Tự hoàn thiện tác phong lãnh đạo
Lượt xem: 37,997Hiểu được điều này và tự xây dựng cho mình một số tính cách tích cực có khả năng tác động đến những người quanh mình là cách tốt nhất để có thái độ xử sự thích hợp và đạt được hiệu quả cao nhất khi cùng làm việc với nhau.
Quan hệ cộng sinh
Tính lãnh đạo là điều mà bất cứ ai cũng có thể tự xây dựng để đạt được hiệu quả làm việc đồng đội cao nhất. Tính lãnh đạo là mối quan hệ cộng sinh có tính thúc đẩy và mở trói cho những khả năng tiềm tàng của bản thân và những người quanh mình để cùng nỗ lực vì một mục đích chung.
Để có thể tự hoàn thiện cho mình một tác phong lãnh đạo hiệu quả, trước hết bạn cần phải đặt ra và trả lời hai câu hỏi: 1- Phong cách lãnh đạo của tôi ra sao? Với câu hỏi này bạn có thể hướng bản thân tập trung vào những gì mình thích, những khả năng tốt nhất của mình, điểm mạnh là đâu và điểm yếu là những gì. 2- Phong cách lãnh đạo nào là phù hợp và hiệu quả nhất đối với con người, đội ngũ hay tổ chức của mình?
Câu hỏi này cho phép bạn tập trung vào những nhu cầu thiết yếu trong từng trường hợp, đối với từng cá nhân, đối với các mục tiêu ngắn và dài hạn mà tổ chức cũng như bản thân bạn đang nhắm đến. Những yêu cầu xác định từ hai câu hỏi này sẽ giúp bạn nhìn rõ những điểm mạnh, chỗ yếu của mình để vượt qua và thích ứng phong cách lãnh đạo của mình trong từng trường hợp khác nhau để tạo thành hiệu quả cao nhất cho công việc của mình.
Thay vì tự giới hạn với một phong cách lãnh đạo cứng nhắc, một lãnh đạo giỏi có thể tạo thành cho mình những cách tiếp cận khác nhau tùy theo trường hợp nhằm tạo thành tinh thần cộng lực cho đội ngũ của mình.
Một vài bí quyết
Để xây dựng cho mình một phong cách lãnh đạo đa dạng và hiệu quả, chúng ta cần hiểu một số phong cách lãnh đạo thích hợp với một số trường hợp vẫn thường xảy ra trong quá trình làm việc đồng đội.
Khi đội ngũ lạc hướng, mất tinh thần và không thể xác định những mục tiêu ưu tiên cần phải hoàn thành: trong trường hợp này bạn nên quan tâm đến mối quan hệ cá nhân và thúc đẩy tinh thần tập thể bằng lòng đam mê đối với những mục tiêu quan trọng và xác định cho mọi người nhìn thấy nguyên nhân tạo thành vấn đề.
Khi đội ngũ không thoát ra khỏi được lối mòn đã hình thành: bạn nên tạo ra những thách thức để thúc đẩy tinh thần sáng tạo, xác định những ý tưởng hoàn toàn mới mẻ để tạo thành cơ hội mới. Xác định lại các mục tiêu ưu tiên và đưa ra những dự kiến cụ thể cho từng hoạt động cần phải hoàn tất.
Khi đội ngũ chán nản vì không thể hoàn tất mục tiêu dự kiến: bạn nên nhận định lại rõ ràng và đưa ra những mục tiêu dự kiến cụ thể hơn có thể nhanh chóng hoàn thành dù với kết quả thật khiêm tốn. Cùng tham gia hành động, giải quyết mọi vấn đề nảy sinh.
Khi tinh thần chao đảo vì khủng hoảng phát sinh trong tổ chức: xác lập kế hoạch để vượt qua khủng hoảng nhanh chóng, kết hợp chặt chẽ với mọi bộ phận để đề ra những mục tiêu chiến thuật cần thiết và phù hợp với tình hình. Tìm những ví dụ cụ thể để ổn định lại tinh thần tập thể.