Nghịch lý từ một hội chợ việc làm thêm
Xuất phát từ mục đích tạo cầu nối giữa người lao động có nhu cầu tìm việc làm thêm và nhà tuyển dụng, Hội chợ việc làm thêm do Cộng đồng phát triển cá nhân và nghề nghiệp Online Motibee tại TP HCM tổ chức trong quý 1 vừa qua đã thu hút sự quan tâm và đăng ký Online của hơn 30.000 ứng viên, trong đó có hơn 3.000 người tham gia Hội chợ Offline. Hình thức hội chợ tương tác trực tiếp dành cho các ứng viên đang tìm việc làm thêm với nhà tuyển dụng khá mới này được tổ chức quy mô tại Nhà Hát Bến Thành – Q1. Qua sự kiện, đơn vị tổ chức bày tỏ tham vọng sẽ xúc tiến giao dịch thành công giữa doanh nghiệp với cộng đồng Freelancer (lao động tự do), được hứa hẹn chủ yếu là dân công sở. Nhưng trong thực tế, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng và các ứng viên đã thất vọng ra về vì không thể đạt được mục đích đề ra khi đến đây …
Có mặt tại hội chợ từ sáng, bạn H.T.Hồng – sinh viên ngành Hóa Thực phẩm của trường ĐH BK cho biết mình đã đăng ký Online giữ chỗ và hăm hở đến sớm với hy vọng sẽ tìm được việc làm thêm để có cơ hội học hỏi và tăng thu nhập, nhưng hầu hết các công việc tại hội chợ đều yêu cầu phải có kinh nghiệm, hoặc chủ yếu dành cho sinh viên ngành Kinh tế, có chỗ còn yêu cầu làm giờ hành chính (?) nên mất nguyên buổi sáng vẫn chưa tìm được việc gì phù hợp.
Có thể thấy rất rõ qua các thông báo của Ban tổ chức về đối tượng chính tham gia chợ này là giới công sở, tuy nhiên chị Đ.T. Cúc – Giám đốc Kinh doanh của một nhãn hàng thời trang đến từ Pháp đang tuyển cộng tác viên bán hàng lại cho rằng “Công ty chỉ đạt được 30% kết quả đề ra, do tham gia hội chợ này đa phần là sinh viên, trong khi đó yêu cầu cho vị trí cộng tác viên bên chị phải là các ứng viên làm việc trong môi trường công sở đã có kinh nghiệm bán hàng qua mạng, có mối quan hệ rộng và khả năng giao tiếp tốt. Các bạn sinh viên tuy nhiệt tình nhưng lại không đáp ứng được hầu hết các yêu cầu này”. Một đại diện từ Sacombank đang tuyển dụng nhân sự cộng tác phát triển mạng lưới thẻ tín dụng của ngân hàng chia sẻ “Thật ra để tuyển được nhân sự hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đã khó, tìm được cộng tác viên có năng lực, làm việc hiệu quả và để họ gắn bó lâu dài với công ty lại là càng khó khăn hơn. Dù hội chợ lần này đã thu hút rất đông người đăng ký tham gia, nhưng chủ yếu là các bạn sinh viên quan tâm và có thời gian đến tìm hiểu, trong khi người doanh nghiệp thực sự cần lại khó tìm”.
Ngay cả giới công sở đôi khi cũng không chọn được cho mình việc làm thêm phù hợp vì các ràng buộc mang tính chất đặc trưng của từng công việc, từng loại hình kinh doanh và từng doanh nghiệp. Là một thiết kế trẻ của một công ty quảng cáo lớn tại Thành Phố, chị N.T.Thanh vẫn không tìm được việc làm thêm cho mình giữa hàng loạt quảng cáo có nhu cầu tuyển cộng tác viên số lượng lớn của nhiều công ty như Oriflame, hệ thống Trường Anh Văn Hội Việt Úc, Anh ngữ New York, thẻ ưu đãi Incard, thời trang Valerie vv…nguyên nhân theo chị là do chị và nhiều ứng viên vẫn nghĩ làm parttime thì chỉ cần làm việc Online, hoặc làm việc ngoài giờ hành chính. Trong khi đó hầu hết các công việc tuyển dụng tại đây lại yêu cầu phải thường xuyên lên công ty, làm việc trong giờ hành chánh, mức lương không cao như mong đợi. Và chị cho rằng sẽ gọi em trai mình lên hội chợ để tìm việc làm thêm vì em chị đang là sinh viên nên chắc có thời gian làm được các việc này (?!?).
