Trả lời phỏng vấn - bạn chọn câu trả lời nào?
Lượt xem: 36,822Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Bạn nộp hồ sơ cho một công việc mình yêu thích và được mời đến phỏng vấn. Dù bạn phỏng vấn vị trí content marketing, business analyst hay developer thì bạn nên chuẩn bị để có một buổi phỏng vấn tốt đẹp. Làm sao để có buổi phỏng vấn hiệu quả luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các ứng viên. Bài trắc nghiệm sau sẽ giúp các ứng viên chuyên ngành marketing/quảng cáo có được sự chuẩn bị tốt hơn cũng như tự tin hơn trước khi bước vào buổi phỏng vấn thực sự.
1. Các đồng nghiệp mô tả thế nào về anh/chị?
A. Họ nói rằng tôi là một nhân viên chăm chỉ, đối xử tốt với mọi người và có tinh thần đồng đội.
B. Trước tiên, họ cho rằng tôi là người rất nhiệt tình và siêng năng trong công việc. Tôi rất thích làm việc với mọi người. Thứ hai, tôi là người quan tâm đến các khách hàng. Và cuối cùng, tôi là người hiểu biết về kinh doanh. Tôi đã cố gắng rất nhiều để học tập về tất cả các sản phẩm và cấu trúc hoạt động của công ty.
C. Thật khó khi phải nói về điều này. Tôi thực sự không biết họ nói gì. Tôi nghĩ họ sẽ nói rằng tôi là người luôn hoàn thành xuất sắc các công việc, chăm chỉ và có kỹ năng giao tiếp tốt. Tôi hy vọng họ sẽ không nói điều gì xấu về mình.
Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời không những đưa ra 3 tính cách tích cực mà còn cung cấp các lý lẽ chứng minh. Vì vậy, người phỏng vấn sẽ có cơ hội biết được cách bạn suy nghĩ về những nhận xét của người khác dành cho bản thân và nhân tố tích cực nào được bạn đề cao trong phong cách làm việc.
2. Anh/chị có câu hỏi nào không? (thường được nêu ra khi kết thúc buổi phỏng vấn)
A. Tôi không có câu hỏi nào. Ông/bà đã trình bày tất cả những điều tôi quan tâm. Tôi cũng đã tìm hiểu một số thông tin về công ty.
B. Tôi thắc mắc về một số vấn đề như tiền thưởng, khi nào tôi được hưởng chế độ này? Trợ cấp hàng năm? Công ty có chính sách cho người nghỉ hưu không?
C. Xin ông/bà cho tôi biết những ưu thế của công ty trên thị trường? Tương lai phát triển của ngành nghề này? Những thuận lợi khi làm việc tại công ty?
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Việc ứng viên đặt ra các câu hỏi là rất quan trọng. Nhà tuyển dụng đang trông chờ vào thái độ của bạn. Đây còn là cơ hội để bạn phỏng vấn nhà tuyển dụng, xem xét liệu đây có phải là nơi phù hợp không. Hãy lắng nghe họ và nêu lên các câu hỏi dựa vào những vấn đề đã được đặt ra.
3. Kinh nghiệm nào của anh/chị trong quá khứ phù hợp với vị trí mới này?
A. Tôi đã làm việc cho rất nhiều dự án khác nhau trong ngành marketing. Kinh nghiệm chủ yếu của tôi là thu thập và xử lý dữ liệu. Hiện tại, tôi hy vọng có thể tham gia vào toàn bộ quy trình marketing. Tôi mong muốn có được các kinh nghiệm mới và nâng cao các kỹ năng.
B. Trong 5 năm vừa qua, tôi đã làm việc tại một công ty quan hệ cộng đồng. Tôi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm viết lách và truyền thông. Tôi cũng am hiểu các phương pháp nghiên cứu thị trường, xác định thị trường mục tiêu và chiến lược phân khúc khách hàng. Kỹ năng vi tính và giao tiếp của tôi cũng rất thành thạo. Tôi là người làm việc tập thể và rất nhiều nghị lực.
C. Tôi không chắc chắn về yêu cầu của công việc, vì thế tôi không biết kinh nghiệm nào của tôi sẽ phù hợp. Tôi đã làm việc tại phòng marketing và kinh doanh trong nhiều năm. Tôi thích làm việc với mọi người và đã đạt được một số thành công. Thực sự, tôi chưa tìm thấy một công việc nào làm tôi quan tâm. Vì thế, tôi nghĩ rằng công việc mới này sẽ là thách thức đồng thời là cơ hội để tôi phát triển.
Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời này giúp người phỏng vấn nhận biết được các kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn sẽ đóng góp cho công việc mới. “Sự nhiệt tình”, “ Các kỹ năng giao tiếp” và “ Kiến thức chuyên môn” là các tố chất nền tảng của nhân viên ngành marketing/quảng cáo
4. Hãy nói về các điểm mạnh và điểm yếu của anh/chị
A. Tôi là người rất đáng tin cậy và hay giúp đỡ mọi người. Tôi cũng là người làm việc rất chăm chỉ. Tuy nhiên tôi thường mất kiên nhẫn khi không có được các dữ liệu cần thiết để phân tích, vì như thế tiến độ công việc sẽ chậm lại.
