Thiết kế Game - Ẩn số
Lượt xem: 20,630
Bạn rất mê chơi game? Có thể bạn sẽ gặp không ít lời than phiền rằng vô bổ, tốn thời gian. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn có thể làm một nghề vừa kiếm được nhiều tiền mà vãn có thể thỏa mãn sở thích game đó không? Game Design (Thiết kế Game) sẽ là một nghề phù hợp với một fan của game như bạn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn cũng luôn đi kèm với những thách thức…
Game không chỉ có mặt trái…
Các bậc phụ huynh luôn than phiền khi các quý tử quá “say” game. Nhưng game đâu phải chỉ toàn mặt trái. Nếu không, game đã không thể phát triển đến mức thành một ngành công nghiệp “hái ra tiền” như hiện nay.
Nguyễn Minh Cường (học viên của FPT-Arena) bày tỏ: “Chúng ta cứ quen nhìn theo một phía hết sức thiển cận: game đồng nghĩa với mất thời gian, tiền bạc, hạnh phúc và tương lai bị ảnh hưởng. Song chơi game trước tiên là giải trí, nếu điều độ nó có thể là bài học giúp ta nhận biết nhiều điều trong cuộc sống, hoàn toàn có thể thực tập các kỹ năng qua game…”. Vậy hà cớ gì giới trẻ Việt lại chối từ những tiện ích mà game đem lại?
Thiết kế game- nghề “vừa làm vừa chơi”…
Khái niệm thiết kế game vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Muốn gắn bó với nghề thật sự cần “dấn thân”, biết chơi game và biết “làm mới” nó. Đây là nghề “vừa làm vừa chơi” nhưng lại không hề “chơi” chút nào. Bởi “Đã dính vào công việc thiết kế game- thiết kế 3D là phải có sự tập trung và thời gian đầu tư khá lớn. Nếu thiết kế 2D, thiết kế web một ngày có thể xong 2-3 giao diện thì với 3D, một ngày chưa được gì cả, nó đòi hỏi nhiều hơn về thời gian và công sức” (Anh Lê Quang Khải - một game artist của công ty 3D Brigade cho hay)
Thêm nữa, có khác biệt rất lớn giữa những người thiết kế game và những game thủ. Khác biệt chủ yếu có lẽ là ở tâm trạng và cách "chơi". Bạn chơi game chỉ để giải trí, bạn chỉ lựa chọn game mình yêu thích nhất, một khi không thích nữa thì ngừng chơi. Nhưng những nhà thiết kế game, ngoài việc chơi game ra, họ còn phải tìm hiểu đâu là ưu điểm, đâu là khuyết điểm trong thiết kế, bản thân họ có đủ sức chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn không và chỉnh sửa thế nào?... Một khi sống với nghề thiết kế game, sự hứng thú với công việc là tối cần thiết và quan trọng là phải biết cách nuôi dưỡng hứng thú đó.
Nghề hấp dẫn và thách thức
Nhiều suy nghĩ giản đơn cho rằng thiết kế game chỉ là một khâu sáng tạo khi đã có chút kĩ năng đồ họa, thiết kế. Nhưng thực tế, nghề phát triển game xoay quanh nhiều môn học, ví dụ như biên tập màn chơi (level editing), tạo hình (modeling), dựng chuyển động (animating), lập trình, kỹ thuật phần mềm và âm thanh. Để có ra mắt một game “đủ đô” là một danh sách các công việc bao gồm từ những nghề chuyên môn trong ngành như thiết kế đồ hoạ (vẽ hoạt cảnh, lập mô hình, thiết kế nhân vật, thiết kế bề mặt); thiết kế các màn chơi và trò chơi; viết chương trình (thường là công việc của các kỹ sư lập trình); quản trị mạng trực tuyến (dành cho bộ phận điều hành trực tuyến các game trên mạng – MMO, và quản lý website); sản xuất (Producer) - tức là lo mọi việc liên quan từ sáng tạo trò chơi đến nội địa hóa game cho thị trường trong nước.
Một trò chơi cốt lõi cũng giống như một phần mềm cao cấp. Những người tham gia phát triển trò chơi phải có kiến thức cực kỳ chuyên sâu về lĩnh vực của mình (lập trình, đồ hoạ…). Một Game Developer đã từng định nghĩa: “Nếu như một ngôi nhà, một căn biệt thự được thiết kế bởi kiến trúc sư, thì game là một “công trình” được định hình từ một hoặc nhiều người - Họ được gọi là Game Artist hay nói rộng hơn là Concept Artist (Họa sỹ thiết kế ý tưởng)”. Hoạ sỹ là người chịu trách nhiệm chính liên quan đến các vấn đề về mỹ thuật trong một sản phẩm game: những hình phác thảo ban đầu (concept art), hình thể 2D, các quy mô 3D… Trong một dự án game, tập thể các hoạ sỹ sẽ chịu sự lãnh đạo của giám đốc mỹ thuật (Art Director) hoặc nhà thiết kế (Game Designer). Vậy, liệu đây có phải là một cơ hội việc làm tốt và mới mẻ cho đông đảo bạn trẻ đa phần tỏ ra thích thú với game, khi vai trò của Game Artist trong ngành công nghiệp game hiện đại ngày một phát triển?.
