Thế nào là ứng viên chuyên nghiệp
Lượt xem: 17,800Mục tiêu của mọi ứng viên là tìm được một công việc ưng ý nhưng để có được vị trí đáng mong đợi trong danh sách dài của nhà tuyển dụng, bạn cần phải chứng tỏ được "đẳng cấp" chuyên nghiệp của mình qua mỗi lần tiếp xúc. Thế nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.
Khó khăn lắm Hoài mới lọt được chọn vào vòng phỏng vấn, gặp gỡ trực tiếp được nhà tuyển dụng cũng là giám đốc điều hành của công ty cô mong muốn được nhận vào. Mức lương cao, chế độ đãi ngộ tuyệt vời và hơn hết là môi trường làm việc thông thoáng nhưng chuyên nghiệp theo Hoài là không thể chê vào đâu được ở đây là lý do khiến cô đặt mục tiêu phải có một vị trí bằng mọi giá.
Bằng cấp loại giỏi và vài năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty nước ngoài giúp cho Hoài có được một hồ sơ đẹp như mơ. Nhưng vì các ứng viên tham gia đợt tuyển dụng lần này toàn những bậc "nhân tài" nên Hoài biết rằng mình đang phải đối mặt với một "trận chiến" cực kì gay go. Hoài cũng xác định trong vòng phỏng vấn, cung cách ứng xử và thái độ của cô sẽ là yếu tố quyết định để Hoài có "qua" được vòng này hay không. Vì vậy, không chỉ cố gắng đến sớm, trang phục chỉnh tề, Hoài còn tự nhủ phải giữ thái độ bình tĩnh và tránh phạm phải những lỗi dù là nhỏ nhặt nhất trong lúc giao tiếp, trò chuyện với phía nhà tuyển dụng.
Hoài còn cẩn thận tắt điện thoại để tránh cuộc phỏng vấn bị làm phiền và gây sự khó chịu cho nhà tuyển dụng. Đó là kinh nghiệm "sống còn" của một cô bạn gái của Hoài trong những lần phỏng vấn trước đó. Chuyện là cô này được đánh giá là một ứng viên sáng giá cho vị trí tầm cỡ cấp lãnh đạo nhưng cuối cùng lại không qua nổi vòng phỏng vấn chỉ vì cô nàng liên tục nghe điện thoại và trả lời tin nhắn khi đang phỏng vấn đến nỗi nhà tuyển dụng phải nhắc khéo ứng viên này tắt điện thoại.
Việc nghe điện thoại khi đang phỏng vấn là một trong những điều tối kỵ. Một lời khuyên cho các ứng viên là nếu đang chờ một cuộc gọi cực kỳ khẩn cấp hoặc có công việc cực kỳ gấp phải giải quyết qua điện thoại, hãy hỏi ý NTD trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu. Chỉ nên nghe điện thoại khi NTD đồng ý và cố gắng kết thúc cuộc gọi sớm. Thông thường NTD phải tiếp xúc khá nhiều ứng viên và sẽ không có đủ thời gian nếu bạn cứ “cà kê” trên điện thoại. Nếu bạn không ở trong bất kỳ tình huống “cực kỳ” nào bên trên, hãy tắt điện thoại trước khi vào phỏng vấn.
Một câu hỏi mà dù nhiều nhà tuyển dụng muốn nhưng không hỏi không được là "Hãy cho tôi biết về bạn" bởi không ít ứng viên đi phỏng vấn dường như chỉ chuẩn bị sẵn cho câu hỏi này. Và chờ dịp là họ lập tức kể dông dài về tiểu sử bản thân, sở thích hay thói quen của mình mà thiếu những thông tin cần thiết cho nhà tuyển dụng như công việc, những điều bạn thích khi làm việc và những gì động viên tinh thần làm việc.
An là một người có năng lực và nhiều năm nắm vị trí lãnh đạo ở một công ty cỡ vừa ở Hà Nội. Vậy nên, khi quyết định tìm cho mình những cơ hội mới, An có thừa tự tin vào những gì mình đã có. Tuy nhiên, cô biết rằng nếu thể hiện điều đó quá mức, cô sẽ biến mình thành một kẻ thất bại ngay lập tức. Hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tích mình đạt được nhưng cách thể hiện khiêm tốn của An đã khiến nhà tuyển dụng rất hài lòng về cô và tất nhiên, chiếc ghế trưởng phòng còn trống đã thuộc về Anh một cách hoàn toàn xứng đáng.
Thái độ và cách ứng xử của phóng viên trong những cuộc phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng là điều cực kỳ cần thiết. Nó không chỉ khiến bạn hoàn hảo hơn trong mắt họ mà còn giúp cho con đường thăng tiến sau này của bạn trải rộng hơn bất cứ ứng viên nào khác.