B. Tôi không hề có yếu điểm nào. Có thể tôi phải học thêm về vi tính. Điểm mạnh của tôi nằm ở khả năng giao tiếp với những người khó tính nhất. Tôi không dễ bị nản lòng thậm chí khi phải đương đầu với các công việc khó khăn nhất. Tôi là người rất giỏi phân tích
C. Điểm mạnh của tôi chính là sự linh hoạt. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành công việc đúng hạn và đạt mục tiêu. Về phần yếu điểm, tôi thật sự yêu thích công việc mình làm, do đó tôi thường bị quá tải về công việc. Tôi đang cố gắng hoàn thiện mình và tìm kiếm cách làm việc thông minh hơn nữa.
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời đã nêu lên được ví dụ cụ thể về các điểm mạnh. Những nhà tuyển dụng thường tìm kiếm ở các ứng viên khả năng giao tiếp và sự linh hoạt. Các yếu điểm đã được trình bày một cách khôn khéo bằng những lời lẽ tích cực.
5. Hãy tự giới thiệu về anh/chị
A. Tôi sinh ra và lớn lên tại TP HCM. Tôi lập gia đình, có 3 con và định cư tại đây. Tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc cho một công ty quảng cáo được 8 năm. Tôi rất thích ngành marketing và mong muốn được tiếp tục làm việc trong ngành này.
B. Tôi rất thông thạo các kỹ năng viết lách và quan hệ công chúng. Tôi đã làm việc cho nhiều công ty khác nhau và nhận được rất nhiều lời khen từ cấp trên và đồng nghiệp. Tôi có thể chịu được áp lực cao trong công việc. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp của tôi cũng rất tốt.
C. Tôi đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành marketing và bán hàng. 2 năm vừa qua, tôi làm việc cho một công ty thương mại điện tử. Nhờ đó, tôi đã tích luỹ được các kiến thức về thị trường và xuất bản trực tuyến. Tôi cũng rất thành thạo về các kỹ năng phân tích và vi tính. Tôi là người làm việc tập thể và sẵn sàng đón nhận các thử thách.
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Bạn đã cung cấp cho người phỏng vấn bản phác thảo mang tính cụ thể về các kỹ năng, kiến thức và tích cách của bản thân.
6. Hãy nêu lên một chiến lược marketing mà anh/chị đã thực hiện
A. Một khách hàng đang tung ra thị trường một sản phẩm thương mại điện tử mới. Sau khi tập hợp tất cả các nghiên cứu thị trường, tôi đến làm việc trực tiếp với các bộ phận biên tập, sáng tạo và truyền thông. Sau khi thảo luận, chúng tôi quyết định lập ra một kế hoạch tiếp thị trên TV, radio, báo chí, và Internet. Tôi theo dõi tất cả các chi phí và dữ liệu trên Excel. Đây thực sự là một chiến lược rất mới mẻ và độc đáo.
B. Chúng tôi liên tục triển khai các chiến lược marketing và ứng dụng các công nghệ mới. Chúng tôi tiến hành các cuộc nghiên cứu và phân tích thị trường. Chúng tôi cũng luôn bám sát các đối thủ cạnh tranh và xu thế mới trên thị trường để không ngừng đổi mới các dịch vụ của mình.
C. Điều này phụ thuộc vào từng dự án. Nhiệm vụ của tôi rất đa dạng, có khi là nghiên cứu thị trường, phát triển thiết kế hay phân tích khách hàng. Tuy nhiên, dù là công việc nào, tôi cũng cố gắng để hoàn thành.
Đáp án: A là câu trả lời tốt nhất.
Bằng cách nêu lên ví dụ cụ thể, bạn đã thể hiện được một số khả năng và kỹ năng tích cực như : tư duy phân tích, kỹ năng giao tiếp, kiến thức chuyên môn, tinh thần đồng đội- vốn là các tố chất rất quan trọng của các nhân viên trong ngành nghề này. Những thành công trong quá khứ sẽ mở đường cho những thành công trong tương lai.
7. Anh/chị mong muốn mức lương bao nhiêu?
A. Mức lương tôi được trả cho công việc cuối cùng của mình là 4.000.000 đồng. Tôi mong muốn được tăng lương, vì thế tôi hy vọng sẽ được trả lương cao hơn 15 đến 20%.
B. Tôi cần biết các thông tin về công việc tôi sẽ đảm nhận trước khi bàn đến vấn đề lương. Tôi xin phép được thảo luận về vấn đề này sau. Ông/bà có thể nói cho tôi biết về mức lương cũng như chính sách hoa hồng của công ty dành cho vị trí này không?
C. Tôi chắc chắn công ty sẽ đưa ra mức lương phù hợp với khả năng của tôi. Lương bổng không là điều quan trọng nhất với tôi. Tôi đang tìm kiếm các cơ hội.