Có đủ đam mê với một dòng game Việt
Game mới thịnh hành ở Việt Nam gần đây và đang hình thành nên một lớp người đam mê mới còn rất trẻ. “Bản thân là người luôn tìm tòi ước muốn dựng phim 3D và sáng tạo nên một dòng game mới, mỗi khi chơi một game mới của nước ngoài hay những đoạn phim của họ, quả thật không tránh khỏi những ý tưởng và xúc cảm… Mình vừa đặt câu hỏi vừa tự có thể có được câu đáp án cho bản thân. Sao họ lại có thể làm “khủng” và đẹp thế nhỉ? Sao mỗi sự kiện và tổ chức trong game lại khoa học và thu hút đến vậy. Có lẽ bởi nền công nghiệp phim và game của họ đi trước ta bao lâu rồi. Vì, họ sẵn sàng bỏ tiền của để đầu tư và mọi công việc tuân theo một tiêu chuẩn nhất định. Kết luận rằng muốn làm được như thế bây giờ chỉ có một cách là thời gian mà thôi. Cần chơi nhiều game và quan sát những người khác chơi game. Làm như vậy sẽ giúp mình thấy được những khía cạnh nào của game thu hút người chơi. Để từ đó, sẽ rút ra kinh nghiệm cho chính tác phẩm của mình” – Khải tiết lộ. Vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp ở FPT – Arena, chàng trai 26 tuổi này đang tạo lập những nền tảng ban đầu cho ước mơ sáng tạo một dòng game mang riêng nét Việt tại công ty 3D Brigade.
Game hiện vẫn chưa là thú giải trí ưa thích của đa số phụ nữ nhưng điều đó không có nghĩa là giới “liễu yếu đào tơ” không quan tâm đến ngành nghề hấp dẫn này. Họ- các nữ game thủ đủ tự tin thách đấu với các “đồng nghiệp” nam. “Chả bao giờ thấy chán, với mình công việc thiết kế luôn là đam mê không ngừng nghỉ. Mình luôn trăn trở và mong muốn có một dòng game của riêng giới trẻ Việt…”, Phạm Thanh Bình – một trong số ít “phái đẹp” đang xông xáo trong thiết kế game tâm sự.
Nhiều cơ hội mở
Lê Quang Khải, designer của 3D Brigade cho biết: “Nghề thiết kế game ở Việt Nam không lâu nữa sẽ phát triển. Năng lực của chúng ta không phải là yếu so với các nước trên thế giới mà là do chưa có một sự đầu tư mạnh tay! Tuy thế, ở nước ta lại chưa hề có một trường đại học nào đào tạo chuyên ngành game, nhưng riêng ở FPT-Arena đã có giáo trình đào tạo rất chuyên nghiệp về chuyên ngành 3D, trong đó có game. Thực sự, khi ra trường mình đã có một hành trang tốt cả về lý thuyết và thực hành. Mình nghĩ nên nhân rộng mô hình đào tạo này với một chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thiết kế”!
Quả vậy, các công ty Việt Nam hiện chỉ mới dừng ở công đoạn gia công theo kịch bản dựng sẵn từ nước ngoài. Còn âm thầm trong những ngôi nhà, vào ban đêm, với chiếc máy tính đủ để thiết kế đồ họa, nhiều người trẻ đang ấp ủ một dòng game Việt.
"Cho dù ngành này đào tạo chưa bài bản; nhiều nhà đầu tư chỉ mới dòm ngó chứ chưa dám mạnh tay đầu tư vào nhân lực, nhưng cơ hội tìm kiếm việc làm hiện vẫn rất lớn. Có thể nói các bạn trẻ không phải lo về đầu ra trong nghề này. Công ty chúng tôi làm về gia công game. Công việc không bao giờ hết, các hãng game lớn đều đặt hàng ở đây, các hợp đồng đã được đăng ký đến tận năm 2010. Đây là một cơ hội việc làm rất tốt! Các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, năng động, yêu công nghệ và có nhiều điều kiện làm việc. Tôi thấy họ có nhiều khả năng và ham học hỏi. Chỉ có điều chúng ta phải chỉ cho họ đi đúng đường và có sự đãi ngộ hợp lý. Sự sắp xếp công việc đúng năng lực và sở trường cũng là một yếu tố để khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê của người trẻ. Tôi luôn hi vọng trong một, hai năm tới, các bạn trẻ sẽ làm cho thiết kế game 3D Việt Nam khởi sắc và có thể cạnh tranh được với phim của các nước khác, ít nhất là trong khu vực", ông Nguyễn Hà Bắc (đạo diễn kiêm giám đốc mỹ thuật của Công ty 3D Brigade) cho biết.
Khi gặp phải môt game “cực chuối” có bao giờ bạn thốt lên: “Mình làm còn khá hơn”? Hoặc có khi nào vừa chơi xong một game “đỉnh của đỉnh”, đến nỗi bạn mơ mộng rằng sẽ thật tuyệt vời nếu chính tên bạn gắn liền với tác phẩm tuyệt vời đó? Nhiều game thủ cũng có những suy nghĩ tương tự bạn. Họ chơi game, ngưỡng mộ game và mơ ước mình trở thành người có thể sáng tạo ra những game như vậy.
Bạn thì sao?