Trầm cảm nơi công sở
Lượt xem: 38,300Trong môi trường làm việc, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có khoảng 20% nhân viên bị trầm cảm. Chứng này có thể xuất hiện ở mọi ngành nghề và mọi nhân viên, không phân biệt cương vị hay cấp bậc
Trầm cảm ảnh hưởng đến năng suất lao động, khả năng phán đoán và giao tiếp. Nhân viên bị trầm cảm không thể tập trung và chú ý đúng mức vào công việc, không thể phán đoán và ra quyết định nhanh chóng, từ đó dễ dẫn đến tai nạn lao động và gây ra nhiều thiệt hại. Khoảng 1/3 số nhân viên bị trầm cảm có thể lạm dụng rượu hay thuốc an thần.
Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là những công ty kỹ thuật cao phải dựa chủ yếu vào năng lực tinh thần của mỗi nhân viên để giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Do đó vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên ngày càng trở nên quan trọng, vì có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của công ty trên thương trường.
Trầm cảm gây thiệt hại lớn về kinh tế
Một nghiên cứu vào năm 1993 ở Mỹ cho thấy, chi phí cho trầm cảm vào khoảng 43,7 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, chi phí trực tiếp chỉ chiếm 29%, bao gồm tiền nhập viện, điều trị ngoại trú và thuốc men. Số còn lại là chi phí gián tiếp do nghỉ việc, giảm năng suất lao động và tự tử.
Về cá nhân người bị rối loạn trầm cảm, nếu không được điều trị, chất lượng các mối quan hệ xã hội của họ có thể giảm sút. Trong dân số bình thường, trung bình có khoảng 19% phàn nàn về tình trạng sức khỏe kém. Nhưng ở bệnh nhân trầm cảm, con số này tăng gấp 2,5 lần. Trong cùng một khoảng thời gian, số ngày nghỉ do mất sức lao động ở bệnh nhân trầm cảm cao gấp 5 lần. Bệnh nhân trầm cảm ít hoạt động, thường nằm suốt ngày; theo nghiên cứu trên thì có khoảng 38% bệnh nhân trầm cảm bị giới hạn lâu dài các hoạt động thường ngày và 30% giảm hoạt động so với khoảng 2 tuần trước đó.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở người trầm cảm cũng tăng cao và thường được biết là do tự tử hoặc gặp tai nạn. Đặc biệt, ở bệnh nhân trên 55 tuổi, tỷ lệ tử vong trong vòng 15 tháng kế giai đoạn bệnh cao gấp 4 lần so với nhóm người cùng tuổi không bị trầm cảm.
Một số triệu chứng trầm cảm
- Luôn cảm thấy buồn rầu hoặc có tâm trạng “trống rỗng”.
- Mất quan tâm hay hứng thú đối với các hoạt động thường ngày.
- Cảm thấy mệt mỏi, chậm chạp hay mất hết sức lực.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Rối loạn ăn uống.
- Khó khăn khi tập trung chú ý, khi cần nhớ lại một vấn đề nào đó hoặc ra quyết định
- Cảm giác tuyệt vọng, bi quan.
- Cảm giác có tội, vô giá trị hay không ai có thể giúp đỡ.
- Ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hành vi tự tử.
- Dễ bị kích thích.
- Khóc nhiều.
- Đau nhức kéo dài ở nhiều nơi trên cơ thể mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Nếu có 5 triệu chứng trên liên tục hơn 2 tuần; hoặc các triệu chứng này gây trở ngại trong công việc hay môi trường gia đình thì đối tượng có thể đã bị trầm cảm và cần khám bác sĩ tâm thần. Nếu được khám và điều trị sớm, tỷ lệ thành công lên đến hơn 80% và đa số nhân viên sau thời gian điều trị, có thể làm việc lại với hiệu suất như trước kia.
Ở nơi làm việc, trầm cảm thường có các biểu hiện:
- Giảm năng suất làm việc: Không hoàn thành đúng hạn, làm chậm hơn bình thường, hay xin lỗi vì không hoàn thành công việc, giảm sút khả năng ra quyết định đúng…
- Xuống tinh thần, cảm thấy không thích thú, mất động cơ làm việc…
- Giảm khả năng giao tiếp, hợp tác như tự cách ly khỏi đồng nghiệp, không tham gia các buổi họp…
- Mắc tai nạn lao động, thường là do giảm khả năng tập trung chú ý.
- Nghỉ làm thường xuyên, thường than vãn lúc nào cũng mệt, hay đau nhức nhiều chỗ mà không có nguyên nhân rõ ràng (như đau đầu, đau lưng, đau vai, rối loạn tiêu hóa…) và có biểu hiện lạm dụng rượu hay ma túy.
- Tránh rối loạn trầm cảm
Để giúp đỡ nhân viên, người quản lý cần có kiến thức về trầm cảm, sớm nhận ra các dấu hiệu liên quan và biết thảo luận với nhân viên về vấn đề của họ với sự thấu hiểu, thông cảm và luôn giữ bí mật cuộc nói chuyện.
Khi thấy nhân viên có dấu hiệu trầm cảm, cần chuyển họ đến nơi khám bệnh thích hợp. Đặc biệt, khi nhận ra các dấu hiệu nghiêm trọng như “cuộc sống sao vô nghĩa”, “thật là dễ chịu nếu được chết đi”…, cần cho nhân viên đến khám chuyên khoa ngay, không nên tự chẩn đoán bệnh hay lên lớp về các bài học “đạo lý”. Đồng thời, hãy quan tâm nghiên cứu môi trường làm việc của nhân viên này để thay đổi theo hướng có lợi, sắp xếp thời khóa biểu làm việc linh động, bố trí công việc hợp lý nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi trong việc điều trị.
Cần chú ý là nhân viên bị trầm cảm rất “ngại” báo bệnh vì họ sợ bị chê là yếu đuối, không có năng lực, sợ mất việc hay phải thuyên chuyển công tác. Trong khi đó, bệnh trầm cảm có thể điều trị được và kết quả điều trị thường rất khả quan.
Để tránh trầm cảm, cần được làm việc với tinh thần khỏe khoắn và vui vẻ, cần bảo đảm tốt các điều kiện như đủ ánh sáng, không khí trong lành, ít tiếng ồn, nhiệt độ vừa phải. Công việc cần có tính đa dạng và sáng tạo để tạo nhiều cơ hội áp dụng và phát triển các kỹ năng của người lao động. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị cũng cần tạo điều kiện cho người lao động thực hiện các ước muốn vươn lên trong công việc
(Nguồn hình: Internet)
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Tìm việc bán hàng | Tìm việc gia sư | Tuyển dụng việc làm Nam Định | tìm việc làm lái xe tại tphcm | công ty điện tử vsip 1 tuyển dụng