Đến tình trạng chung của thị trường lao động
Không thể phủ nhận vai trò cung cầu trong thị trường lao động việc làm thêm đang ngày một gia tăng trước sức ép của hàng loạt biến động bất lợi về giá thực phẩm, xăng dầu, lạm phát v.v… trong thời gian vừa qua. Để có thêm thu nhập trang trải cho sinh hoạt, chi tiêu giữa thời buổi vật giá leo thang, người lao động và cả giới sinh viên buộc phải tìm cho mình việc làm thứ hai, thứ ba bên cạnh các công việc chính thức. Với các doanh nghiệp, sử dụng lao động cộng tác đồng nghĩa với việc cắt giảm được hàng loạt các chi phí như chi phí bảo hiểm, chi phí sử dụng cơ sở vật chất tại công ty v.v… Mô hình “sử dụng freelnacer, làm thời vụ/ bán thời gian/ theo dự án …” đã được sử dụng khá hiệu quả tại nhiều nước. Theo thống kê của Cục thống kê lao động Mỹ, có hơn 10.3 triệu freelancer, chiếm 7,4% lực lượng lao động tại nước này, với tổng thu nhập năm cho cộng đồng này vào khoảng 346 tỉ USD. Tại Việt Nam, ngành lao động làm thêm và cộng tác viên phát triển trong hơn năm năm trở lại đây do sự phát triển kinh tế đất nước. Các ngành nghề thu hút lao động làm thêm ở nước ta gồm có các công việc không yêu cầu vị trí cố định với giờ giấc linh hoạt, hoặc có thể làm theo ca như tư vấn bán hàng, bán quảng cáo, bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, biên tập viên, Digital Marketing, giảng viên ngoại ngữ, Disigner v.v… Các trang web môi giới việc làm thêm cũng đã xuất hiện và phát triển khá rộng khắp, trong đó có không ít địa chỉ cung cấp các tính năng hỗ trợ khá độc đáo như tạo “đất” cho ứng viên tự đề xuất thù lao hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng, các mục kỹ năng chuyên môn dành cho Freelancer v.v…
Mặc dù đã có nhiều sáng kiến cho lĩnh vực này, nhưng việc tuyển dụng lao động làm thêm và tìm được việc làm thêm phù hợp lại khó thực hiện cho cả hai phía: Doanh nghiệp và người lao động. lý Giải một phần nguyên nhân này, anh P.T.Nghĩa – Giám đốc Marketing nhãn hàng thời trang Valerie khá thành công khi tham gia hội chợ việc làm thêm nêu trên cho biết “Trong khi các doanh nghiệp khác than khó tuyển cộng tác viên, thì Valerie lại vượt chỉ tiêu trong đợt tuyển dụng đại sứ nhãn hàng lần này vì chủ yếu các vị trí Freelancer mà Valerie nhắm tới là các bạn sinh viên nữ trẻ trung, năng động... Theo tôi, cái mà các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi chính thức đăng tuyển nhân sự là phải hiểu rõ đặc thù vị trí cộng tác viên mà mình đang cần tuyển, từ đó tìm ra kênh tuyển dụng phù hợp nhất”. Bàn về nghịch lý thiếu và thừa trong thị trường lao động đặc thù này, anh T.H.Hùng- Trưởng phòng Nhân sự Công ty Đ.ĐN cho rằng đây là bài toán chung và là vấn đề phổ biến về chất lượng nguồn nhân lực của cả thị trường lao động Việt Nam chứ không riêng về thị trường việc làm thêm. Theo anh, để xóa bỏ nghịch lý này, nhằm đạt hiệu quả trong quá trình tìm việc, các ứng viên nên trao dồi thêm các kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cho chính mình. Điều này không chỉ giúp các bạn tìm được việc làm thêm phù hợp mà còn giúp các bạn nâng cao năng lực bản thân từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công việc chính của mình. Có như vậy bạn sẽ từng bước hoàn thiện để trở thành những Freelancer chuyên nghiệp. Khi đó, nhà tuyển dụng sẽ tự tìm đến cộng tác với bạn và hiệu quả đem lại cho nhà tuyển dụng chắc chắn cũng sẽ cao hơn”.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :