Thành đạt có phải là tất cả?

Lượt xem: 13,217

Mải mê công việc, có một ngày bạn chợt nhận thấy quanh mình chẳng có ai để chia sẻ, tâm sự. Đó là điều thường gặp đối với những người được thăng quan tiến chức.

Thành đạt có phải là tất cả?

Để giảm áp lực bạn phải gánh chịu khi làm sếp

1. Đừng cắm mặt vào công việc mà quên mất cuộc sống của mình. Hãy phân tích kỹ tiến trình công việc của mình. Việc gì cần phải xúc tiến? Việc gì có thể phân công cho những người khác? Việc gì có thể bỏ qua? Hãy dành sự ưu tiên hơn cho các mối quan hệ cũng như thời gian thư giãn, nghỉ ngơi lên hàng đầu bởi chúng cũng hết sức quan trọng.

2. Nếu bạn cảm thấy cô đơn và không có những mối quan hệ thân thiết, hãy thực hiện một chiến lược phát triển quan hệ trong nhóm mình quản lý. Hãy hỏi xem các nhân viên của bạn muốn đạt được những gì và đặt ra mục tiêu cho mỗi người trong nhóm. Làm như vậy, những nhân viên của bạn sẽ thấy sếp đánh giá cao giá trị của họ và sếp là người rất quan tâm đến những nhân viên dưới quyền.

3. Không nên từ bỏ những gì bạn đã từng làm trước khi được cất nhắc, thay vào đó, hãy coi đó là thú vui giải trí của bạn. Hãy thử thiết lập một kế hoạch phân công công việc với cấp trên, qua đó thuyết phục họ rằng sự đóng góp của bạn trong công việc nhất định sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho công ty.

4. Lên kế hoạch hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày thật kỹ càng để tránh không bị quá tải khi phải hoàn thành công việc theo đúng hạn định. Đây cũng là cách giúp cho bạn khỏi bị động khi có những dự án phải hoàn thành gấp rút. Khi chia sẻ áp lực công việc, bạn cũng sẽ đồng thời tạo cơ hội cho những người khác được thể hiện tiềm năng quản lý của mình và khiến họ hiểu rằng bạn thực sự tin tưởng ở họ.

5. Tạo một môi trường làm việc mở trong đó các thành viên trong nhóm có thể tự do chia sẻ những khó khăn và mong muốn cải tiến công việc. Như vậy, bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn.

Vị trí tốt, thu nhập cao - có làm bạn thỏa mãn?

Nếu ở ngoài nhìn vào thì quả thực M. (29 tuổi), đang có một công việc mà khối người phải thèm thuồng. Trong vòng 3 năm, từ một nhân viên quèn, M. đã nhanh chóng leo lên được vị trí biên tập của một tạp chí giải trí nổi tiếng với mưëc thu nhập đáng mơ ước.

Đương nhiên, cái gì cũng có giá của nó. M. luôn ngập đầu trong công việc, thậm chí cô không có thời gian để tận hưởng cuộc sống bên ngoài tươi trẻ và sôi động. Và cả những thú vui bình dị mà trước đây cô từng có khi còn là nhân viên bình thường cũng dường như quá xa xỉ khi con đường sự nghiệp đang thênh thang mở rộng trước mắt.

Khi được hỏi về công việc, M. tâm sự: “Được viết những gì mình thích là niềm đam mê của tôi, và đó cũng là lý do tôi muốn trở thành một phóng viên. Tôi thích nấu ăn, viết bài, gặp gỡ mọi người và có thời gian dành cho việc nghiên cứu. Vì vậy, làm việc cho một tòa báo quả thực là ước mơ cháy bỏng của tôi ngày đó.

Thế nhưng, khi ước mơ đó giờ đây đã nằm gọn trong tay mình, tôi lại thấy lo sợ. Và chỉ vài tháng sau khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, tôi nhận ra rằng mình đã thay đổi. 99% thời gian hàng ngày tôi ngồi lì trong văn phòng, giao dịch với các đối tác quảng cáo và đau đầu với việc quản lý phóng viên. Và trong suốt hàng tiếng đồng hồ căng thẳng đó, tôi chẳng có lúc nào để nghĩ đến những đam mê trước đây của mình”.

Thật ra câu chuyện của M. chẳng có gì đặc biệt. Trong thời buổi công nghiệp như ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ cảm thấy mình không sao thoát khỏi cảm giác bế tắc khi họ quá thành công trong nấc thang sự nghiệp của mình. Trước mặt họ chỉ có những con số nhảy múa, những cuộc họp với khách hàng và những bản báo cáo công việc trong khi điều họ thực sự muốn làm không hề tồn tại trong công việc mà họ đang đảm nhận.

Tồi tệ hơn, bản thân họ lại trở thành nạn nhân của chính mình vì không được sống đúng con người mình. Liệu điều đó có thực sự là cơn ác mộng của những người đang đứng trên đỉnh cao của sự thành đạt hay không?

Chúng ta dường như luôn bị mặc định trong một công thức cứng nhắc: thành đạt = công ty lớn + vị trí “ngon”. Và thế là, leo lên được vị trí cao hơn, đối với chúng ta, đó là hạnh phúc. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như vậy. Đành rằng thăng tiến đồng nghĩa với việc tăng lương, có chức có quyền và thêm bổng lộc nhưng nó cũng đồng nghĩa với tăng gánh nặng quản lý nhân sự, quản lý tài chính và áp lực của công việc.

