Tạo uy thế cho mình
Lượt xem: 9,732Bạn sẽ nhận được nhiều lợi thế, nếu tiếng nói của bạn mang tính quyết định trong gia đình, cơ quan. Ít thì bạn có thể hướng mọi người làm theo ý mình, nhiều thì có thể được thăng quan tiến chức. Vì thế, hãy kiên nhẫn trong việc tạo uy thế cho mình.
Trở thành người quan trọng
Trong mỗi cuộc chơi, trong các cuộc họp, nếu không có bạn, mọi người cảm thấy như mất hẳn không khí. Đó là dấu hiệu của một người thuộc hàng VIP. Như vậy, không phải cứ lớn tiếng nói năng trong các cuộc gặp gỡ là bạn có thể trở thành cái rốn của vũ trụ. Bạn chỉ thực sự là trung tâm khi không có mình, bạn vẫn được người ta nhắc nhở tới.
Đừng làm người ba phải
Để thành VIP, ít nhất thì bạn cũng phải có chính kiến một tí và phải tỏ ra hơn người khác một cái đầu. Cứ tưởng tượng một gã đàn ông miệng lúc nào cũng mang nụ cười thường trực, người ta kể chuyện cười, nhệch mồm ra đã đành, bạn bè quẳng ra không khí vài câu nói ất ơ vô nghĩa cũng vẩn vơ cười lấy lòng thì thảm lắm. Hãy nhớ, người bình thường có lúc buồn lúc vui, nếu lúc nào cũng tỏ ra hoàn mỹ thì lại trở thành không bình thường chút nào. Chỉ nên cười khi thực sự thích thú, nếu không mọi người sẽ chê cười chính bạn.
Làm bạn với một nhóm người
Bạn có thể là người vô cùng thân thiện và cởi mở, và bạn có thể trò chuyện với bất kể ai bắt gặp trên cầu thang máy đến văn phòng. Tốt thôi, nhưng hãy nhớ, nếu gặp ai bạn cũng buôn lê, người ta có thể sẽ nghĩ bạn là một cô nàng "lắm chiêu", hoặc nhẹ hơn thì là người không cá tính, không chính kiến, bạ ai cũng kết bạn. Hãy chọn lựa người trong công ty mà kết thân, và đối xử với những người còn lại như những đồng nghiệp bình thường.
Cười bỏ qua khi ai đó tỏ vẻ thiếu tôn trọng
Nếu ai đó phê bình bạn chỉ để thỏa mãn sự đố kỵ, không mang tính xây dựng thì hãy nhún vai bỏ qua. Bạn cũng có thể tỏ vẻ tức tối ra mặt để kẻ kia được hả hê, nghĩ rằng làm cho bạn đầu bù tóc rối thật dễ. Nhưng hãy bình tĩnh để phản bác lại một cách từ từ. Cứ để thời gian trả lời.
Tiết kiệm những lời bình phẩm
Đừng nói tất cả những gì bạn biết. Cũng phải thôi, nếu bạn không có gì dành riêng cho mình, thì lấy gì mà phòng thân. Vậy ãy làm ngược lại, nên chú ý lắng nghe lời của mọi người. Khi đang mê mải với bài diễn văn, bạn có khó chịu không khi một gã nào đó cự chực nhảy vào cổ họng bạn mà ngồi. Giận quá đi chứ, vậy thì hãy rút kinh nghiệm cho mình, đừng bao giờ lên tiếng khi người khác đang nói. Sẽ có ba lợi thế cho bạn, trước tiên, người nói sẽ có cảm giác được tôn trọng, tất nhiên họ cho rằng bạn là người lịch sự. Thứ hai, bạn có cơ hội tìm hiểu về suy nghĩ, nhận định của những người xung quanh, biết đâu sẽ có ích. Thứ ba, mọi người sẽ phải phân vân nghĩ xem điều gì đang diễn ra trong cái đầu của bạn.
Đừng bông đùa quá trớn
Nếu lúc nào mặt cũng đăm đăm thì trông stress lắm, nhưng ngược lại, lúc nào cũng nhăn nhở bông đùa thì thật chẳng ra làm sao. Cuộc sống có những khoảnh khắc vui nhộn, nhưng cũng có thời điểm nghiêm túc. Nếu lúc nào cũng cợt nhả ở nơi làm việc thì bạn có thể sẽ không được cho là có trọng lượng trong lời ăn tiếng nói đâu.
Chuyện phục trang cũng tương tự như vậy. Nếu các đồng nghiệp ăn mặc rất giản dị, không màu mè mà bạn lại quần là áo lượt, tá lả xanh đỏ đến cơ quan thì cũng hơi bị kỳ dị đấy. Hãy đừng rời xa quần chúng nhé.
Đừng khoe khoang
Hãy chứng minh bản thân bằng hành động. Nếu làm việc chăm chỉ, chất lượng công việc sẽ hiển hiện ra đấy. Nếu sau một thời gian cống hiến, bạn vẫn bị coi là kẻ vô danh tiểu tốt thì hãy nghĩ cách nào đó tiếp thị cho công việc của mình, nhưng phải thật khéo léo đấy
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :