Từ “lái cẩu” trở thành ông chủ
Lượt xem: 13,427Khuôn mặt đen sạm “dữ tướng”, vẻ ít nói, song anh lại là người rất hiền lành và dễ gần. Ở tuổi 34, có trong tay cả một cơ sở chuyên sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp theo mẫu cổ Trung Quốc với tổng giá trị tài sản hàng tỷ đồng nhưng cái hỗn danh “Tước lái cẩu” thì vẫn còn gắn bó với anh như thuở ban đầu...
Khởi nghiệp buôn từ chó
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, bố là một ông giáo làng, tuổi thơ của Chu Bá Tước, xóm Bãi (Quảng Minh – Việt Yên – Bắc Giang) lớn lên bằng sự tần tảo của mẹ.
Học xong phổ thông, Tước thi đậu vào trường Trung cấp hoá chất Việt Trì. Ngày ấy theo bạn bè tình cờ anh may mắn được biết đến đồ cổ khi thường xuyên tiếp xúc với các chuyên gia người Thuỵ Điển. Năm 1992 tốt nghiệp trung cấp trở về quê không xin được việc làm nhưng Tước “cứ liều” lấy vợ...
Ra ở riêng, hai vợ chồng anh được bố mẹ cho một triệu đồng cùng 2 sào ruộng làm vốn. Cuộc sống gia đình riêng càng trở nên khó khăn hơn, anh đành để vợ ở nhà làm ruộng và nuôi con, còn mình lao vào con đường chạy chợ.
Nhưng buôn gì đây khi mà trong tay chỉ có vẻn vẹn 1 triệu đồng? Câu hỏi ấy khiến anh phải lang thang lên Lạng Sơn suốt hơn một tuần trời. Cuối cùng thì anh cũng tìm ra được một hướng làm ăn đầy triển vọng. Đó là “lái cẩu” – buôn chó mèo bán sang Trung Quốc.
Trở về nhà, anh vay mượn của anh em bạn bè được hơn 3 triệu đồng, số vốn tuy khiêm tốn nhưng nó cũng tạm đủ cho một người buôn bán nhỏ. Hàng ngày với chiếc xe đạp “cà tàng” và chiếc sọt sắt, anh rong ruổi khắp làng trên xóm dưới, rồi vượt cả sang các huyện lân cận để gom mua chó mèo. Cứ vài ba ngày, gom đủ hàng anh lại đánh một chuyến sang biên giới bán.
Nhiều lúc hàng khan, bởi lúc này ở ta thị trường quán nhậu “tiểu hổ” và “cày tơ” cũng bắt đầu nở rộ nên anh phải mò sang các tỉnh như” Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... để bắt hàng. Thấm thoắt mà đã được gần 2 năm trong nghề “lái cẩu”. Nhờ tài chạy chợ nên cuộc sống của gia đình cũng đủ sống.
Do quá trình thường xuyên qua lại giữa hai nước nên Tước nắm bắt được hoạt động buôn bán mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ cao cấp theo mẫu cổ Trung Quốc vào Việt Nam. Nhận thấy đây là một hướng có thể làm ăn tốt (vì lúc đó ở Việt Nam còn rất ít loại hàng này) nên cuối năm 1994 anh đã chuyển hướng sang buôn đồ gốm sứ.
Chuyến hàng đầu tiên anh gom góp tất cả vốn liếng được 60 triệu đồng ôm sang Trung Quốc đánh quả mở màn. May mắn thay, ngay chuyến hàng đầu tay anh đã thắng lợi lớn, được lãi gấp đôi (gần 60 triệu đồng). Mặc dù là dân buôn bán nhưng anh không ngừng tìm tòi sách vở tài liệu về đồ gốm sứ nói chung và gốm sứ cổ nói riêng để tăng thêm kiến thức.
