Thổi phồng CV: nên hay không nên?
Lượt xem: 16,734CV là công cụ để quảng bá bản thân, là nơi để bạn thể hiện với nhà tuyển dụng những kinh nghiệm, bằng cấp tốt nhất của bạn. Và điều đó có nghĩa là trong số vô vàn thông tin về mình, bạn phải lựa chọn những thông tin thật tiêu biểu và nổi bật nhất, đôi khi bạn có thể sử dụng một chút mánh khóe để làm tăng giá trị cho mình.
Tuy nhiên, đó không có nghĩa là bạn nên phóng đại và khuếch trương kinh nghiệm và bằng cấp của mình. Nghiên cứu mới nhất bởi một tổ chức có tên Society for Human Resource Management đã chỉ ra rằng, 96% nhà tuyển dụng đều có thể kiểm tra chính xác những thông tin của các ứng viên. Hơn một nửa trong số đó nói rằng đôi khi họ còn tìm thấy sự đối lập trong chính những thông tin mà các ứng viên cung cấp.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, những lỗi không trung thực phổ biến của các ứng viên khi viết trong CV thường là:
- Vị trí công việc thổi phồng.
- Ngày tháng liên quan đến công việc không rõ ràng để hi vọng lấp liếm được khoảng thời gian thất nghiệp.
- Mới hoàn thành được một nửa bằng cấp nhưng cho đó là bằng đã được cấp, bằng mua, bằng giả sử dụng để đánh lừa nhà tuyển dụng.
- Thổi phồng mức lương trước đây.
- Thổi phồng thành quả đã đạt được.
- Nói dối đã giữ những vai trò và nhiệm vụ đặc biệt.
Nhớ rằng, nhà tuyển dụng đều có thể dễ dàng nhận ra những thông tin sai sự thật đó. Và tất nhiên, hồ sơ xin việc của bạn sẽ bị “out”. Vì thế bạn nên biết:
1. BẠN KHÔNG THỂ thay đổi ngày tháng trong quá trình công tác
Nếu trước đây, bạn có một khoảng thời gian thất nghiệp thì cũng không nên sửa đổi ngày tháng trong quá trình công tác của mình để mong rằng có thể lấp liếm khoảng thời gian này bởi nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ kiểm tra lại những thông tin đó. Do đó, cách tốt nhất là hãy để trống.
2. BẠN CÓ THỂ thay đổi tên vị trí công việc
Nếu trong bảng thông báo, công ty không nói rõ tên của vị trí cần tuyển thì bạn có thể sử dụng một cái tên khác tương đương với vị trí đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nhà tuyển dụng chấp nhận một cái tên công việc được thổi phồng với hàm ý bạn có nhiều trách nhiệm hơn thực tế bạn đã làm. Chẳng hạn bạn không thể thay đổi từ một trợ lý giám đốc sang giám đốc và cũng tương tự như vậy, nếu bạn đang làm ở bộ phận có liên quan đến mua bán thì bạn cũng không thể viết rằng mình làm marketing.
3. BẠN KHÔNG THỂ gửi một bằng cấp không liên quan
Trong quá trình học, chắc chắn bạn sẽ có những hoạt động hoặc các khóa học chuyên nghiệp nhưng đó không phải là bằng cấp, đó chỉ là những kinh nghiệm của bạn mà thôi. Cũng tương tự như vậy, bạn không thể thay đổi từ bằng cấp chuyên ngành Hóa sang kinh doanh được.
4. BẠN CÓ THỂ bỏ qua những công việc không liên quan
Nếu bạn giải thích được lý do cho khoảng thời gian để trống của mình thì bạn không phải đề cập đến chúng. Và bạn cũng không cần phải liệt kê tất cả những công việc mà bạn đã từng làm trong suốt 25 năm qua. Hãy chú trọng đến những kinh nghiệm gần nhất và có liên quan đến công việc hiện tại.
5. BẠN KHÔNG THỂ “qua mắt” được nhà tuyển dụng nếu công ty cũ của bạn làm ăn đi xuống
Một số ứng viên nghĩ rằng họ có thể ghi bất cứ thông tin nào về công ty cũ trong CV khi mà họ không tiếp tục làm nữa. Không nên. Nhớ rằng, nhà tuyển dụng có thể kiểm chứng điều này một cách đơn giản qua mạng Internet và qua các đồng nghiệp của họ.