Trí thức mơ màng
Lượt xem: 14,272“Sao vậy? Người ta phỏng vấn những gì và anh trả lời thế nào?”, tiếng chuyên viên tư vấn ngạc nhiên hỏi người đi xin việc. “Sau khi xem hồ sơ, ông ấy chẳng hỏi gì liên quan đến kiến thức chuyên môn mà chỉ muốn biết chuyện cá nhân. Tôi trả lời ông ấy nhưng không hiểu sao kết quả lại như vậy?”.
Đây là một mẩu đối thoại ở Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh Niên trên đường Pasteur, Q.3, TPHCM. Chuyên viên tư vấn cho biết, sau khi trò chuyện, cô phát hiện thân chủ đi phỏng vấn thất bại vì thiếu vốn sống nhưng lại thích dạy đời.
Chỉ tưởng tượng chuyện cao siêu
Chị Giảng Thị Bích Phương, một chuyên viên tư vấn tại trung tâm cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động trí thức cao cấp ở các công ty ngàng càng tăng. Tuy nhiên, việc đáp ứng đòi hỏi này chưa tốt. Một phần nguyên nhân xuất phát từ người lao động”.
Chẳng hạn, có nhiều người không quan tâm, chăm chút hồ sơ xin việc trong khi đây là bộ mặt đầu tiên của người tìm việc trước nhà tuyển dụng. Có những hồ sơ bị loại ngay từ đầu chỉ vì ghi sai chính tả hoặc tên công ty. Mặc áo thun chụp ảnh làm hồ sơ, giấy tờ xộc xệch vì không được ghim kẹp đàng hoàng… cũng là lý do khiến người lao động bị từ chối.
Một ứng viên từng thất bại than thở: “Tôi tưởng người ta chỉ chú trọng bằng cấp, kiến thức chứ không phải những thứ nhỏ nhặt đó”. Sự “tưởng” này khiến anh ta phải chạy tới chạy lui xin việc dù có bằng thạc sĩ loại khá.
Bên cạnh đó là sự thiếu kinh nghiệm làm việc, vốn sống thực tế. Trong kỳ thi tuyển đầu vào lớp văn bằng 2 tại trường KHXH&NV TPHCM, PV đã gặp thí sinh đặc biệt tên Minh Vũ.
Muốn được thiên hạ o bế, nể nang
Đặc biệt anh chàng này có trong tay 10 loại văn bằng, chứng chỉ. Đó là bằng tốt nghiệp ĐH Luật, ĐH Kinh tế, bằng C tiếng Anh, vi tính, chứng chỉ đã hoàn thành khóa học quảng cáo…
Vũ thừa nhận, trong đó có nhiều lớp anh chỉ học để có bằng chứ “chẳng hiểu, chẳng biết gì”. Hỏi tại sao cứ học mãi không đi làm, Vũ cười toe: “Đang có đà, học luôn một lèo, sau này vác bằng đi xin việc cho thiên hạ nể”.
Đa phần những trí thức này thuộc con nhà khá giả. Họ được bố mẹ, gia đình lo cho ăn học từ A đến Z, chẳng phải làm gì. Họ quen với chuyện “học, học nữa, học mãi” nên không chủ động va chạm thực tế nhằm học hỏi kinh nghiệm.
Với những lý thuyết suông, sau nhiều lần xin việc thất bại, không ít người bắt đầu sợ đi làm, chỉ thích học tiếp. Nếu có làm, họ chọn những việc làng nhàng để tập thích nghi. Đa phần dễ bỏ việc vì không thể chịu đựng áp lực.
Không tự đánh giá hoàn cảnh thực tế, xác định mục tiêu, cũng khiến nhiều người mất điểm khi đi xin việc. Một số ứng viên vượt qua kỳ phỏng vấn nhưng lại rớt trong quá trình thử việc.
Thay vì chứng tỏ năng lực trong giai đoạn này, họ lại tỏ ra tự tin một cách thái quá. Có người còn cho rằng công việc, mức lương không tương xứng với bằng cấp. Đó là trường hợp của Mộng Dung, sinh năm 1979. Cô có bằng thạc sĩ kinh tế nhưng đến giờ vẫn chưa trụ nơi nào quá 1 năm.
Nguyên nhân là trong quá trình làm việc, cô không hòa đồng với mọi người. Không chỉ thế, Dung còn tự cho mình là “nguồn tài nguyên sáng giá”, luôn yêu cầu tăng lương, muốn hưởng chế độ ưu đãi hơn những người khác.
Chọn lầm đường và chỉ biết than thở
Đó là những tri thức mất tự tin trầm trọng vào kiến thức đã học. Một trong những nguyên nhân là họ không được định hướng đúng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ tiếp thu những kiến thức chuyên ngành không đúng với khả năng và sở thích. Đến khi nhận ra điều đó thì đã quá muộn.
Theo một cuộc điều tra của ĐH Quốc gia TPHCM, trong quá trình học, có đến 34,5 % sinh viên dứt khoát muốn bỏ giữa chừng hoặc dao động.
Các nhà nghiên cứu cho rằng một khi sinh viên mơ màng với con đường đang đi, sau này họ cũng mơ màng với nghề nghiệp của chính mình.
Ngoài ra, có những người sau một thời gian cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, muốn thử sức ở lĩnh vực khác. Sau đó họ thấy không hợp và tiếp tục nhảy việc.
Típ trí thức này thường là những người đa tài nhưng không hữu dụng. Xét về kiến thức tổng quát, họ biết rất nhiều. Tuy nhiên, với bản tính hay thay đổi, không xác định được mình muốn gì, họ dễ thất bại.
Cần tập cách nhìn thực tế hơn
Có thể thấy, người trí thức với bằng cấp cao chưa hẳn đã hoàn thiện trong mắt nhà tuyển dụng. Ông Hoàng Công, phó ban tổ chức cán bộ, phụ trách mảng nhân sự của chi nhánh Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, cho biết: “Bằng cấp chỉ là phương tiện để nhà tuyển dụng biết ứng viên có khả năng hoặc chuyên ngành nào. Tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu dựa trên năng lực. Bằng cấp không quyết định lương cao hoặc vị trí tốt. Một người làm thật tốt nhiệm vụ được giao sẽ có cơ hội thăng tiến, tăng lương và tưởng thưởng”.
Chính vì vậy, điều quan trọng là người lao động phải chứng tỏ được khả năng áp dụng kiến thức, kinh nghiệm đã lĩnh hội vào thực tế công việc. Đồng thời, họ phải có tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi, chấp nhận thử thách cũng như có cái nhìn thực tế về bản thân. Chỉ có như vậy, trí thức mới không bị gắn vào các từ như “người cõi trên”, “tay mơ”.