Vài lời khuyên cho nhà tuyển dụng
Lượt xem: 15,814
Các nhà tuyển dụng cũng đau đầu nát óc với hàng trăm tập hồ sơ ứng tuyển. |
Đừng nghĩ rằng trong việc tuyển dụng, người căng thẳng chỉ có ứng viên. Các nhà tuyển dụng để chọn được một ứng viên tiềm năng cũng phải trải qua nhiều “chặng đường” khó khăn.
Chúng tôi xin tặng các nhà tuyển dụng vài lời khuyên dưới đây, nhằm tránh những sai lầm khi tuyển nhân sự cho công ty.
1. Không vội vã
Bạn cần phải coi trọng và đầu tư thời gian cho quá trình tuyển người như khi bạn đang làm một dự án quan trọng vậy. Bởi mỗi quyết định của bạn sẽ liên quan đến lợi ích dài hạn của công ty cũng như của từng nhân viên, người sẽ làm việc chung với ứng viên đó.
2. Không nên để một mình phòng nhân sự quyết định
Đừng để việc tuyển dụng được làm chỉ bởi một mình phòng nhân sự của công ty. Việc lựa chọn các ứng viên này nên lấy cả ý kiến của những nhân viên mà ứng viên đó sẽ làm việc cùng sau này. Động thái này cũng là một trong những cách giúp khuyến khích tinh thần làm việc nhóm.
3. Cho ứng viên làm một bài kiểm tra năng lực
Đây là một trong những cách cổ điển nhưng chính xác và dễ dàng giúp bạn nhận ra được ứng viên nào có năng lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Bạn nên chọn lựa những câu hỏi vừa mang tính lý thuyết vừa có chút mẹo để ứng viên phải vận dụng mọi kiến thức trong và ngoài sách vở.
4. Không quyết định theo cảm tính
Lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta thực sự là một phẩm chất đáng quý. Tuy nhiên, đó lại không phải một phẩm chất tốt nếu bạn đang trong vai trò của một nhà tuyển dụng cho công ty. Bạn chỉ đưa ra quyết định sau khi đã trả lời được rõ ràng câu hỏi cốt yếu này “Ứng viên này sẽ đem lại lợi ích gì cho công ty sau này?”
5. Thận trọng với ứng viên có người quen làm việc trong công ty
Ở đây không có nghĩa rằng bạn nên nâng đỡ hay khắt khe với ứng viên đó mà bạn nên thận trọng khi nhận xét về ứng viên đó. Bạn không nên dựa trên những phong cách làm việc của người kia và áp đặt rằng ứng viên này cũng sẽ như vậy. Hãy xem xét ứng viên này như bao ứng viên khác rằng những thông tin bạn có được chỉ qua hồ sơ họ gửi đến.
6. Hỏi ý kiến đồng nghiệp
Thường thì những người ở ngoài sẽ nhìn nhận được rõ hơn, đặc biệt những người đã hoặc đang làm việc tại cùng vị trí đang tuyển dụng, vì thế hãy hỏi ý kiến họ về những ứng viên bạn đã lựa chọn ra. Thậm chí họ còn có thể nhận ra được ứng viên nào có thể thành công khi làm việc tại vị trí này dựa trên kinh nghiệm làm việc của họ.
7. “Thận trọng” với những thành tích của ứng viên
Không ai phủ nhận rằng người có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quá khứ sẽ dễ dàng thành công trong tương lai hơn. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng với những danh sách thành tích mà ứng viên đưa ra. Bạn cần có lựa chọn và sàng lọc những thành tích và kinh nghiệm thực sự có ích với yêu cầu công việc. Tránh để số lượng lấn át chất lượng.
8. Luôn có sẵn một danh sách những ứng viên tiềm năng
Sau mỗi đợt tuyển dụng như vậy, bạn nên lập ra một danh sách những ứng viên bạn cho là có tiềm năng. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà họ có thể chưa thành công trong lần này. Duy trì danh sách sẽ khiến cho công việc của bạn dễ dàng và nhanh chóng hơn cho những lần tuyển dụng sau. Vì khi đó bạn đã hiểu được những điểm mạnh và yếu của họ qua quá trình tuyển dụng lần trước.
9. Nắm rõ yêu cầu của vị trí tuyển dụng
Phải chắc chắn rằng bạn nhớ rất rõ mọi chi tiết, yêu cầu về vị trí tuyển dụng đó: công việc đó làm gì? Mức lương khoảng bao nhiêu? Thời gian làm việc như thế nào?… Từ đó bạn mới có thể chọn được ứng viên phù hợp.