Thay đổi cho công việc tốt hơn.
Lượt xem: 17,665
Đôi khi bạn cảm thấy thật mệt mỏi, công việc theo năm tháng ngày càng trở nên nhàm chán hơn là giúp cho bạn có được một điều gì đó. Đây chính là lúc mà bạn không còn yêu công việc của mình như trước nữa. Có thể nguyên nhân của việc này là công việc ngày càng nhiều áp lực, những lo lắng về tương lai hay mức lương cứ giậm chân tại chổ trong khi mọi thứ đều tăng giá…
Nếu bạn bị lâm vào tình trạng này, trước hết bạn nên xem xét một cách khách quan liệu có phải công việc của mình đã trở nên quá tệ hay không hoặc là có những nguyên nhân khác trong cuộc sống của bạn. Nếu thật sự là do công việc, bạn nên có kế hoạch để giải quyết ngay tình trạng này, đúng hơn là để “giải cứu” cho mình. Vấn đề không chỉ đơn giản là kiên trì theo đuổi một con đường mình đã chọn từ trước hay trung thành với công việc nào đó theo suy nghĩ trước đây của bạn; có thể những việc này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp, sức khỏe và cả tinh thần của bạn.
Nếu đã quyết thay đổi, bạn cần có những giải pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho mình trước khi tập trung cho những thách thức phía trước.
Nói lên suy nghĩ của mình. Nếu không có vấn đề gì, hãy nói lên tình trạng của mình với sếp, cố gắng đừng thể hiện sự chán nản hay bế tắc của bạn với họ. Có thể bạn không có khả năng thay đổi được ngay công ty, nhưng biết đâu bạn sẽ được tạo điều kiện để có thể có một chổ thú vị hơn để làm việc.
Vận động cơ thể. Nên dành 15 phút để vận động cơ thể bằng những động tác nhẹ nhàng, như: thể dục, Yoga, … chúng sẽ giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng, tăng cường sự tập trung, giúp tinh thần hưng phấn và cải thiện tình trạng mệt mỏi khá hiệu quả.
Thư giãn. Massage cơ thể một cách nhẹ nhàng, ngâm mình trong làn nước ấm, thả lỏng người để mọi cơ bắp được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Những biện pháp này tuy không mới nhưng vẫn khá hữu hiệu trong việc giúp bạn lấy lại tinh thần, tăng cường sự lưu thông máu, loại bỏ những độc tố - mệt mỏi trong cơ thể, giúp bạn ngủ ngon hơn.
Làm việc tới 5h30. Tất nhiên trong trong trường hợp công ty của bạn làm việc đến thời gian này. Đừng nên quá ham công tiếc việc, ở lại văn phòng lâu hơn mức cần thiết, hay tệ hơn nữa là đem công việc về nhà. Tốt nhất, làm việc đến hết giờ, thu xếp lại mọi thứ và trở về ngôi nhà ấm cúng của mình. Làm việc một cách chừng mực sẽ giúp bạn “trụ” được lâu hơn.
Giải trí. Đây thật sự là một việc làm khôn khéo để giữ gìn sức khỏe cho bạn mỗi ngày và cho cả sau này. Không cần phải quá cầu kỳ hay tốn kém, có thể chỉ đơn giản là một món ăn ngon bên người thân, đồng nghiệp, hay một bản nhạc yêu thích, bạn đã có thể tạo nên sự cân bằng cho cuộc sống của mình.
Nạp “năng lượng”. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là một trong những cách phòng bệnh tốt nhất cho bạn. Hãy giữ cho cơ thể mình luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày, bằng cách nạp “năng lượng” cho chúng thật đầy đủ, khi đó bạn sẽ ngăn ngừa được bệnh tật và hạn chế tối đa những bất lợi từ sự căng thẳng mà công việc gây nên.
Về với thiên nhiên. Hãy mang hơi thở của thiên nhiên vào trong không gian làm việc của bạn. Những cây cảnh, những chậu hoa nhỏ xinh xắn sẽ tạo cho bạn một môi trường thật trong lành, tươi mát, giúp bạn có được những giây phút thật thoải mái ngay trong không gian văn phòng.
Hít thở không khí trong lành. Các tòa nhà văn phòng thường khá hạn hẹp về diện tích, điều đó dễ khiến cho không gian làm việc của bạn không được thông thoáng Vì vậy, nếu được bạn nên mở những cửa sổ, cho không khí tự nhiên vào được nơi đây. Ngoài ra, có thể sử dụng máy điều hòa có chức năng lọc khí, tạo mùi thơm, những “chi tiết nhỏ” sẽ giúp cho tâm hồn mình trở nên thư thái.
Làm cho cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn. Cuối cùng, không nên đánh giá thấp những tác động tâm lý từ màu sắc - màu sắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con người. Môi trường phủ đầy màu xanh dịu dàng sẽ tạo nên cảm giác bình yên cho tâm hồn của bạn.
Thật ra, những biện pháp này cũng chỉ góp phần giúp bạn thay đổi môi trường làm việc một cách tương đối. Điều quan trọng là làm thế nào để bạn có thể có một nơi làm việc thật sự, có lợi cho việc phát triển sự nghiệp của mình, chứ không phải là nơi để bạn làm việc theo cách chỉ để đối phó.