Trò chuyện “sương sương” trước khi vào phỏng vấn
Lượt xem: 30,248Kỹ năng “bắt chuyện” chẳng những là một phần của cuộc sống mà nó còn là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho hành trình tìm kiếm việc làm của nhiều người.
Giống như hầu hết người khác, bạn sẽ thấy những đoạn trao đổi ngắn với mục đích bắt chuyện trước khi chính thức được phỏng vấn sẽ khá bối rối và căng thẳng. Khoảng thời gian phỏng vấn đã tạo ra đủ áp lực với ứng viên rồi, vậy mà giờ còn phải suy nghĩ cách tạo ấn tượng lâu dài với nhà tuyển dụng qua vài câu trao đổi “sương sương”. Thực tế, bạn không nằm trong số ít những người cảm thấy lo lắng bởi nhiệm vụ này gây khó khăn cho cả những ứng viên giỏi nhất.
Nhằm giúp bạn cải thiện điều này, dưới đây CareerViet.vn sẽ chia sẻ một số lời khuyên về một vài cách trò chuyện nhẹ nhàng và hiệu quả để thuận lợi khởi động một buổi phỏng vấn tìm việc:
CHỦ ĐỀ AN TOÀN CHO NHỮNG ĐOẠN TRÒ CHUYỆN NGẮN
Nói chung, bạn nên tránh những chủ đề gây tranh cãi và đảm bảo nội dung khai thác không quá cá nhân. “Không quá cá nhân” có nghĩa là tạo ra những câu chào hỏi và bắt chuyện phù hợp, giúp buổi phỏng vấn bắt đầu thuận lợi hơn nhưng không xoáy sâu điều riêng tư, nhạy cảm.
Bạn có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin về nhà tuyển dụng bằng cách thực hiện những cuộc khảo sát hoặc nghiên cứu nhỏ qua mẩu tin tuyển dụng, website công ty, mạng xã hội và internet. Ít nhất bạn phải có bằng được một chủ đề đủ hấp dẫn để gây chú ý hoặc điểm chung nhằm giành lấy thiện cảm của nhà tuyển dụng.
Khi vừa bước vào phòng phỏng vấn, hãy quan sát xung quanh. Bạn có thấy ảnh một con vật cưng hay giải thưởng gì đó trên tường không? Chẳng hạn, nếu nhìn thấy bức ảnh một con mèo, bạn có thể nói “Ồ, tôi thích bé mèo này! Ở nhà tôi cũng nuôi một con. Tên của bé mèo trong ảnh này là gì nhỉ?” Hay khi biết thông tin về trường học của phỏng vấn viên, bạn có thể chia sẻ vài thông tin chung thú vị nếu bạn hoặc người thân, bạn bè của bạn cũng từng theo học ở đó.
Trước khi dự phỏng vấn mà biết được ai sẽ phỏng vấn mình, bạn có thể thu thập nhiều thông tin về họ qua Facebook, LinkedIn… Đến khi gặp mặt, chỉ cần đưa ra một câu hỏi liên quan để bắt chuyện cùng phỏng vấn viên tương đối dễ dàng. Một khi đã có chủ đề để trao đổi, đôi ba câu nói cũng có thể trở thành cuộc trò chuyện dài và hai bên sẽ tiếp cận nhau theo cách dễ dàng hơn.
TRÁNH NÓI GÌ TRONG KHI GỢI CHUYỆN?
Bạn sẽ không bao giờ muốn nhà tuyển dụng cảm thấy bị động chạm vì đó sẽ là công thức thảm hoạ. Có những chủ đề rất phổ biến nhưng ứng viên tuyệt đối không nên đề cập đến như tôn giáo, chính trị hoặc câu hỏi về cá nhân nhà tuyển dụng. Mọi người đều sẽ có quan điểm riêng những lĩnh vực nhạy cảm này, do đó cả đôi bên đều không nên và không cần nhắc đến những điều này trong một cuộc phỏng vấn. Ngay cả khi bạn đã biết được lập trường của phỏng vấn viên cũng đừng bao giờ đề cập.
