Ứng phó với câu hỏi về mức lương trong quá khứ
Lượt xem: 26,446Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerViet :
Theo Richard Phillips, giám đốc tài chính và là chủ sở hữu của Advantage Career Solution ở Palo Alto, California, hầu hết, người sử dụng lao động có xu hướng hỏi về mức lương ứng viên từng được trả trong quá khứ, coi đó là một thước đo giá trị của bạn. Từ đó, họ sẽ xác định được mức lương bạn mong muốn.
Nếu như công ty không có nhu cầu tuyển nhân sự với mức lương cao vượt trội như thế, nhà tuyển dụng sẽ không lãng phí thời gian của bạn thêm nữa. Tất nhiên, nếu mọi thứ đều trong tầm kiểm soát, họ sẽ cố gắng thương lượng để đi đến quyết định thống nhất. Thực tế, mức lương trong quá khứ cũng phản ánh tầm vóc, uy tín của bạn trong thị trường việc làm hiện tại.
Điều mà hầu hết các ứng viên đều lo lắng là không biết khi hỏi về mức lương cũ, nhà tuyển dụng có ý đồ gì, và nên trả lời câu hỏi đó như thế nào? Sau đây là bí quyết giúp các bạn tự tìm câu trả lời cho bản thân trong từng trường hợp cụ thể:
Đừng bô bô về mức lương cũ nếu không bị hỏi đến
Nếu bạn đang làm hồ sơ theo mẫu của nhà tuyển dụng, có phần hỏi về lịch sử tiền lương, bạn đừng vội vàng ghi vào đó. Phillips khuyên rằng, ứng viên nên gạch vào đó để nhà tuyển dụng hiểu là bạn có nhìn thấy mục này chứ không phải bỏ sót. Bạn chỉ cần điền đầy đủ thông tin khác và gửi hồ sơ cho nhà tuyển dụng. Nếu họ quan tâm, họ sẽ gọi điện để hỏi thêm những thông tin khác, kể cả mức lương.
Tất nhiên, không ngoại trừ một số nơi sẽ bỏ qua bạn vì họ cho rằng, một khi không công khai mức lương quá khứ, nghĩa là bạn không có ý định nghiêm túc với vị trí họ đang tuyển. Nhưng rơi vào tình huống này, bạn đừng nên nuối tiếc bởi nếu nhà tuyển dụng thực sự "vừa mắt" với khả năng, kinh nghiệm của bạn, chắc chắn, họ sẽ gọi để khai thác thêm thông tin.
Khi được vào vòng phỏng vấn, theo Phillips, thay vì nói với người phỏng vấn những mức lương bạn từng được nhận trong quá khứ, bạn có thể đặt câu hỏi xem nhà tuyển dụng kỳ vọng những gì vào vị trí này. Sau đó, bạn chia sẻ mức lương bạn mong muốn nhận được chứ không phải mức lương cũ.
Đã nói thì phải thành thật
Lori Itali, một chuyên gia tư vấn nhân sự độc lập kể rằng, khi nói chuyện với các ứng viên, bao giờ cô cũng hỏi về lịch sử mức lương họ được hưởng qua các thời kỳ, "chúng tôi thường kết thúc buổi phỏng vấn bằng câu hỏi về tiền lương". Theo Itali, nhiệm vụ của cô không chỉ tìm kiếm ứng viên có năng lực mà còn phải cân đối giữa mức lương công ty có thể trả với mong muốn của người tìm việc.
Itali khuyên rằng, các ứng viên nên thành thật về mức lương họ được nhận bởi nhà tuyển dụng có thể xác nhận mức lương này trong phút chốc. Một khi biết ứng viên nói dối, dù có phù hợp với vị trí công ty đang cần, nhà tuyển dụng cũng gạt bạn khỏi danh sách vì sự thiếu trung thực đó.
Còn với Phillips, đôi khi, việc cung cấp thông tin này thực sự không mấy quan trọng bởi ngoài lương ra, bạn còn được hưởng các khoản mềm, tiền làm thêm ngoài giờ, thưởng tháng, thưởng quý... Việc nói dối về mức lương chỉ làm giảm uy tín của bạn nếu bị nhà tuyển dụng phát hiện. Vì thế, hãy nói đúng sự thực bởi khi công ty đưa ra đề nghị, bạn vẫn có thể thương lượng rồi mới quyết đinh.