'Tiểu xảo' giúp bạn dễ dàng thăng tiến hơn
Lượt xem: 15,422Thăng tiến trong sự nghiệp là điều hầu hết chúng ta đều mong đợi khi đặt chân vào thị trường việc làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có được những vị trí phù hợp, được sếp đánh giá cao và có cơ hội thăng tiến nhanh.
Thực tế, đa số các công ty đều có quy định riêng về thời điểm xem xét tăng lương, đề bạt cho nhân viên lên nắm giữ những vị trí cấp cao hơn. Theo phân tích của Linkedln, tại Mỹ, tháng Giêng, tháng 6, tháng 7 là những thời điểm phổ biến nhất trong năm để đưa đến cho người lao động cơ hội thăng tiến. Ở nhiều nước khác trên thế giới, thời điểm này thường rơi vào khoảng tháng Giêng, tháng 7 và tháng 9.
Ảnh minh họa |
Lý giải điều này, Roy Cohen - một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp và là đồng tác giả cuốn sách "The Wall Street Survival" cho rằng: "Không có gì đáng ngạc nhiên về những thời điểm này. Tại Mỹ, thời điểm thăng tiến thường dựa vào chu kỳ hoạch toán ngân sách và sau các kỳ lễ lớn. Tháng một là thời điểm khởi đầu cho một năm dương lịch mới với nhiều may mắn và tổng kết những việc đã làm trong một năm qua. Tháng 7 đã là giữa năm và nhiều nơi chọn thời điểm này để đánh giá lại nhân sự".
Tất nhiên, sự chênh lệch giữa các tháng là không thể tránh khỏi. Ví dụ, trong năm 1990, 22% người lao động nhận được cơ hội thăng tiến vào tháng Giêng nhưng những thập kỷ gần đây, con số này giảm đi 16%.
Có 2 hình thức để thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Một là bạn được đề bạt thay thế vị trí của một người quản lý sắp về hưu, điều này giống như một nguyên tắc bất di bất dịch "sống lâu lên lão làng". Thứ hai là cơ hội đến khi bạn có bước đột phá trong công việc, có thể là ý tưởng mới giúp công ty thoát khỏi tình trạng khó khăn hay đưa hiệu quả kinh doanh tăng đột biến...
Tất nhiên, khi công ty của bạn gặp khó khăn, cơ hội thăng tiến không dễ dàng tìm đến bạn. Ở những công ty như thế, bạn nên có sự nhạy cảm nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Thời điểm khó khăn cũng là cơ hội cho bạn tỏa sáng nhất là khi công ty đang có ý định cơ cấu lại nhân sự, một số người có thể bị sa thải thì bạn lại sẵn sàng gánh vác thêm việc với nhiều trọng trách mới.
Một trong những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn leo lên nấc thang sự nghiệp dễ dàng hơn:
Hoàn thành tốt công việc hiện tại
Đây gần như là yêu cầu hàng đầu nếu bạn thực sự mong muốn có cơ hội thăng tiến dù công việc hiện tại không phải là niềm đam mêm của bạn. Tuy nhiên, chẳng có gì thuyết phục hơn bằng việc hoàn thành tốt công việc hiện tại, với những thành quả hiện hữu khiến sếp và đồng nghiệp không thể không ghi nhận. Nếu bạn muốn vương lên vị trí cao hơn nhưng công việc hiện tại bạn còn chẳng thực hiện nổi thì thử hỏi ai dám giao cho bạn những trọng trách mới?
Hơn nữa, trong quá trình làm việc, bạn nên đề xuất những ý kiến sắc sảo để sếp nhìn nhận đúng năng lực của bạn. Nhưng đồng thời bạn cũng nên sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến phê bình có ý xây dựng, đừng vì tự ái cá nhân mà đánh mất hình ảnh chuyên nghiệp của mình.
Mối quan hệ tốt với nhân viên phòng nhân sự giúp bạn có cơ hội nắm bắt thông tin cơ cấu nhân sự của công ty - (Ảnh minh họa) |
Sẵn sàng nhận thêm việc ngoài chuyên môn
Nhiều khi công việc hiện tại cũng đủ để chiếm hết thời gian của bạn nhưng đây có thể xem như một chiến lược giúp bạn có cơ hội thăng tiến. Bạn sẽ được đánh giá cao hơn nếu nhiệt tình nhận thêm những công việc ngoài phạm vi của mình, chấp nhận vất vả thêm một chút. Tất nhiên, bạn phải hoàn thành tốt những công việc ngoài luồng này, nhất là khi trong công ty hay có sự ganh đua để có thêm công việc.
Tạo mối quan hệ tốt với phòng nhân sự
Đây cũng có thể xem là một "tiểu xảo" giúp bạn có thêm cơ hội thăng tiến nhưng không có nghĩa là bạn cố làm mọi cách để lấy lòng nhân sự. Nếu bạn có mối quan hệ thân thiết với các nhân viên phòng nhân sự, bạn có thể biết những thông tin về tổ chức nhân sự của công ty hoặc những thông tin quý báu về các khóa học đào tạo. Hãy để cho họ biết rằng bạn muốn gắn bó lâu dài với công ty.
Sự hòa đồng, cách cư xử lịch thiệp với đồng nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn thăng tiến - (Ảnh minh họa) |
Duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Hãy là cộng sự tốt với mọi người trong công ty, cư xử lịch thiệp, hòa nhã và sẵn sàng giúp đỡ họ. Bạn cũng nên khuyến khích mọi người trong công việc, đánh giá cao thành tích của người khác chứ đừng vì sự thăng tiến của cá nhân mà phủ nhận công lao của người khác.
Sẵn sàng là người kế nhiệm
Nếu chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cũng đang làm việc và tự thỏa mãn với những gì đang có, có thể bạn sẽ mãi chỉ làm công việc đó mà thôi. Cố gắng nâng cao kiến thức, kỹ năng và chia sẻ những kinh nghiệm của bạn để khi bạn nghỉ phép, bạn đề nghị người khác làm giúp công việc và hãy chỉ cho họ cách giải quyết tốt nhất. Như thế, dần dần người khác cũng tin tưởng, giao cho bạn công việc khi họ vắng mặt, thậm chí sẵn sàng chỉ định bạn là người kế nhiệm.
Chọn thời điểm thích hợp để đưa ra lời đề nghị
Nếu muốn đề nghị được thăng chức hay tăng lương, hãy lựa chọn thời gian thật thích hợp, đừng nôn nóng, vội vàng khiến sếp cảm thấy bạn đang rất muốn chuyển lên vị trí mới, bởi như thế, vô tình tạo nên ấn tượng không tốt với sếp.
Bạn không thể thăng tiến nếu chỉ dựa vào những giải thưởng, khả năng hay thâm niên. Nếu có một người khác được bổ nhiệm vào vị trí mà bạn mong muốn cho dù anh ta không bằng bạn thì cũng đừng phản ứng một cách tiêu cực. Điều đó không giúp ích gì cho bạn, thậm chí nó cho thấy bạn không phải là người xứng đáng với vị trí đó. Hãy giữ bình tĩnh, và có thể một vị trí tốt hơn đang được dành cho bạn, hoặc người đương nhiệm sẽ thất bại và bạn sẽ ngồi vào vị trí của anh ta.
Tập trung vào mục tiêu sự nghiệp lâu dài của bạn, tiếp tục những nỗ lực, tự tin vào khả năng của bạn, chắc chắn bạn sẽ được thăng tiến.