Bên cạnh đó, chắc chắn là bạn không được phép nói lời cợt nhả hoặc tỏ ra phỉnh nịnh nhà tuyển dụng, bất kể họ hấp dẫn với bạn thế nào. Cũng đừng hỏi về thu nhập họ kiếm được. Đặc biệt, tránh xa việc nói xấu công ty, nhà tuyển dụng cũ hoặc bất cứ ai về vấn đề này. Bạn không thể biết được người phỏng vấn mình quen biết những ai trong mạng lưới nghề nghiệp của họ.
Ngoài ra, bạn cũng không nên nói nhiều về tình trạng hôn nhân, chuyện gia đình, các vấn đề y tế hoặc bất kỳ yếu tố không cần thiết nào khiến bạn có nguy cơ bị loại.
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG LO SỢ TRƯỚC KHI BẮT CHUYỆN?
Nếu phải đối mặt với những nỗi lo lắng, bồn chồn trước khi dự phỏng vấn, tốt nhất là bạn cứ thử áp dụng phương pháp tâm lý “giả vờ rằng tôi không lo sợ cho đến khi không lo sợ nữa”. Hãy khiến bản thân mạnh mẽ hơn, thực hành những cuộc trò chuyện ngắn với một người bạn hay thành viên trong gia đình và tự nhủ bản thân rằng “tôi sẽ làm tốt nhất có thể”.
Nếu là người hướng nội và dường như các gợi ý trên không thể phát huy tác dụng, bạn hãy thử gợi chuyện với một người lạ trong cửa hàng tạp hoá, bưu điện hoặc quầy nước ven đường như một cách thực tập. Một câu hỏi cùng với lời chào đơn giản là cách tuyệt vời để vượt qua sự căng thẳng và sợ hãi. Không cần phải tạo nên ấn tượng quá lớn với họ. Đơn giản là thử hỏi về nơi họ đã mua được cái túi xách đẹp, chiếc mũ dễ thương mà họ đang dùng, rồi sau đó tiếp tục quay lại với lịch trình trong ngày của bạn. Càng làm điều gì đấy nhiều lần, bạn sẽ dần quen thuộc và thoải mái với nó.
CHUẨN BỊ TRƯỚC VÀI KỊCH BẢN KHỞI ĐỘNG
Đoạn trò chuyện với mục đích “phá băng” không khí kém thoải mái giữa hai người xa lạ nên là các câu hỏi mở. Mục tiêu của việc này là để bắt đầu khai thác thông tin và dẫn dắt đến những ý tứ mới. Đừng quá nghĩ ngợi về chuyện gây ấn tượng vì bạn gần như sẽ thất bại nếu phần giao tiếp của bạn chỉ nhận về câu trả lời “có” hoặc “không”. Bạn cũng có thể dùng một câu nói thú vị để mở ra cuộc hội thoại thực sự. Dưới đây là những câu hỏi gợi ý bạn có thể thử dùng để tiếp cận phỏng vấn viên:
- Tôi rất thích khi xem được [bài báo/bài blog/đoạn phỏng vấn/video] về công ty trên [tên của ấn phẩm/website] tuần trước. Chắc hẳn nó cũng đã khiến mọi người trong công ty phấn khởi lắm?
- Vị trí văn phòng này thật tuyệt! Ở gần đây có nhà hàng nào thú vị không nhỉ?
- Nếu bạn đang phỏng vấn ở một thành phố mới, “Thành phố này có vẻ rất tuyệt! Cuối tuần mọi người ở đây thường tham gia những hoạt động thú vị nào?”
Nói tóm lại, chào hỏi khởi động là cách tốt để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Hãy tập trung quan sát mọi thứ xung quanh và tham gia vào các buổi phỏng vấn với vài câu hỏi/câu nói đã chuẩn bị từ trước. Bắt chuyện có thể là điều mà bạn không giỏi làm, nhưng đừng quá bối rối! CareerViet.vn tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ càng và luyện tập tích cực, nó sẽ trở thành một trong những kỹ năng tuyệt vời giúp bạn toả sáng và khiến buổi phỏng vấn thành công hơn.
Chúc bạn thật nhiều may mắn và thuận lợi trong những cuộc phỏng vấn trong tương lai.
Nguồn hình: Freepik
Top những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất:
Tìm việc làm | Dienmayxanh tuyển dụng | Việc làm Chợ Tốt quận 7 | Tìm việc làm ở quận Bình Tân Hương Lộ 2 | tìm việc lái xe b2 | trung tâm tiếng anh tuyển dụng | htv tuyển dụng