"Tiếp thị" kỹ năng trong thực tập
Lượt xem: 13,493Hầu hết các bạn học sinh, sinh viên, ai cũng phải trải qua một kỳ thực tập tại một công ty nào đó trước khi thực sự bước vào con đường nghề nghiệp. Nếu biết cách “tiếp thị” kỹ năng của mình, dù ở bất kỳ công ty nào, bạn cũng sẽ có được một hứa hẹn tiềm tàng về công việc tương lai.
Hiện nay, nhiều công ty trên thế giới đang có trào lưu tuyển dụng, huấn luyện từ nguồn thực tập sinh để tiết kiệm chi phí và để nhân viên phù hợp với form văn hóa của công ty mình. Vậy các công ty đòi hỏi gì ở người thực tập?
1. Học lực khá
Không có học lực tốt, việc tiếp thu kiến thức từ công ty sẽ bị hạn chế, điều này thể hiện ngay từ đề tại thực tập của bạn. Hãy “tiếp thị” ngay từ khâu ý tưởng. Ý tưởng sáng giá luôn được săn đón. Công ty thực phẩm Kinh Đô chỉ nhận thực tập sinh với điều kiện: “Học lực khá, đề tài của ứng viên được công ty chấp nhận”.
2. Tính kiên nhẫn, “cảnh giác” với các đòn cân não
Mới năm thứ 3 nhưng Thanh Thảo, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Dân lập Tôn Đức Thắng, TP.HCM đã chuẩn bị chỗ thực tập đâu vào đấy. Cô thường xuyên tiếp cận các công ty trong những ngày hội việc làm và cô đã tìm được chỗ thực tập với lý do: “Tính kiên nhẫn đã giúp em có cơ hội”.
Nhưng cô sinh viên này lại không tận dụng được cơ hội của mình. Suốt tuần đầu đi làm, Thảo chỉ được chị phụ trách cho đi “rót nước, pha trà”. Sau gần hai tháng thờ ơ với công ty vì cho rằng không được phân công đúng chuyên ngành, Thảo nhận được giấy nhận xét kết quả thực tập không đạt. Trong khi đó, bạn bè Thảo nhiều người được tuyển chính thức vào công ty dù học lực họ không bằng cô.
Bạn không bao giờ có thể hoàn thành công việc xuất sắc nếu thiếu tính kiên nhẫn. Hãy cảnh giác, trên 80% công ty dùng đòn này để biết tính cách của bạn đấy.
3. Tình nguyện làm những việc trái chuyên môn
“Làm thế nào để được đồng nghiệp hỗ trợ? Làm thế nào để chứng tỏ năng lực của mình trong quá trình thực tập?” là những câu hỏi được bạn trẻ rất quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc công ty Hùng Minh khi mới tốt nghiệp đại học đã chấp nhận làm việc ở vị trí công nhân. “Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại làm ở vị trí ấy. Tại đây, tôi làm bất cứ việc gì được giao và tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Khi làm công nhân, tôi càng hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của người lao động. Giờ đây khi đã làm quản lý, tôi mới thấy những tháng ngày làm công nhân đã mang lại những hiểu biết cực kỳ quý báu cho mình”.
4. Quan sát
Đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Hãy quan sát những nhân viên khác xem họ làm thế nào, tại sao họ làm vậy. Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, công ty Tân Hiệp Phát, “biết quan sát cách làm việc của nhân viên khác, biết đặt câu hỏi khi gặp khó khăn trong công việc sẽ giúp bạn làm việc đúng quy trình, quy định của công ty”.
Người sáng lập của Honda, nhờ biết quan sát nhu cầu của khách hàng mà trong khi giao báo đã bán được cả radio, một mặt hàng xa xỉ lúc bấy giờ.