Đáp án: B là câu trả lời tốt nhất.
Đừng bàn đến mức lương cho đến khi biết được yêu cầu của công việc. Việc thu thập đầy đủ các thông tin trước khi quyết định là vô cùng cần thiết. Ngoài ra bạn không nên chỉ tập trung vào mức lương cơ bản, các thu nhập khác cũng rất quan trọng như: tiền thưởng , hoa hồng, phúc lợi, lịch trả lương…
8. Công việc này có điểm gì hấp dẫn anh/chị?
A. Một người bạn của tôi đang làm việc tại công ty và nói với tôi rằng đây là một nơi làm việc rất tốt. Thời gian rất linh hoạt và có nhiều chính sách ưu đãi dành cho nhân viên. Tôi muốn được làm trong một công ty đề cao sự sáng tạo.
B. Tôi tìm thấy công việc trên Internet và biết được công ty đã triển khai một vài dự án mà tôi rất quan tâm. Tôi đã hỏi thăm ý kiến của một vài chuyên gia và được biết công ty nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Cuối cùng, tôi quyết định gửi resume đến.
C. Tôi đang tìm kiếm một công ty có kiểu mẫu kinh doanh và quan điểm hoạt động như công ty của Quý ông. Chuyên môn và thế mạnh của tôi là marketing và phân tích điều kiện thị trường. Tôi rất quan tâm về ý tưởng phát triển loại hình thương mại trực tuyến.
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời cho thấy bạn đã tìm hiểu, vạch kế hoạch và rất quan tâm đến chức năng hoạt động của công ty. Bạn cũng đã nêu lên được các kinh nghiệm quá khứ phù hợp với yêu cầu của công việc hiện tại. Nhà tuyển dụng có thể nhận thấy sự nhiệt tình và nghị lực trong câu trả lời này.
9. Vì sao anh/chị rời bỏ công việc hiện tại?
A. Công ty tôi đang tái cấu trúc lại hệ thống, 50 nhân viên trong đó có tôi phải ra đi. Tôi có thể nhìn thấy một tương lai không được đảm bảo, mọi thứ đang đi xuống, họ đang cắt giảm các hoạt động của bộ phận marketing
B. Tôi phát hiện công việc mình đang làm ngày một tẻ nhạt. Mọi việc cứ lập lại ngày qua ngày. Tôi muốn tìm một công việc đầy thử thách. Tôi đang tìm kiếm sự hài lòng trong công việc và làm cân bằng cuộc sống của mình.
C. Tôi đã vạch ra cho bản thân một số mục tiêu. Tuy nhiên, thật không may, công ty tôi hiện đang làm việc không thể rộng mở cho tôi các cơ hội đó. Giờ tôi bỗng nhận thấy mình đã bỏ quá nhiều thời gian cho một công việc mà mình không thể tiến bộ được. Tôi mong muốn được tiếp tục tràu dồi bản thân và cống hiến nhiều hơn nữa.
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời này xác định các mục tiêu và kế hoạch của bạn. Bạn đã giữ thế chủ động hơn trong cuộc thương lượng với nhà tuyển dụng. Đôi khi có những điều xảy đến mà chúng ta không thể kiểm soát được tuy nhiên việc bạn lập kế hoạch trong tương lai chứng tỏ bạn là người mạnh mẽ.
10. Hãy kể lại một kinh nghiệm khi anh/chị phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tinh thần của nhân viên.
A. Khi tinh thần của mọi người suy giảm, tôi đối xử với họ nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ họ sé bớt cáu kỉnh hơn khi được nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, tôi tránh tiếp xúc với các nhân viên đang có vấn đề. Thật khó khi phải đối diện với họ. Tôi cũng tổ chức một vài cuộc họp và cố gắng giao tiếp với họ, thỉnh thoảng, điều này cũng mang lại hiệu quả.
B. Tôi không thể giải quyết các vấn đề tinh thần của nhân viên. Có một vài người không hài lòng với công việc hiện tại. Tôi nghĩ, nếu thế họ tốt hơn nên tìm cơ hội mới ở nơi khác. Vấn đề tinh thần không được đánh giá cao trong công ty tôi đang làm việc. Thật khó khi phải vừa làm việc vừa để ý đến thái độ của người khác.
C. Khi tôi trở thành trưởng phòng marketing, nhiều nhân viên đã rời bỏ công ty. Tôi ngồi xuống cùng mọi người để tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nhờ đó, tôi biết được rằng họ không thích chương trình quảng cáo trên mạng của tôi. Tôi đã thuyết phục họ đây là chiến lược tốt nhất bằng cách nêu lên những lợi ích của nó. Cuối cùng, họ đã ủng hộ ý kiến này.
Đáp án: C là câu trả lời tốt nhất.
Câu trả lời nêu lên ví dụ cụ thể cho thấy khả năng lãnh đạo và các kỹ năng giao tiếp .Không nhất thiết phải là các kinh nghiệm thành công, điều quan trọng là có thể chứng minh cho các khả năng và kỹ năng của bạn.