Thương lượng với doanh nhân Hàn
Lượt xem: 13,109
Đừng bao giờ lầm tưởng về vẻ ngoài hiện đại của Hàn Quốc mà cho rằng họ đã Tây phương hóa. Các giá trị truyền thống đã ăn sâu vào tâm tưởng người Hàn nên họ vẫn còn giữ nhiều nề nếp cũ. Giới lãnh đạo trẻ thì tuân theo xu thế toàn cầu nhiều hơn.
Bối cảnh lịch sử
Korea có một tên cổ là Choson, hàm nghĩa: vùng đất của sự tĩnh lặng ban mai. Lịch sử Korea trải qua ba triều đại chính: triều đại Silla (668-935), triều đại Koryo (935-1392) và Yi (1392-1910). Tên Korea lấy theo tên triều đại Koryo.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Korea luôn bị tác động bởi các thế lực bên ngoài như Mông Cổ, phong kiến Trung Hoa, quân phiệt Nhật; họ bao giờ cũng tìm cách cô lập Korea đến nỗi vùng đất này cón có một biệt danh là Vương quốc của những ẩn sĩ (Hermit Kingdom).
Dân tộc tính rất cao của người Hàn cũng là một yếu tố cần chú ý. Năm 1910, quân phiệt Nhật sáp nhập Korea vào Nhật. Sau đệ nhị thế chiến, Korea bị chia thành hai miền Nam - Bắc. Năm 1950 diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, kết thúc năm 1953. Từ đó, vùng phía Nam vĩ tuyến 38 gọi là Hàn Quốc, phía Bắc gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Đứng đầu Nhà nước Hàn Quốc là tổng thống được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Đứng đầu chính phủ là thủ tướng. Quốc hội gồm một viện với 299 ghế đại biểu, nhiệm kỳ 4 năm.
Định vị văn hóa
Trong thương lượng, điều gì được xem là quan trọng? Ngay từ khi bắt đầu, cần chú ý gây ảnh hưởng tâm lý nơi đối tác Hàn Quốc, bởi người Hàn thường rất xem trọng trực cảm của họ về một ai đó hay một vấn đề gì đó. Dân tộc tính rất cao của người Hàn cũng là một yếu tố cần chú ý. Tuy vậy, đừng vì các yếu tố tâm lý đó mà quên trưng ra đầy đủ các số liệu, dữ kiện khách quan để dẫn chứng cho vấn đề cần thương lượng.
Họ xử sự theo chuẩn mực nào? Khổng giáo có ảnh hưởng sâu nặng trong xã hội này. Chính danh, định phận, tôn ti trật tự… là những chuẩn mực không được quên.
Họ quyết định trong hoàn cảnh nào? Trong một cội rễ văn hóa nặng tính cộng đồng này, quyết định thường phải đạt được sự nhất trí của cả nhóm, một cá nhân chỉ phát biểu thay mặt cho cả nhóm, trong đó, có dành phần quyết định cho cá nhân có địa vị cao nhất, thường là các bậc cao niên. Đặc tính trung thành với họ tộc rất cao trong người Hàn, sau đó mới đến bạn bè, quốc gia…
Điều tạo ra sự yên tâm: Gia đình là hạt nhân của mọi hoạt động, nên luôn là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của người Hàn. Đạo đức trong lao động luôn được đòi hỏi cao nên họ phải làm việc cực giỏi và cần cù mới cảm thấy được thoải mái và tôn trọng, ngược lại sẽ là sự bất ổn và bị xem thường. Tình bạn cũng rất được xem trọng, bạn bè thường xuyên gặp gỡ nhau, tình bạn này thường kéo dài suốt đời (có lẽ theo kiểu anh em kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu, Quan, Trương trong Tam Quốc chăng?).
Quan niệm về bình đẳng: Trong công việc, để tìm được sự bình đẳng, cần nắm vững kỹ thuật nghề nghiệp và có tinh thần đồng đội. Trong xã hội, do tính thuần chủng của xã hội, người Hàn thường tin cậy người Hàn hơn. Người lớn tuổi bao giờ cũng được xem trọng. Nữ quyền đang được củng cố theo xu hướng hiện đại, nhưng dù sao, đây cũng là một xã hội còn chi phối bởi nam giới.
Những lời khuyên thực tiễn trong thương lượng
- Trong các cuộc họp, nên dành ít thời gian đàm đạo thân tình với đối tác người Hàn. Lần gặp gỡ đầu tiên nên dành hết cho việc này vì đây là cách để tìm hiểu nhau. Đừng đi ngay vào công việc.
- Đừng bao giờ lầm tưởng về vẻ ngoài hiện đại của Hàn Quốc mà cho rằng họ đã Tây phương hóa. Các giá trị truyền thống đã ăn sâu vào tâm tưởng người Hàn nên họ vẫn còn giữ nhiều nề nếp cũ. Giới lãnh đạo trẻ thì tuân theo xu thế toàn cầu nhiều hơn.
- Tìm hiểu thật kỹ về địa vị, tuổi tác của nhóm đối tác Hàn để đối xử cho đúng mực với từng người. Sự nhầm lẫn về địa vị sẽ gây bối rối và trở ngại cho cả hai bên. Đừng bao giờ quên rằng: địa vị là vô cùng quan trọng đối với người Hàn.
- Thương lượng ở Hàn Quốc mang nhiều dấu ấn cảm xúc hơn là lôgic theo kiểu phương Tây, do vậy, đừng nhấn mạnh quá đáng đến lời lỗ, thời hạn phải dứt điểm… Sự tin cậy và tương thích với nhau mới là quan trọng. Cũng cần chuẩn bị đón nhận cả tình huống có sự "bùng nổ" cảm xúc, như: nóng giận hoặc thất vọng ra mặt của đối tác người Hàn. Giữ trầm tĩnh lúc này là hữu ích nhất.
- Khi đối tác im lặng thường là do họ chưa hiểu câu nói của bạn, đừng bao giờ hỏi họ có hiểu không, mà hãy nói lại một lần nữa ý đó với một cấu trúc đơn giản hơn.
- Người Hàn thường cúi chào khi gặp và khi chia tay. Nếu lần cúi chào khi chia tay dài hơn lần gặp thì đó là dấu hiệu của một cuộc gặp thành công.
- Đừng bao giờ ký một hợp đồng hay ghi tên một ai đó bằng mực đỏ. Mực đỏ chỉ dùng để viết tên người đã quá cố.