Tiền dễ, quyền khó
Lượt xem: 13,752
Một nhân viên bán hàng nếu có quyết tâm, có thể sẽ làm giám đốc kinh doanh |
Một nhân viên bán hàng tốt chưa chắc là một quản lý tốt. Đạt doanh số cao không là yếu tố quyết định đến việc được đề bạt lên chức.
Say tiền chán chức
Chỉ những ai trong nghề mới hiểu hết được những khó khăn, vất vả của những ngày đầu chập chững bước vào nghề sales. Có người tốt nghiệp với tấm bằng đại học hẳn hoi vẫn phải ngày ngày bôn ba trên mọi ngả đường để giao hàng cho các đại lý, thường được gọi là nhân viên kinh doanh. Tiếp xúc với khói bụi, nắng gió không làm họ nản lòng bằng những cái lắc đầu đầy khó chịu của khách hàng, chưa kể những lúc phải chực chờ để nhận tiền hoặc tâm trạng mặc cảm với mọi người về công việc quá tầm thường của mình.
Nhiều người đã "bỏ của chạy lấy người" chỉ sau vài ngày thử sức vì không chịu nổi những vất vả và không đảm bảo doanh số được giao. Một số người sau nhiều năm bám trụ làm việc vẫn ở vị trí nhân viên dù họ có đủ điều kiện để đảm nhận chức vụ cao hơn. Bên cạnh lý do không đủ tầm để đảm nhận các vị trí quản lý, nhiều nhân viên kinh doanh vì muốn thể hiện tính độc lập của mình trong công việc, không thích bị gò bó, và có khi thu nhập còn cao hơn cả giám đốc nên họ không nghĩ đến chuyện thăng tiến. Tuy nhiên, nếu được trang bị thêm một số kiến thức, kỹ năng nâng cao như quản lý nhân sự, kinh doanh, tài chính..., người có kinh nghiệm bán hàng lại có lợi thế hơn hẳn những người khác vì đã có sẵn nền tảng về kỹ năng giao tiếp, thương lượng tốt, nắm bắt nhanh nhạy tâm lý khách hàng và xu hướng thị trường, cũng như có sẵn mạng lưới các mối quan hệ rộng rãi.
Có tầm, có chức
Thông thường quá trình thăng tiến sẽ đi theo từng bước từ nhân viên đến giám sát bán hàng, rồi sau đó mới đến giám đốc bán hàng cho từng khu vực và toàn quốc. Một quản lý về kinh doanh cũng cần phải biết xây dựng và thực hiện tốt triết lý, phương châm của công ty. Ví dụ, Công ty liên doanh Tôn Phương Nam dùng nhân sự phụ trách kinh doanh đòi hỏi phải kiêm luôn tiếp thị để có thể tạo kênh thông tin chắc chắn và ổn định từ nhu cầu khách hàng, thị trường, đối thủ. Đó là những thông tin rất cần thiết để ra các quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Đặng Huy Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Tôn Phương Nam, phụ trách kinh doanh, cho biết: "Trong lĩnh vực bán hàng Công ty liên doanh Tôn Phương Nam luôn thực hiện theo phương châm "Khách hàng không những là thượng đế mà khách hàng còn là ân nhân". Toàn bộ hoạt động của công ty luôn hướng về khách hàng nhằm đáp ứng và thỏa mãn những yêu cầu chính đáng của khách hàng. Nhân viên luôn tận tình hướng dẫn, phục vụ khách hàng không kể thời gian. Thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng và bảo quản sản phẩm cho khách hàng. Cung cấp cho khách hàng đúng những gì đã cam kết: giao hàng đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng giá thành đã xác nhận...".
Bên cạnh đó, nghệ thuật giao tiếp cũng không thể thiếu khi muốn tiến đến vị trí cao hơn. Bàn về vấn đề này, một thành viên trên diễn đàn nghề nghiệp www.jobviet.com chia sẻ: "Trong kinh doanh, giao tiếp đóng một vai trò quan trọng và nhiều khi còn quyết định sự thành công của một thương vụ, buổi gặp mặt, đàm phán... Nhiều người vẫn đơn giản nghĩ rằng nghệ thuật giao tiếp là nghệ thuật ăn nói. Thực ra, giao tiếp bao gồm rất nhiều khía cạnh: ngoại hình, phong thái, ngôn ngữ, cử chỉ, nghệ thuật ăn uống, cách xử sự trong nhiều tình huống khác nhau và những đối tượng khác nhau...". Anh Ngô Đình Đức, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty L & A cũng xem trọng việc trang bị thêm kiến thức và mở rộng tầm nhìn: "Hôm nay là Trưởng phòng Kinh doanh ở lĩnh vực này nhưng ngày mai có thể là một nhân viên bình thường ở lĩnh vực khác, vì nghề bán hàng đòi hỏi phải am tường lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ của mình. Điều quan trọng là phải biết lập cho mình mục tiêu phấn đấu, học hỏi thêm kiến thức, thức thời với những biến động của thị trường, nhiệt huyết với nghề... thì sẽ tìm được cơ hội thăng tiến cho mình".