Tìm việc: Định hướng chưa rõ ràng
Lượt xem: 16,027Hành trình lựa chọn công việc phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của bản thân không hề dễ dàng với các bạn trẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều bạn vẫn loay hoay không biết chọn công việc gì.
Nguồn nhân lực trẻ đang bị hút vào các ngành nghề "hot" mà không tìm hiểu kỹ lưỡng công việc trước khi đăng ký. Không hiếm trường hợp vào đại học chỉ để vừa lòng bậc phụ huynh, học để lấy bằng rồi không biết làm gì với nó.
Trong một ngày hội tuyển dụng mới được tổ chức dành cho sinh viên, các bạn sinh viên rất phân vân khi điền vào dòng: vị trí mong muốn. Có bạn trong mỗi tờ đơn xin việc điền một vị trí khác nhau và rải hàng chục bộ hồ sơ như vậy.
Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thanh Hải, Phòng Nhân sự Ngân hàng SEAbank nhận xét: "Các bạn trẻ đã có định hướng nhưng chưa rõ ràng và logic. Còn lại, phần lớn chưa biết được họ đang mong muốn gì, đang ở đâu và phải đến đích như thế nào".
Nhiều bạn nhảy việc vì muốn được thử những công việc khác nhau do chưa có kinh nghiệm và định hướng khi còn đi học. Họ không đặt thu nhập là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn chỗ làm, đơn giản họ chỉ muốn được làm việc để xem mình có phù hợp không.
Khi chuyển sang một công việc mới, các bạn sẽ phải làm lại từ đầu. Với môi trường mới, khởi đầu với mức lương thử việc và tốn nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời: công việc có phù hợp với mình không?
Phùng Tiến Công, Giám đốc Công ty Intermedia nói: "Rời trường phổ thông, các bạn trẻ rất mông lung về định hướng nghề nghiệp. Học xong đại học, nhiều sinh viên mới đi tìm định hướng và kinh nghiệm làm việc. Thời gian học đại học sẽ rất lãng phí".
Người Việt trẻ năng động-Phùng Tiến Công đang hài lòng với công việc nhưng đối với anh tìm được bến đỗ không có nghĩa là dừng lại. Khi tìm thấy điều mới, cần tiếp tục theo đuổi. Theo kinh nghiệm quản lý nhân sự của Tiến Công, thu nhập chưa phải yếu tố quan trọng nhất.
Phùng Tiến Công cho biết: "Thu nhập trong công ty Intermedia chưa so sánh được với mặt bằng chung trong ngành CNTT. Nhưng tôi cố gắng tạo ra môi trường mới để các bạn trẻ thử sức và đem đến điều họ cần nhất: kinh nghiệm làm việc".
Mỗi công ty và nhân viên của mình đều có con đường phát triển riêng. Để đi đến bến đỗ, người lãnh đạo cần tìm ra điểm chung để hai con đường đến gần nhau hơn. Nếu không hòa hợp được với nhau, người lao động nên ra đi để tìm công việc phù hợp hơn với mình.
Phùng Tiến Công kết luận: "Tôi đã phải "vật vã" để tìm đến bến đỗ của công việc. Tôi rất say mê với công việc hiện tại, nhưng chưa chắc đã gắn bó suốt đời vì cần phải đặt ra mục tiêu phát triển cho sự nghiệp của mình".
Để biết mình phù hợp với công việc gì, các bạn sinh viên nên sắp xếp thời gian để kiếm việc làm thêm. Kinh nghiệm làm việc sẽ giúp rút ngắn thời gian cân nhắc chọn việc sau khi ra trường.