Tìm việc vừa ý hay tìm môi trường tốt?
Lượt xem: 13,001Các chuyên gia về việc làm cho rằng: nếu bạn đang cố tìm một công việc như ý thì hãy nên từ bỏ ý tưởng đó đi. Không có công việc như ý, chỉ có công ty phù hợp. Qua đó, bạn sẽ tìm được "hình ảnh" của công việc mà mình mong muốn. Quan tâm công việc ngay từ lúc phỏng vấn
Tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH KHXH - NV, Lan nuôi ước mơ có một chỗ làm trong một cơ quan văn hóa - thông tin. Hai năm không tìm được việc, Lan xin vào làm phát hành viên ở một nhà xuất bản, bây giờ cô đã trở thành biên tập viên ở đây. Cô nói: "Giờ đây có hàng ngàn bạn trẻ đang làm việc "trái tay", nhưng đừng nghĩ làm không đúng chuyên môn là không có cơ hội phát triển. Khi bạn và doanh nghiệp có tiếng nói chung, bạn sẽ hoàn toàn hài lòng với công việc của mình ở đó".
"Phỏng vấn là quá trình trao đổi hai chiều, từ đó nhà tuyển dụng biết được nguyện vọng và năng lực của bạn ra sao, có phù hợp với công ty hay không. Bạn cũng biết "bộ mặt" của công ty như thế nào. Tóm lại, qua cuộc phỏng vấn, đôi bên sẽ thể hiện được mình là ai để thực hiện mục đích cơ bản là cùng nhau hợp tác".
Lê Thái Duy, tốt nghiệp ĐH Kinh tế ngành marketing, ứng tuyển vào vị trí nhân viên phát triển thị trường tại một công ty thương mại - dịch vụ. Cuộc phỏng vấn được tiến hành chớp nhoáng, vì một bên cần việc và một bên cần người, Duy được nhận vào làm việc ngay. Suốt cả tháng trời, anh chỉ được phân công đi phát tờ bướm quảng cáo và giao nước uống tại nhà cho khách hàng. Chán nản, Duy nói: "Nếu biết được công việc sẽ làm là như thế này thì tôi đã không vào đây. Sai lầm là do khi dự phỏng vấn, tôi đã không quan tâm đến công việc cụ thể vì cứ nghĩ rằng "phát triển thị trường" thì gắn với ngành marketing đã học".
Nhận diện công việc càng cụ thể càng tốt
Điều bạn cần quan tâm tại cuộc phỏng vấn là sự mô tả công việc. Chức danh chỉ là một khái niệm chung, còn thực chất công việc là gì, bạn cần phải nhận diện nó càng cụ thể càng tốt để đi đến quyết định có chọn công việc hay không?
"Ở thời điểm giữa cuộc phỏng vấn, nếu nhận thấy công việc không phù hợp với mình, bạn sẽ có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục dự phỏng vấn hoặc là chủ động chấm dứt cuộc phỏng vấn một cách lịch sự".
Vậy trong trường hợp công việc thật sự phù hợp với mình thì phải làm như thế nào? Tốt nhất hãy bày tỏ sự hài lòng và quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng. Cần phải thể hiện kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành của bạn sẽ mang lại cho công ty nhiều lợi ích. Sự đóng góp của bạn chứng tỏ bạn là ứng viên giàu tiềm năng, bên cạnh công việc đó, bạn cũng có thể kiêm nhiệm tốt nhiều việc khác nữa. Khi trách nhiệm của bạn được mở rộng, đương nhiên quyền lợi của bạn cũng sẽ được nâng lên.
Chọn công việc hay chọn công ty?
Những kiến thức đã học được đem áp dụng ngay vào thực tiễn - đó là mong muốn của rất nhiều bạn trẻ. Công bằng mà nói, lý thuyết chưa đáp ứng được thực tiễn và nhiều khi xa rời thực tiễn, thậm chí giữa hai yếu tố này còn bị "lệch pha" nhau.
Tại một cuộc hội thảo việc làm, bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc nhân sự Công ty Bita’s - đã nói với các sinh viên mới ra trường: "Kiến thức chuyên môn của các bạn còn rất nhỏ bé so với thực tiễn. Công việc sẽ dạy thêm cho các bạn. Công ty cũng có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện thêm cho các bạn".