Trúng tuyển nhờ trung thực
Lượt xem: 12,741
Nhà tuyển dụng niềm nở: “Ồ anh quen quá, đúng là anh đã cứu con gái tôi khỏi chết đuối mùa hè năm ngoái…”. Ứng viên vội vàng phản đối: “Không, ông nhầm tôi với anh chăng?”. Và ứng viên này đã trúng tuyển.
Có lẽ đức tính trung thực là tiêu chuẩn đầu tiên trong mọi nghề nghiệp. Tuy nó chưa phải là tất cả nhưng sẽ thật là tuyệt vời khi nhân viên của mình không những thông minh, thạo việc mà còn trung thực nữa, điều đó làm nhà quản lý yên tâm khi giao phó công việc cho những nhân viên này. Vì thế, nhiều nhà tuyển dụng đã tìm nhiều cách kiểm chứng tính trung thực của các ứng viên khi họ có ý định vào công ty làm việc.
Các bạn thử tham khảo một vài tình huống phỏng vấn như thế.
1. Một công ty nọ, sau vài vòng sơ tuyển đã chọn được 3 ứng viên sáng giá. Giờ là khâu cuối cùng để chọn 1 trong 3 số đó. Lần này do chính tổng giám đốc tuyển chọn.
Các ứng viên lần luợt được gọi vào theo thứ tự, và khi gặp riêng từng người, vị tổng giám đốc này đều vồn vã và bắt đầu với 1 kịch bản duy nhất: “Ồ! Trông anh quen quá, tôi nhớ ra rồi, chính anh là người đã cứu con gái tôi thoát chết trong đợt tắm biển mùa hè năm rồi. Lúc đó vội quá, tôi chưa kịp biết tên anh và cũng không biết anh ở đâu để báo đáp. Hay quá, anh hãy vào làm công ty tôi làm, tôi sẽ giành cho anh vị trí xứng đáng coi như là một cách báo đáp công ơn của anh”.
Trong số 3 ứng viên đó, chỉ có một người được chọn vì anh ta ngay lập tức phản đối lời vị giám đốc: “Có lẽ ông nhầm tôi đó với ai chăng, tôi chưa từng cứu ai hết thưa ông”. Hai vị kia, một im lặng không nói lời nào, một ra vẻ thích thú vì sự nhầm lẫn của ông chủ vô tình sẽ đem đến cho anh một vị trí cao mà nhiều người đang với tới, và dĩ nhiên họ không biết rằng, đó chỉ là một màn kịch tuyển người mà thôi.
2. Một vị giám đốc khác, có vẻ bất ngờ hơn, trong khi phỏng vấn vòng cuối, thay vì kiểm tra chuyên môn, ông ta lại đưa ra một đề toán như sau: “Mười trừ một bằng mấy?”. Kẻ nịnh bợ sẽ trả lời: “Ngài muốn bao nhiêu thì nó sẽ bằng bấy nhiêu”; Kẻ thích triết lý xa vời luận chứng: “Mười trừ một bằng chín là lãng phí, mười trừ một bằng mười hai là kinh doanh, mười trừ một bằng mười lăm là buôn bán”.
Thực tế, trong kinh doanh, không cần nịnh bợ và cũng không cần lý luận xa vời kiểu này, vì tất cả đều không thực tế và sẽ không mang lại chút lợi nhuận nào hết. Chỉ có một người được nhận vì anh ta, đơn giản chỉ trả lời rằng: “Bằng chín, thưa ông”. Với cách trả lời khác, vô tình đều bóp méo đi một chân lý đơn giản và như vậy phải chăng là không trung thực.
Ứng viên có câu trả lời “bằng chín” được nhận vì đơn giản anh ta trung thực.