Thôi việc - "Lúc kết thúc cũng là lúc bắt đầu"
Lượt xem: 26,242Rời công ty vì bất cứ lý do nào cũng chưa phải là dấu chấm hết. Bạn cần cư xử thế nào để có thể tươi cười khi gặp lại sếp và đồng nghiệp cũ?
Phía sau hai từ "nghỉ việc" còn rất nhiều vấn đề. Nguyên nhân của những cuộc ra đi ấy có thể xuất phát từ sự tự nguyện như: kết hôn, tìm được chỗ làm "ngon" hơn hoặc do mâu thuẫn với đồng nghiệp, bị cho thôi việc... Dù là lí do nào, ngày cuối cùng ở công ty cũng không mấy dễ chịu đối với những người sắp trở thành "cựu nhân viên".
Một số người tỏ thái độ khinh miệt hay cố ra dáng cao ngạo khi ra đi. Điều đó có thể gây nên sự bất bình từ phía đồng nghiệp cũ.
Ngày làm việc cuối cùng và những điều cần làm
Quan hệ xã hội là một nguồn vốn quý giá mà chúng ta cần xây dựng và giữ gìn. Chính vì thế, nghỉ việc không đồng nghĩa với hành động đặt dấu chấm hết cho các mối quan hệ ở chỗ làm cũ. Tuy nhiên, một số người không giữ được sự sáng suốt trong ngày làm việc cuối. Họ có xu hướng "xả" hết ấm ức giữ trong lòng bấy lâu. Điều này có thể tạo nên hình ảnh xấu trong mắt người ở lại.
Những kinh nghiệm ứng xử dưới đây có thể giúp ngày cuối cùng của bạn ý nghĩa hơn và để lại ấn tượng đẹp đối với mọi người:
- "Lời chào cao hơn mâm cỗ", đừng quên chào từ biệt sếp và tất cả đồng nghiệp. Đó là phép lịch sự tối thiểu.
- Dọn dẹp bàn làm việc và chia tặng văn phòng phẩm. Đồ bấm kim, cây bút có dán tên bạn sẽ nhắc mọi người nhớ rằng họ từng có một đồng nghiệp dễ thương như thế.
- Bàn giao công việc. Đây là điều quan trọng, thể hiện thái độ làm việc chuyên nghiệp của bạn. Hãy ghi chú những việc đang làm dở, thông tin cấp trên cần biết và bàn giao cho người thay thế.
Nếu chữ ký của bạn có liên quan đến tài chính công ty, cần phải hoàn tất những giấy tờ tồn đọng.
- Trường hợp bạn có mâu thuẫn với sếp hoặc đồng nghiệp, hãy giải tỏa căng thẳng trước khi ra đi.
- Thông báo với mọi người: "Tôi mở điện thoại suốt. Nếu cần hỏi những việc có liên quan đến tôi, cứ gọi". Mọi người sẽ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của bạn.
- Bạn có thể cảm ơn thay cho lời tạm biệt. Hãy nói những câu như: "Tôi đã học được rất nhiều ở đây", "Cảm ơn mọi người đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua"... Sếp và đồng nghiệp của bạn sẽ cảm thấy thật dễ chịu khi nghe những lời này.
Hãy tạo cho mình sự khởi đầu mới
Cư xử đẹp khi ra đi, bạn sẽ được rất nhiều. Cấp trên và đồng nghiệp cũ sẽ nói tốt về bạn khi công ty mới cần tìm hiểu. Họ cũng có thể giới thiệu cho bạn chỗ làm khác.
Người khéo léo sẽ biết cách biến cuộc ra đi của mình thành sự khởi đầu cho những trang mới của sự nghiệp và quan hệ xã hội. Chính vì thế, bạn cần tránh các điều sau:
- Ra đi trong im lặng: Ngày cuối cùng, bạn lĩnh lương rồi biến mất không một lời từ biệt. Hành động này vừa thiếu lịch sự, vừa khiến mọi người chóng quên bạn.
- Tranh cãi với cấp trên: Nếu bạn không muốn họ "triệt tiêu" đường sang công ty khác của mình, đừng cư xử dại dột như thế.
- Ra vẻ "Ta đây cóc cần": Có thể tự ái của bạn được vuốt ve nhất thời. Thế nhưng, ấn tượng của bạn với người ở lại chỉ là sự thất vọng.