Từ Philip Kotler đến câu chuyện đào tạo
Lượt xem: 14,526Chuyến viếng thăm vài ngày của con người được mệnh danh "huyền thoại marketing" với những cuộc nói chuyện, diễn thuyết nhằm tác động đến tư duy kinh doanh của những doanh nhân Việt với ước vọng "toàn cầu".
Đưa thương hiệu Việt đến với thế giới, biến Cty của mình thành Cty có tầm quốc tế không chỉ là ước vọng của riêng của các doanh nhân Việt mà là ước muốn của cả một đất nước. Tốc độ thay đổi nhanh chóng trong thời đại thông tin đặt ra nhiệm vụ cấp bách với một DN là phải có một chiến lược tiếp thị thích hợp để có thể tồn tại và phát triển.
Philip Kotler cho rằng, một trong những vấn đề mà DN VN đang gặp phải là người tiêu dùng (NTD) trong nước thích hàng nước ngoài hơn, vì nghĩ nó tốt hơn. Đi kèm với khó khăn này là, các DN VN phần lớn là DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế để làm tiếp thị, trong khi phải đối mặt với các tập đoàn đa quốc gia giàu mạnh đã vào VN.
Theo ông, DN VN phải tập trung xây dựng hình ảnh của mình và làm thay đổi nhận thức của NTD. Để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, ông cho rằng, DN VN phải có những bước đi thông minh với lợi thế am hiểu thị trường nội địa hơn, để tìm ra những thị phần mà các tập đoàn nước ngoài chưa đáp ứng, sản xuất sản phẩm có giá rẻ hơn nhưng vẫn đưa đến giá trị cho NTD...
Những Cty đổ nhiều tiền của vào tiếp thị quảng cáo sản phẩm, theo Philip Kotler, chưa hẳn là Cty được yêu thích nhất. Ngược lại, những Cty được NTD yêu thích chỉ cần chi ít hơn nhưng cũng tiếp thị hiệu quả. Khi một DN đã chiếm được tâm trí, tình cảm của NTD, thì NTD cũng là một kênh tiếp thị hữu hiệu cho Cty qua phương thức truyền miệng.
Ông khuyên các DN VN nên tận dụng nhiều phương thức tiếp thị, nhiều công cụ và công nghệ mới để xây dựng thương hiệu. "Xây dựng thương hiệu ngày nay như là bộ quần áo để mặc đi vào thị trường, phải tạo ra nó và sống với nó, nhiệm vụ này là của tất cả mọi người trong một Cty", ông nói. Ông đưa ra hình ảnh bảng phóng phi tiêu để ví với thị trường. Khách hàng là tâm đỏ ở giữa. Song, vòng ngoài sát tâm, là những đối tượng tiềm năng mà DN phải nghiên cứu về họ, để biến họ thành khách hàng của mình trong tương lai.
Câu chuyện về chiến lược marketing DN ở một đất nước mà số DN vừa và nhỏ chiếm ưu thế, bên cạnh đó xu hướng cổ phần hoá cũng buộc các DN phải có những bước đi dài hơi hơn và bài bản hơn trong những chiến lược phát triển, tiếp thị đến quảng bá cho chính mình. Cạnh tranh và cọ xát không chỉ với các thương hiệu nước ngoài như đã nhắc tới ở trên do thói quen NTD Việt, mà cả là sự cạnh tranh lẫn nhau giữa những thương hiệu Việt.
Quay trở lại câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực marketing cho các DN để đáp ứng được nhu cầu và uớc vọng toàn cầu; với con số 500.000 DN cho đến năm 2010, thì nhu cầu về số nhân sự làm marketing thực sự bài bản và chuyên nghiệp có lẽ còn hơn cả con số 500.000 đó.
Bản chất của marketing không phải là điều mới mẻ với các DN và những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh; tuy nhiên trong quá trình hội nhập với sức cạnh tranh lớn hơn chứ không phải chỉ đơn thuần là cơ hội nhiều hơn, thì một chiến lược marketing bài bản là điều kiện tiên quyết để DN tạo nên sự khác biệt và phát triển.
Để làm được điều đó cần có một nguồn nhân lực marketing được đào tạo bài bản, cả kiến thức trên sách vở và kiến thức thực tế, giá trị "thực học" chỉ có thể thực sự hiệu quả khi mang lại những lợi ích lâu dài cho DN.