Tự "mời chào": một phương thức tìm việc!
Lượt xem: 13,222Chắc hẳn không ai thích thú gì khi phải giới thiệu một sản phẩm qua điện thoại mà không được khách hàng yêu cầu, đặc biệt khi sản phẩm đó lại là... chính mình. Sự áy náy khi đường đột tiếp xúc với ai đó mà không được họ yêu cầu cùng với tâm trạng lo lắng khi tìm việc thực sự là một kinh nghiệm đầy căng thẳng mà ít ai muốn trải qua.
Tuy nhiên, việc tự dưng chào mời mình với nhà tuyển dụng có thể đem lại hiệu quả thực sự cho một người đang tìm việc làm. Nó có thể giúp họ thiết lập ngay được mối quan hệ cá nhân trực tiếp với nhà tuyển dụng bằng xương bằng thịt. Thay vì chờ đợi nhà tuyển dụng để mắt tới sơ yếu lý lịch của mình, việc tự chào mời có thể giúp họ đi ngay tới giai đoạn trọng yếu là nói chuyện trực tiếp với giám đốc tuyển dụng.
Nhờ thế họ nắm được nhân vật cụ thể cần tiếp xúc để theo dõi và có thể nhận được phản hồi có giá trị về tư cách ứng viên của mình, và cả quá trình xin việc của họ được thúc đẩy nhanh chóng ngay từ bước đầu tiên.
Tự “chào mời” không những là một phương pháp hữu hiệu để giúp bạn phát động ngay quá trình tìm việc của mình mà còn là một trong những bí quyết hàng đầu để tiếp cận các công việc không được quảng cáo trên thị trường lao động.
Cho dù bạn có thể chưa tìm được ngay một công việc thích hợp, nó cũng là một cách giúp bạn được lưu ý trong đợt tuyển dụng kế tiếp. Ngoài ra, nó còn tạo cho bạn một lợi thế nữa so với các đối thủ đang tìm việc như bạn : Đó là việc bạn tự “chào mời” mình với nhà tuyển dụng sẽ giúp họ không phải tốn một khoản chi phí cho việc tuyển dụng.
Mục tiêu của việc tự “chào mời” mình là giúp người tìm việc giảm nỗi lo lắng tới mức tối thiểu và có cơ hội tối đa giành được kết quả tích cực. Sau đây là một số lời khuyên để người tìm việc tiếp cận dễ dàng hơn với nhà tuyển dụng và giúp việc tự “chào mời” của họ đạt hiệu quả tốt hơn. Nhưng họ phải luôn ghi nhớ rằng bí quyết trước tiên là cần phải tập trung tối đa vào mục tiêu đang nhắm tới. Họ cần phải :
- Nhắm đúng công ty : Hãy chọn công ty mà việc nghiên cứu của bạn cho thấy kỹ năng và kiến thức của bạn có thể làm lợi cho họ. Hãy xem kinh nghiệm làm việc của mình có phù hợp với ngành nghề hoạt động của công ty không, so sánh mối quan tâm của bạn với chiến lược công khai của họ và hình dung xem bạn có thể đối phó với một thử thách mà mình có khả năng xác định được và vượt qua ra sao. Nếu bạn có những đặc tính càng phù hợp với chân dung của một ứng viên lý tưởng, bạn càng có cơ hội thuận lợi để “chào mời” mình thành công.
- Nhắm đúng quan hệ : Hãy tìm cách thiết lập quan hệ với một nhân vật phù hợp trong công ty. Thông thường nhân vật này không phải là chủ tịch, tổng giám đốc hay giám đốc điều hành, mà là người đang có chức năng tác nghiệp, có thể nhanh chóng đánh giá khả năng của bạn và nhận ra giá trị của bạn đối với công ty họ.
Mặc dù bạn có thể tự “chào mời” mình với bộ phận nhân sự để có thể gia tăng vị thế của mình đối với một vị trí tuyển dụng được quảng cáo, nhưng bộ phận này lại không phải là nơi để tìm hiểu về những công việc không được quảng cáo trên thị trường lao động. Để có thể nắm được đầu mối thông tin sớm và biết rõ nội tình công ty, bạn cần tiếp cận và vun đắp quan hệ lâu dài với giám đốc tuyển dụng, nguời mà sau này có thể đề cử bạn vào một công việc nào đó. Nên nhớ rằng việc dò hỏi thông tin tập trung sẽ cho kết quả rõ ràng hơn. Vì vậy, bạn cần nắm được số điện thoại trực tiếp của nhân vật này.
- Nhắm đúng thời điểm : Mọi người trong doanh nghiệp đều bận rộn, vì vậy tìm được người có thời gian để trò chuyện không phải là việc dễ dàng. Hãy cố gắng chọn thời điểm thích hợp để gọi điện thoại đến, hoặc gửi e-mail xin họ gọi lại hay cho một cuộc hẹn qua điện thoại. Bạn cũng có thể nhờ người trợ lý thu xếp cho bạn một cuộc gặp. Nếu bạn cảm thấy người trả lời điện thoại không chú ý hoặc không muốn hợp tác, tốt nhất là hãy lịch sự chấm dứt cuộc gọi và đề nghị sẽ gọi lại vào lúc khác thích hợp hơn.
- Nhắm đúng mục tiêu : Hãy chuẩn bị nói một điều gì đó có liên quan hoặc cung cấp một vài thông tin có giá trị dựa trên sự tìm hiểu của bạn. Hãy khơi mào việc tiếp xúc bằng cách nói chuyện chút ít về công việc thay vì vào đề ngay bằng yêu cầu giúp đỡ bạn tìm việc. Cố gắng biến cuộc nói chuyện thành một cuộc trao đổi có lợi cho cả hai bên.
- Nhắm đúng mạng lưới : Hơn 80 phần trăm việc tuyển các chức danh quản lý được thực hiện thông qua việc thiết lập quan hệ, giới thiệu cá nhân và tham khảo ý kiến. Vì vậy, tự “chào mời” là một phương thức rất hiệu nghiệm để mở rộng mối quan hệ công việc của bạn và tiếp cận với những người có thể chia sẻ thông tin về việc làm với bạn trong hiện tại hay tương lai.
Đừng mong đợi đây là cách thức có thể giúp bạn đạt được kết quả nhanh chóng, được sắp xếp phỏng vấn ngay hoặc lý lịch của bạn được chú ý. Thiết lập quan hệ là chuẩn bị cho triển vọng dài hạn. Vì thế, không nên thất vọng khi bạn chưa đạt được kết quả ngay. Hãy xem thời gian bỏ ra để thiết lập quan hệ là một sự đầu tư. Cần phải tốn thời gian để tìm được đúng người có chung mối quan tâm về nghề nghiệp và sở thích cá nhân với bạn.
- Nhắm đúng chiến lược nghề nghiệp : Hãy nhớ rằng bạn là người đang cần sự giúp đỡ và cần giữ thái độ lịch sự và tư cách. Đồng thời, hãy biến việc tự “chào mời” của mình thành một cuộc trao đổi về nghề nghiệp giữa những người ngang hàng, chứ không phải là việc xin xỏ của một kẻ bề dưới. Làm như bạn không phải đang xin một công việc, mà bạn đang đề nghị một sự đóng góp cụ thể có lợi cho cả đôi bên.
Hãy nhớ rằng không phải điều bạn biết mà người bạn biết mới có thể giúp bạn nhanh chóng tìm được cơ hội lý tưởng trong tương lai. Hãy chứng tỏ cho đối tượng bạn tiếp xúc thấy rằng bạn là người cần cho sự thành công của tổ chức họ. Vậy làm thế nào để có thể khơi mào được một cuộc đối thoại như vậy ? Hãy gọi điện vào lúc thuận tiện cho đối tượng bạn muốn tiếp xúc, thuyết phục cho họ thấy bạn có thể giúp họ đối phó với thử thách, tìm ra giải pháp cho vấn đề, tiết kiệm chi phí, tạo thêm doanh số và gia tăng lợi nhuận. Và như thế bạn sẽ thấy rằng tự “chào mời” có triển vọng cao mang lại cho bạn một kết quả tốt.