Thời của giảng viên đại học

Lượt xem: 19,605

Tính từ năm 2007 đến đầu 2008, cả nước có thêm gần 40 trường đại học mới thành lập hoặc được nâng cấp từ trường cao đẳng lên. Và chỉ trong hai năm 2005 - 2007, số trường đại học, cao đẳng mới tăng thêm 97 trường.

Trong khi đó, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu giảng dạy chưa được chuẩn bị đến nơi đến chốn khiến các trường thiếu giáo viên trầm trọng “Trường nhiều như thế không biết lấy đâu ra người dạy”, GS. Phạm Phụ nhận xét như thế và làm một phép tính nhỏ mang tính cảnh báo như sau: cả nước hiện có khoảng 1,5 triệu sinh viên và trên 53.000 giảng viên, bình quân tỷ lệ 28:1, đây là tỷ lệ khá cao so với chuẩn chung 20:1.

Với mục tiêu đến năm 2020 tăng quy mô sinh viên lên từ 4,3 - 4,5 triệu thì cả nước phải cần thêm ít nhất 220.000 giảng viên. Trung bình mỗi năm Nhà nước phải cho ra đời trên 12.000 giảng viên mới mong có đủ người lấp đầy bục giảng của các trường đại học - cao đẳng.

Ông nói: “Cho thành lập nhiều trường đại học mới, đặc biệt là các trường đại học ở tỉnh nhưng lại không có sự chuẩn bị về đội ngũ. Đa số các trường tư thục mới thành lập lại dùng chính những ông thầy từ những trường công lập”.

Thật vậy, nhiều trường đại học - cao đẳng mới đang khá chật vật trong việc tìm kiếm giảng viên có trình độ sau đại học, nhất là với những trường mới thành lập ở các tỉnh.

Chi phí mời giảng viên về dạy khá lớn, mọi khoản đưa đón, đi lại, ăn ở, chi tiêu của thầy đều do trường gánh chịu.

Ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Đại học Tiền Giang cho hay: “Mỗi năm, Đại học Tiền Giang phải thỉnh giảng từ 30 - 40 giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chủ yếu từ các trường ở Tp.HCM nên chi phí rất lớn. Định mức cho một giờ dạy của đội ngũ này thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với chi phí mình phải trả cho địa phương”.

Nhiều người cho rằng đây là “thời” của giảng viên đại học - cao đẳng. Chưa bao giờ giảng viên đại học trở nên đắt giá như lúc này, đặc biệt là những người có chút tiếng tăm.

Thông thường, giảng viên giữ một chân biên chế ở một trường đại học nào đó (phần lớn là công lập) sau khi dạy hết định mức, số giờ dư ra thay vì dành cho nghiên cứu, viết các bài báo khoa học, họ dành để chạy sô không chỉ một mà cùng lúc 2 - 3 trường đại học - cao đẳng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, giảng viên Đại học Nông lâm Tp.HCM cho biết: “Nếu lúc trước, các trường ấn định thời khoá biểu rồi các giảng viên cứ theo đó mà sắp xếp giờ dạy. Bây giờ thì ngược lại, các trường phải lên thời khoá biểu cho sinh viên theo lịch của thầy, giảng viên rỗi giờ nào, cho sinh viên học vào giờ ấy”.

Vì thế mới có chuyện sinh viên học ca ba hoặc học một môn liền tù tì suốt một tuần sáng chiều, rồi thi luôn để thầy kịp ôm bài về thành phố chấm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, trường đại học mới phải đáp ứng được yêu cầu có ít nhất 30% giảng viên cơ hữu. Nhưng rất ít trường nào làm được điều này. Theo thông tin chúng tôi có được, danh sách giảng viên trong các đề án thành lập trường phần lớn đều là “vay mượn”.

Ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM nói vui: “Nếu bộ cất công rà soát, có thể phát hiện ra nhiều trường hợp một ông cùng lúc có thể cơ hữu đến 2 – 3 trường”.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Tp.HCM cho biết đã có một số trường tỉnh đặt vấn đề với trường này trong việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ theo đơn đặt hàng của địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc chuẩn đầu vào của đối tượng này cũng phải gia giảm làm sao đó để phù hợp với trình độ người thi.

Các thầy lo chạy sô, không có thời gian nghiên cứu bổ sung, cập nhật kiến thức, lại được đào tạo theo hình thức “gia giảm”, nên có lẽ còn lâu lắm mới có hy vọng chất lượng đào tạo giáo dục đại học - cao đẳng của Việt Nam được quốc tế công nhận.

Bài viết khác

Interior Design là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng - nội thất. Vậy Interior Design là gì? Hãy tìm hiểu qua bài viết của CareerViet nhé!

Xem thêm

Nhân sự là gì? Cùng khám phá ngay khái niệm nhân sự, việc làm nhân sự, tiền lương và tính cách phù hợp để trở thành chuyên viên nhân sự nhé!

Xem thêm

PR là gì? Hay PR là viết tắt của từ gì? Vai trò và các loại hình PR phổ biến hiện nay? Cùng CareerViet tham khảo ngay qua bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!

Xem thêm

Bạn muốn tìm hiểu về ngành Animation? Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về animation là gì, từ định nghĩa cơ bản đến những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.

Xem thêm

Mockup là cầu nối giữa ý tưởng và thực tế. Tìm hiểu mockup là gì, vai trò của mockup trong thiết kết tại sao mockup lại là công cụ không thể thiếu của designers

Xem thêm

Luật hấp dẫn là gì? Cách sử dụng và ứng dụng luật hấp dẫn thu hút tiền bạc, tình yêu đặc biệt là công việc. Click để xem ngay bài viết sau!

Xem thêm
Gửi tôi việc làm tương tự
Tạo ngay