Tước bảo: “mình đã không biết thì thôi nhưng đã biết thì phải biết cho tường tận”. Lần nào qua lấy hàng anh cũng phải tìm cho bằng được một tài liệu nào đó của nước bạn nói về gốm sứ rồi mang về nhà mày mò dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu. Khi đã tạo được một hệ thống đại lý ở Hà Nội và một số tỉnh khác chuyên kinh doanh các mặt hàng này ổn định, guồng máy của anh cứ thế hoạt động đều đều. Bình quân mỗi tháng một chuyến anh đưa hàng từ Trung Quốc về. Thời gian cao điểm, anh mạnh dạn bỏ ra cả nửa tỉ đồng làm vốn lấy hàng.
Trốn nhà đi để học nghề
Vào một đêm cuối đông lạnh giá, Tước lặng lẽ ôm một khoản tiền rời nhà tìm đường vào thẳng tỉnh Giang Nam (Trung Quốc) – nơi sản sinh ra cái mặt hàng đặc biệt này để tìm hiểu và học nghề. Lúc rời nhà đi anh chẳng hề để lại một lời nhắn hay gọi điện về nhà một cú điện thoại nào khiến cả gia đình anh lo lắng.
Chẳng hiểu chuyện gì đã đến với anh, anh đi đâu, làm gì và vì sao anh lại bỏ vợ con mà đi như thế! Đã nhiều lần vợ anh nhắn tin trên đài, báo, song anh vẫn “biệt vô âm tín”.
Gần một năm sau anh trở về, vợ con mừng tủi, giận hơn nhưng khi biết anh sang bên kia là để học nghề, là để thực hiện ước mơ thì ai nấy cũng đều cảm phục và chia sẻ với anh hơn.
Sau khi trở về, anh bắt ngay tay vào việc xây dựng quy trình, đắp lò và chuẩn bị đội ngũ thợ để sản xuất. Đầu năm 2000, xưởng sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp theo mẫu cổ Trung Quốc của anh được ra đời. Mặc dù đã trở nên rất sành về đồ cổ nhưng để bảo đảm thành công, thời gian đầu anh phải thuê thợ ở Bát Tràng với giá rất cao (bình quân 3 triệu đồng/người/tháng) lên làm trước. Đồng thời anh cho tuyển những người có chút năm khiếu về hội hoạ, điêu khắc, khéo tay ở địa phương vào làm việc.
Gần 6 tháng trời ròng rã thử nghiệm từ nhào nặn, tô vẽ rồi nung đốt đều không thu được kết quả theo ý muốn. Điều đáng nói là hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ TQ với giá thành tương đối cao. Hàng nghìn sản phẩm cứ lần lượt phải đổ đi, số tiền chi phí cho các cuộc thử nghiệm này đã lên tới con số hàng trăm triệu đồng khiến anh cũng hoảng.
Có những lúc anh đã tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Tuy nhiên nhờ vào lòng kiên trì, ý trí quyết tâm và sau mấy lần rút kinh nghiệm nên các sản phẩm của anh cũng dần dần được ra lò lành lặn đúng kỹ thuật. Cho đến một năm sau thì đại bộ phận sản phẩm của anh làm ra được thị trường chấp nhận. Anh nhanh chóng mở rộng quy mô đưa vào sản xuất hàng loạt.
Hiện nay, sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, thậm chí có còn được đưa ra nước ngoài bằng con đường tiểu ngạch. Tuy chỉ với cái lò nung 3 khối, song bình quân mỗi tháng anh cho ra lò gần hai nghìn sản phẩm, thu lãi gần 100 triệu đồng.
Những sản phẩm của anh rất phong phú từ các loại bát đĩa, bình hoa, ấm nước đến các đồ thờ cúng cung đình. Điều đặc biệt là 100% sản phẩm đều được làm theo các mẫu cổ của đời nhà Minh, nhà Thanh (Trung Quốc).
Giá thành mỗi sản phẩm giao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Được biết những cơ sở sản xuất như của anh hiện ở nước ta vẫn còn rất hiếm. Vì vậy với lợi thế này, cơ sở của anh luôn thu hút và đảm bảo được cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng.