Tình huống trong phỏng vấn tuyển dụng
Lượt xem: 32,552Dở khóc dở cười, Hồng Thu kể về chuyện cô đã trang điểm rất xinh để đi phỏng vấn tìm việc ở một công ty tại TPHCM. Gặp anh giám đốc trẻ, vừa chào đã thấy mặt anh ấy nhăn lại. "Em là Hồng Thu, cử nhân Marketing?"- anh ta hắng giọng rồi hỏi nhát gừng vài câu, sau đó tuyên bố: "Em có chất giọng anh không thích. Nên trầm một chút thì dễ nghe hơn. Hy vọng có dịp nào đó anh em mình gặp lại nhau".
Hóa ra là bởi Thu có giọng nói hơi "chanh" một chút. “Đau” không thể tưởng, bằng tốt nghiệp loại giỏi chói ngời thế anh ta lại đi "đánh" vào chất giọng!
Hiện cũng có nhiều "sếp" chỉ cần nghe giọng ứng viên qua điện thoại là "chấm" ngay. Coi như ứng viên qua vòng "sơ tuyển". Phần còn lại phụ thuộc vào những yếu tố về chuyên môn, phong cách, cá tính... Đôi khi bằng cấp không quan trọng lắm, một khi "sếp" đã có cảm tình ở một nốt ruồi duyên hay một cử chỉ khéo léo, một giọng nói truyền cảm thì cho điểm ngay.
Anh bạn làm ở công ty dầu khí của tôi vui miệng kể: "Sếp tôi không bao giờ nhận con gái "cá sấu". Có bộ hồ sơ mới nào, sếp đưa cho đám đực rựa chúng tôi "duyệt" trước, vì sếp cũng hiểu tâm lý của đám nhân viên đồng giới mà. Thú vị một điều, tay nào biết hát hò đàn điếc là sếp cưng lắm".
Tôi hỏi: "Hát hay, đàn giỏi mà chuyên môn... í ẹ cũng nhận tuốt à?". Anh bạn trả lời: "Cái đó... sếp chịu trách nhiệm. Muốn được cái "lọ" thì phải mất cái "chai" thôi! Giá được cả hai thì tốt".
Lan "sếu" trước đây mặc cảm vì chiều cao quá cỡ của mình bao nhiêu thì giờ đây lại tự hào bấy nhiêu vì đó là một lợi thế của cô khi đi xin việc tại một số công ty nước ngoài. Mấy ông Tây vẫn thường chê con gái Việt Nam lùn, ít nhiều gây cảm giác thiếu năng động.
Ông "sếp" hiện nay của Lan nhận cô vào làm việc trước tiên là vì cái sự "cao ráo dễ nhìn", nhanh nhẹn hoạt bát. Còn một loạt ứng viên dưới 1,65m, gương mặt không ưa nhìn (trong mắt nhà tuyển dụng) đã bị "out" hết.
"Kiến thức còn có thể làm đầy, chứ chiều cao thì... chịu. Không lẽ mang guốc 10 phân đi phỏng vấn! Hôm nào không đi guốc thì... lộ à?” - K.V ấm ức.
Lẽ ra kiến thức chuyên môn mới là tiêu chí đầu tiên để tuyển ứng viên (trừ những cơ quan có yêu cầu về ngoại hình) thì một số nhà tuyển dụng "kỳ cục" lại quan tâm tới các yếu tố đáp ứng được... sở thích cá nhân của mình. Có thể những yếu tố đó có tác dụng trực tiếp hay gián tiếp tới công việc nhưng nếu quá chú trọng thì coi chừng sẽ phải... thay nhân sự dài dài.
Nhân đây, các bạn trẻ nên rèn luyện chuyên môn sao cho giỏi cũng như đừng quên "chăm sóc" cách nói năng, đi đứng, tác phong, nhân cách và cả ngoại hình nữa.