cuối cùng sẽ có lợi cho người sử dụng lao động. Có rất nhiều điều để nhân viên của bạn học hỏi. Hãy chú ý tới những gì mà các nhân viên quan tâm. Ví dụ, nếu bạn sống trong môi trường nói tiếng Pháp, hãy mở một lớp dạy tiếng Pháp cho nhân viên. Họ vừa có thể học thêm một ngoại ngữ nữa, vừa có cơ hội để hiểu rõ nhau hơn. Họ sẽ cảm thấy gắn bó với công ty bạn trong khi vẫn học thêm được kỹ năng mới.
4. Biến nơi làm việc trở nên an toàn, tiện nghi và thú vị hơn. Môi trường xung quanh có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cảm nhận của bạn về nơi làm việc. Nơi đỗ xe có an toàn không? Có tranh ảnh gì thú vị hay bất cứ vật trang trí nào khác trên tường không? Liệu có đủ ánh sáng để đọc và làm việc không? Phòng vệ sinh có sạch sẽ và được trang bị đầy đủ, tiện nghi không? Bạn nên bổ sung những gì để khiến căn phòng giải trí trở nên tiện dụng hơn? Hỏi ý kiến nhân viên xem phải làm gì để cải thiện môi trường làm việc trong công ty và hãy ủng hộ những đề nghị bạn cho là hợp lý. Nếu bạn không thể mua được những thiết bị mới, đắt tiền, các nhân viên sẽ hiểu và thông cảm, nhưng chắc chắn họ sẽ rất vui mừng nếu bạn chú ý tới những gì họ đang quan tâm.