Đã đi làm thì ai chẳng muốn mình “có vai có vế” nhưng càng lên cao thì người ta càng cảm thấy mình không còn là mình nữa, bởi công việc họ đang làm là trách nhiệm, chứ không phải là những gì họ thực sự đam mê.

Bản thân xã hội chúng ta đang sống ép chúng ta phải luôn nghĩ đến việc kiếm tiền và kiếm tiền nhưng chính áp lực đó lại đẩy chúng ta ra khỏi những ước mơ của chính mình. Chúng ta chỉ luôn tính toán làm sao để có thể đi lên mà không bao giờ nghĩ đến mặt trái của vấn đề.

T. (40 tuổi), kiến trúc sư cấp cao của một công ty kiến trúc lớn, thổ lộ: “Thời còn trẻ, tôi chỉ thích thiết kế nhà, khu văn phòng và những trung tâm mua sắm. Nhưng từ khi được lên chức, chưa bao giờ tôi có thời gian đụng đến bản vẽ. Công việc của tôi hiện giờ là giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý và nhân sự.

Mặc dù tình hình tài chính cá nhân ổn hơn trước nhưng nói thật, tôi làm việc mà chẳng có hứng thú gì”. Sau vài tháng, T. quyết định bỏ việc để “hành nghề tự do”, đánh đổi sự ổn định và mức thu nhập hấp dẫn để có thể thỏa sức làm công việc mà mình yêu thích từ hồi còn trẻ với vài khách hàng nhỏ và một văn phòng ngay tại nhà. “Đúng là có hơi mạo hiểm thật”, T. tâm sự, “Tôi vẫn luôn băn khoăn về quyết định của mình nhưng ít nhất thì tôi thấy rằng giờ đây mình cũng đã có trách nhiệm với chính mình”.

Thành đạt = Thiếu vắng bạn bè?

Mải mê công việc, có một ngày bạn chợt nhận thấy quanh mình chẳng có ai để chia sẻ, tâm sự. Đó là điều thường gặp đối với những người được thăng quan tiến chức. Khi bạn chỉ là một nhân viên bình thường thì phần lớn thời gian bạn ở cơ quan bên cạnh những bạn đồng nghiệp. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn và có nhiệm vụ quản lý những người bạn vốn là đồng nghiệp ngang hàng trước đây của mình?

Chị L. (29 tuổi) cảm thấy rất không thoải mái khi là sếp trẻ nhất trong công ty. Khi được đề bạt, chị cảm thấy rất vui và hào hứng với vị trí mới, thế nhưng chị cũng dần nhận ra mối quan hệ của mình với những bạn đồng nghiệp có những thay đổi.

Từ đó, L. đi làm trong tâm trạng không thoải mái: “Mặc dù bây giờ tôi đã có một vị trí trong công ty, được ưu đãi tốt nhưng những đồng nghiệp cũ không còn thoải mái nói chuyện với tôi như trước, họ cũng tỏ ra khó chịu và dè chưìng tôi, còn sếp lại mong muốn tôi có thể quản lý họ một cách hiệu quả”.

Theo Kate Southam, chuyên gia tư vấn và nghiên cứu về nghề nghiệp đồng thời là biên tập viên của trang www.careerone.com.au, một trang web tư vấn dịch vụ việc làm của Úc, “ban đầu, khi bạn mới được đề bạt lên vị trí cao hơn, bạn phải chấp nhận một điều là rất khó có thể vừa là sếp vừa là bạn. Hãy tỏ ra thân thiện, thường xuyên tổ chức các cuộc đi chơi, dã ngoại, giao lưu trao đổi với các thành viên trong nhóm.

Điều quan trọng đối với một người quản lý là phải làm sao có thể giảm nhẹ áp lực công việc đối với nhân viên của mình. Thực sự điều này là rất khó khi các thành viên trong nhóm đã từng là bạn đồng nghiệp ngang hàng. Bên cạnh đó, một người quản lý giỏi cũng là người biết thể hiện để cấp trên thấy rằng họ dã quyết định đúng khi đề bạt mình”.

Để vượt qua khó khăn này, Kate khuyên bạn nên tìm hiểu và nắm vững kỹ năng quản lý. “Hãy tham gia các khóa học quản lý nhân sự, để trang bị cho mình những kỹ năng thiết thực như làm thế nào để có thể đưa ra phản hồi một cách hiệu quả, làm thế nào để có thể quản lý nhân viên và đưa ra những nhận xét về công việc của họ một cách chuyên nghiệp mà không gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía họ. Như vậy, bạn có thể thể hiện cho nhân viên của mình thấy mình đang rất mong muốn trở thành một người quản lý tốt.

Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tổ chức những cuộc gặp gỡ riêng, thảo luận với từng người về kế hoạch quản lý của bạn đối với riêng họ, coi họ như một bộ phận thiết yếu của công việc. Hãy để cho họ được nói lên những suy nghĩ của mình nhưng tuyệt đối không xin lỗi hay giải thích về việc mình được bổ nhiệm làm sếp của họ. Hãy xử sự đúng như một người quản lý”.

Tìm lời khuyên ở những người đi trước trong công ty mình hoặc gia nhập các câu lạc bộ hay tổ chức dành cho các doanh nhân - nơi bạn có thể dễ dàng có cơ hội tiếp xúc với những người thành đạt dày dạn kinh nghiệm quản lý cũng là một giải pháp cho bạn.

Bài viết khác

Khám phá các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL, TOEIC và Cambridge. Cùng CareerViet tìm hiểu đặc điểm, mục đích và cách chọn chứng chỉ phù hợp với nhu cầu.

Xem thêm

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay